Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung tự hào là chiến sĩ TNXP

28/03/2016 | 16:54 GMT+7

Xuất thân là một thanh niên xung phong (TNXP) từ Thành đoàn TNCS TPHCM, sau đó trở về học âm nhạc tại Khoa sáng tác - Nhạc viện TPHCM, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung (ảnh) đã có nhiều sáng tác nổi tiếng viết cho đồng đội của mình. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Lực lượng TNXP TPHCM, nhạc sĩ đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.

Phóng viên: Là một người xuất thân từ màu áo xanh TNXP, anh có thể chia sẻ những cảm xúc về các tác phẩm âm nhạc viết về lực lượng này từ những ngày đầu mới thành lập?

Nhạc sĩ NGUYỄN ĐỨC TRUNG: Từ những ngày đầu thành lập, nhiệm vụ chính của TNXP là đi lao động, khai hoang và làm kinh tế mới. Và hoạt động văn hóa văn nghệ không thể thiếu trong TNXP. Cho nên lực lượng đã thành lập một đội văn công đi phục vụ, nơi nào có TNXP thì chỗ đó có tiếng hát của đội văn công TNXP. Lúc đó đã có những tác phẩm ra đời, tuy chưa chín muồi nhưng là bài hát khởi đầu đã tạo tiền đề cho những sáng tác về TNXP sau này.

Ngày ấy đã có những bài hát của các nhạc sĩ chuyên nghiệp viết về TNXP như Phạm Trọng Cầu, Phan Huỳnh Điểu, Lư Nhất Vũ, Trương Quang Lục, Nguyễn Văn Sanh, Trần Xuân Tiến, Vy Nhật Tảo… Những tác phẩm của các nhạc sĩ sau đó đã được sử dụng để cổ vũ, động viên TNXP trong hoạt động trong những ngày đầu như: Bài ca thanh niên xung phong (Phạm Trọng Cầu), Khúc hát người đi khai hoang (Lư Nhất Vũ), Là thanh niên xung phong (Phan Huỳnh Điểu), Đào kênh (Trần Xuân Tiến), Tâm tình người xung kích thanh niên (Nguyễn Văn Sanh), Con kênh ta đào (nhạc Phạm Tuyên, phổ thơ Bùi Văn Dung)… Từ những tác phẩm ban đầu của các nhạc sĩ chuyên nghiệp, đã hình thành một số gương mặt với những sáng tác mới từ phong trào, phục vụ sinh hoạt tập thể của TNXP như Nguyên Anh (Bài ca kinh tế mới), Nguyễn Đức Trung (Bài ca sinh hoạt), Nguyễn Đức Tập (Tuyến kinh lửa, Dứt điểm)…

Sau hoạt động thủy lợi, TNXP ra chiến trường, bảo vệ biên giới Tây Nam. Giai đoạn này, xuất hiện những tác phẩm về biên giới như: Những vết chai cho Tổ quốc, Em đi cầu cây (Lê Văn Lộc), Trăng treo đỉnh đầu (Lê Đức Du, phổ thơ Cao Vũ Huy Miên), Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (Phạm Minh Tuấn, phổ thơ Nguyễn Nhật Ánh), Em ở nông trường, em ra biên giới (Trịnh Công Sơn), Cô gái thông đường trên biên giới Tây Nam (Nguyễn Nam)… Thời điểm lịch sử này đã tạo nên những dấu ấn, thể hiện tình cảm khắng khít giữa TNXP và các anh bộ đội - những người cùng chung lý tưởng là bảo vệ đất nước. Những tác phẩm này đã phát huy tác dụng rất lớn, nói lên tinh thần của thanh niên cả nước nói chung, thanh niên TPHCM nói riêng; thể hiện ý chí sẵn sàng, đúng ý nghĩa xung phong. Lúc đất nước cần, TNXP sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng ra tuyến lửa. Những ca khúc này đã thôi thúc người trẻ lên đường, thắp lửa nhiệt huyết. Không chỉ bảo vệ đất nước, người TNXP còn thể hiện lý tưởng, bởi hầu hết đều sẵn sàng trích máu viết huyết tâm thư trước khi lên đường. Đúng như ý nghĩa của xung phong, rất nhiều người đã nằm lại nơi chiến trường.

Dù là trong thời chiến hay thời bình, những ca khúc viết về TNXP cũng phản ánh ý chí, lý tưởng của thanh niên xung phong, cũng mang đầy hơi thở cuộc sống?

Đúng vậy. Trong quá trình kiến thiết, dựng xây đất nước, những tác phẩm viết về TNXP với một khí thế mới. Giai đoạn này lực lượng TNXP nhận nhiều nhiệm vụ mới như khai hoang, đào kênh, giữ rừng, xây dựng kinh tế mới đồng thời tiến quân về những mặt trận mới, địa bàn mới, công trình mới. Họ xung kích đi nhiều nơi như: Đắk Nông, Đắkmil, Lâm Hà, Lâm Đồng, Sông Bé, vùng Dương Minh Châu, duyên hải Cần Giờ… Có thể kể đến Hạt mưa long lanh, Đêm rừng Đắkmil (Nguyễn Đức Trung), Như khúc tình ca (Nguyễn Ngọc Thiện), Chiều nhớ (Từ Huy), Hoàng hôn màu lá (Thanh Tùng)… Từ đây, những sáng tác về TNXP bắt đầu phát triển tốt và tạo dấu ấn rất tốt.

Những người TNXP yêu chính màu áo của mình, người dân cả nước yêu thương màu áo TNXP, chính những tình cảm này hòa quyện với nhau, những tác phẩm về TNXP cũng vì thế đầy sức sống và không ngừng lan tỏa. Sự tương quan giữa con người, môi trường, cuộc sống, lao động, chiến đấu, lý tưởng… đã làm nên những tác phẩm rất đặc trưng TNXP, đúng như tinh thần xung phong sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi đất nước cần, như câu nói “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên xung phong”. Những năm gần đây, theo yêu cầu xã hội, TNXP còn xung kích trong nhiều lĩnh vực phục vụ xã hội: giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm cho người nghiện ma túy, dịch vụ công ích, hỗ trợ giao thông, giữ xe đúng giá, giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ du khách… Nhiệm vụ nào được giao, TNXP cũng vượt mọi khó khăn, hoàn thành và tạo được sự tin yêu của người dân. Có những tác phẩm mới viết về TNXP đó là: Áo xanh của niềm tin (Nguyễn Văn Vinh), Áo xanh trên phố (Nguyễn Đức Trung), Bến cảng (Lê Văn Lộc), Áo xanh (Phan Hồng Sơn)…

Viết về TNXP, hầu như tác phẩm âm nhạc nào cũng rất lạc quan, tươi sáng và có hướng đi lên, đặc biệt là tấm lòng với đồng đội. Tôi rất tự hào được khoác trên mình màu áo xanh xung phong, được góp một thời tuổi trẻ cho Tổ quốc. Khi nghe những ca khúc về TNXP, tôi luôn cảm thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng và được thắp lửa niềm tin.

Ngoài lớp nhạc sĩ TNXP đã trưởng thành, những năm gần đây có nhiều nhạc sĩ trẻ dành nhiều tình cảm và viết về TNXP rất giàu cảm xúc, gây ấn tượng với khán giả. Anh nhìn nhận thế nào?

Không phải đợi đến những dịp kỷ niệm mời gọi hay đặt hàng sáng tác, những nhạc sĩ trẻ này đến với TNXP và sáng tác bằng chính tình cảm và tâm huyết của họ cho màu áo xanh TNXP. Có thể kể như Hoài An, Nguyễn Văn Chung, Hoàng Phương, Nguyễn Văn Vinh, Xuân Nghĩa… Có thể nói, về tinh thần thì đó là những tình cảm rất đáng quý. Có bài dễ nhớ, có bài lãng mạn, khí thế, có bài tình cảm, thiết tha, có bài được thích nhiều, có bài ít được thích hơn, có bài phổ biến có bài chưa, tuy nhiên, chúng tôi luôn đón nhận tất cả tác phẩm và trân trọng những tình cảm đó.

Theo MINH AN/SGGP

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>