Đôi nét về bức tranh thế giới năm 2015

10/02/2016 | 07:33 GMT+7

Năm 2015, bức tranh thế giới vẫn là sự đan xen giữa liên kết, hợp tác và hội nhập với xung đột, khủng hoảng, tranh chấp... Trong đó xu thế tăng cường hội nhập, hợp tác, liên kết, giảm căng thẳng, đối đầu có bước tiến mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự gia tăng các mâu thuẫn, đối đầu, xung đột, khủng hoảng, khủng bố... còn diễn ra nhiều nơi, làm cho tình hình chưa yên ổn.

Các quan chức Iran và Nhóm P5+1 vui mừng khi đạt được thỏa thuận hạt nhân tại Vienna (Áo).

Hội nhập, liên kết và hợp tác...

Trong năm 2015, xu hướng hợp tác, hòa bình, hội nhập giữa các quốc gia gia tăng. Nhóm các cường quốc gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức (Nhóm P5+1) đã ký thỏa thuận cuối cùng với Iran về vấn đề hạt nhân của nước này. Đây được xem là bước đột phá quan trọng giải quyết được cuộc khủng hoảng hạt nhân kéo dài nhiều năm qua giữa Mỹ và các nước phương Tây với Iran liên quan đến an ninh khu vực và thế giới. Theo thỏa thuận này, Iran chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân trong quy mô phục vụ mục đích dân sự và chịu sự giám sát của quốc tế đối với chương trình hạt nhân của mình. Đổi lại, Mỹ và các nước phương Tây phải dỡ bỏ cấm vận đối với Iran và tạo điều kiện để nước này tái hòa nhập với khu vực và thế giới. Thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran được dư luận quốc tế ca ngợi, xem đây là một sự kiện có tính lịch sử trong quan hệ quốc tế, mở ra hy vọng giải quyết các “điểm nóng” khác trên thế giới bằng con đường thương lượng hòa bình.

Từ phải qua: Tổng thống Pháp Francois Hollande, Ngoại trưởng Laurent Fabius và Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon vui mừng sau cuộc họp cuối cùng của COP21.

Điểm nổi bật trong liên kết khu vực là sự hình thành Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột chính gồm: Chính trị - An ninh, Kinh tế, Văn hóa - Xã hội. Các nhà phân tích quốc tế cho rằng, xây dựng Cộng đồng ASEAN là dấu mốc hội nhập quan trọng trong lịch sử phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hình thành Cộng đồng ASEAN cho phép các quốc gia Đông Nam Á xây dựng một tổ chức hợp tác liên chính phủ sâu rộng và nhiều ràng buộc hơn. Qua đó, phát huy tốt hơn vai trò chủ đạo của Hiệp hội trong các liên kết nội khối, liên khu vực, trở thành một nhân tố có vai trò và vị thế quan trọng trong việc bảo vệ hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và thế giới. Cùng với quá trình đó là việc 12 nước châu Á - Thái Bình Dương đã hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tạo cơ hội mở rộng liên kết, hợp tác trên lĩnh vực thương mại, đầu tư và nhiều lĩnh vực khác, có lợi cho an ninh và phát triển cho khu vực. Một sự kiện được thế giới quan tâm và chung tay góp sức đó là Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đã đạt được Thỏa thuận mang tính lịch sử nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu đã được thông qua với sự chấp thuận của 195 nước tham dự hội nghị. Các nước cam kết sẽ giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân chính làm cho nhiệt độ Trái đất gia tăng, và dành khoản kinh phí thỏa đáng đầu tư tạo ra năng lượng sạch không gây ô nhiễm môi trường, nhằm bảo vệ sự sống con người trên hành tinh chúng ta. Trong năm, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng tổ chức hội nghị thảo luận tăng cường hợp tác, nhằm phát huy vai trò của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng, đảm bảo hòa bình, an ninh, ổn định và sự phát triển của thế giới. Các tổ chức khu vực cũng tăng cường hợp tác, mở rộng liên kết trên các lĩnh vực để phát triển và đối phó với các mối đe dọa khủng bố, các thảm họa môi trường…

Cùng với quan hệ đa phương, quan hệ hợp tác song phương giữa các quốc gia cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Các nước cố gắng hạn chế các mâu thuẫn, bất đồng, tranh thủ tận dụng những điểm tương đồng, lợi ích chung để tăng cường quan hệ hợp tác, đáp ứng mục tiêu, lợi ích chiến lược của mình. Tiêu biểu là việc Mỹ và Cuba đã bình thường hóa quan hệ, khép lại quá khứ hơn nửa thế kỷ đối đầu căng thẳng, mở ra giai đoạn hòa bình, hợp tác cùng phát triển, có lợi cho an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới. Việc Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã gác lại bất đồng để tăng cường hợp tác cùng phát triển, góp phần ổn định an ninh ở khu vực và thế giới.

Theo các chuyên gia phân tích quốc tế, tăng cường hợp tác, liên kết, hội nhập, giải quyết các bất đồng, xung đột bằng biện pháp hòa bình, tránh đối đầu nhằm thúc đẩy hòa bình và phát triển đang là xu thế phát triển của thời đại trong quan hệ quốc tế hiện nay.   

Dòng người di cư.

Xung đột, khủng hoảng, khủng bố...

Nổi lên là cuộc nội chiến ở Syria đã kéo dài hơn bốn năm qua vẫn chưa có hồi kết. Liên minh do Mỹ đứng đầu đã thực hiện nhiều chiến dịch không kích chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở cả Syria và Iraq, nhưng không đạt được bước tiến nào đáng kể. Sức mạnh của IS ngày càng lan rộng khiến cho nhiều vùng đất ở Syria và Iraq lần lượt rơi vào tay tổ chức khủng bố này. Trong khi đó, kể từ ngày 30-9, Nga đã mở màn chiến dịch không kích hậu thuẫn cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad chống IS ở Syria. Chiến dịch không kích của Nga đã gây thiệt hại đáng kể cho IS và giúp quân đội chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad giành lại nhiều vùng đất chiến lược từ tay của IS.

Tuy nhiên, những diễn biến trên mặt trận chống khủng bố ngày càng khó lường. IS tăng cường hoạt động và tìm cách xâm nhập vào các nước phương Tây và Mỹ để thực hiện các hoạt động khủng bố. IS đã trực tiếp chỉ đạo tiến hành hàng loạt vụ tấn công tại thủ đô Paris (Pháp) làm 130 người thiệt mạng và nhiều vụ tấn công khác có liên quan đến các tổ chức khủng bố. Trước diễn biến phức tạp của các hoạt động khủng bố, Anh, Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc phải tham gia vào các chiến dịch không kích chống IS ở Syria, Iraq. Điều đáng chú ý là lần này cả Nga và phương Tây cùng tham gia cuộc chiến chống IS, song không cùng mặt trận. Trong khi Nga ủng hộ và hỗ trợ cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria thì liên quân do Mỹ cầm đầu lại hậu thuẫn cho phe đối lập. Tuy hậu thuẫn cho hai phe đối nghịch, nhưng một số nước như Anh, Pháp đã “bắt tay” Nga, còn Mỹ thì vẫn để ngỏ khả năng hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, những động thái diễn ra cuối năm như việc Mỹ bổ sung hàng chục cá nhân và tổ chức của Nga vào danh sách trừng phạt hay Liên minh châu Âu (EU) gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, một lần nữa cho thấy giữa Nga và phương Tây vẫn còn nhiều bất đồng. Nga đã chỉ trích hành động trên của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là sai trái, mang tính thù địch và Nga sẵn sàng có các biện pháp đáp trả.

Các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Lễ ký kết tuyên bố Kuala Lumpur về hình thành Cộng đồng ASEAN 2015.

Các cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, các phe phái tại Libya, Ukraine vẫn còn đang tiếp diễn. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn tiếp tục triển khai quân cùng vũ khí, trang bị, tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở khu vực giáp biên giới Nga; Mỹ vẫn đẩy mạnh việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa (NMD) ở châu Âu, khiến cho tình hình càng thêm phức tạp, đẩy quan hệ giữa Nga với phương Tây luôn căng thẳng. Tình hình Biển Đông đã nảy sinh phức tạp mới, gây quan ngại sâu sắc cho an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên vùng biển có tầm quan trọng chiến lược này. Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên có những diễn biến phức tạp, gây quan ngại cho an ninh khu vực và thế giới. Cuộc đảo chính do phiến quân Houthi tiến hành đã đẩy đất nước Yemen vào cuộc xung đột đẫm máu. Chiến dịch không kích của liên minh Arab chống phiến quân Houthi ở Yemen đã diễn ra khiến cho nhiều người thương vong. Nhiều chuyên gia lo ngại, xung đột ở Yemen còn diễn biến phức tạp, nếu không có biện pháp giải quyết thích hợp thì có thể dẫn đến một cuộc chiến khu vực rất nguy hiểm. Đối với các quốc gia Tây Phi và miền nam châu lục, an ninh, khủng bố là vấn đề cần phải được quan tâm. Nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram ở Nigeria đã trở thành mối đe dọa lớn, liên tiếp tiến hành các vụ tấn công đẫm máu làm hàng ngàn người chết trong năm qua. Trước mối đe dọa từ nhóm khủng bố có tư tưởng chống phương Tây này, Mỹ và Pháp dù bận rộn với mặt trận chống IS ở Syria và Iraq, vẫn phải đưa lính đặc nhiệm và tốn nhiều tiền của để giúp các quốc gia châu Phi chống khủng bố.

Một cuộc không kích của máy bay Nga tại Syria.

Một vấn đề nổi cộm trong năm 2015 là cuộc khủng hoảng người di cư đến các nước châu Âu nghiêm trọng nhất trong vòng 70 năm qua với phần lớn người tị nạn đến từ một số nước Bắc Phi và Trung Đông. Hàng ngàn người thiệt mạng và mất tích trên vùng biển Địa Trung Hải khi họ bất chấp hiểm nguy cố chen lấn trên những chiếc thuyền cũ kỹ và ọp ẹp của bọn buôn người để tìm đến “miền đất hứa” châu Âu. Theo Cơ quan biên giới của Liên minh châu Âu (EU), hàng trăm ngàn người di cư đã tràn vào các nước Liên minh châu Âu (EU) bằng đường bộ. Liên Hiệp Quốc dự báo, số người tị nạn và di cư tràn vào châu Âu sẽ vượt một triệu người trong năm nay và dự báo sẽ tăng lên khoảng ba triệu người vào năm 2016. Làn sóng người di cư tràn vào châu Âu đã khiến nhiều quốc gia bất lực và đẩy châu Âu vào tình trạng rối ren. Hàng loạt hội nghị bộ trưởng và cấp cao được tổ chức để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư, nhưng các quốc gia vẫn chưa có tiếng nói chung. Nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng di cư đang đe dọa châu Âu là tình trạng bất ổn gia tăng tại các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông, khiến châu Âu trở thành “điểm đến lý tưởng” của người nhập cư.

Chiến hạm Milwaukee đến Biển Đông để tuần tra.

Năm 2015 khép lại với kỳ vọng về một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển theo xu thế thời đại. Tuy nhiên, xung đột, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, khủng hoảng di cư… cũng đang là nỗi lo chung của mọi người trên hành tinh chúng ta. Chỉ khi nào cộng đồng quốc tế cùng chung tay, góp sức thì mới mong mang lại cuộc sống bình yên cho nhân loại.

TRUNG HƯNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>