Khi mạch ngầm lan tỏa

10/02/2016 | 07:12 GMT+7

Văn hóa, một khái niệm rất rộng, nhưng chính những người chân lấm, tay bùn đã biến nó thành những việc cực kỳ đơn giản, như hạt gạo, củ khoai… Cũng chính từ điều này mà văn hóa như mạch ngầm len lỏi thấm trong từng con người, trong mỗi gia đình…

Ông bà Hồ Văn Lung - Nguyễn Thị Yến mãn nguyện với sự thành đạt của các con.

Cuối năm, khi cơn gió lạnh tràn về, là trong lòng mọi người lại dâng lên một niềm vui khó tả. Không chỉ sắp đón một tuổi mới với nhiều ước vọng, mà họ còn ngồi lại cùng nhau kể những câu chuyện vui buồn một năm qua và câu chuyện ấy cứ dài mãi cho những việc làm tưởng chừng như rất đơn giản, mà ý nghĩa của họ…

Làm dễ ụi…

Tôi còn nhớ cách nay khá lâu, khi phong trào làm hàng rào cây xanh mới được phát động. Một đồng nghiệp ở miền ngoài vào thăm Hậu Giang, nhờ dẫn đi tham quan một mô hình độc đáo, tôi liền ghé đến hộ gia đình ông Trần Ngọc Văn, ở phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ. Hàng rào cây xanh thẳng tắp, rất đẹp, do bàn tay chăm sóc của chủ nhân đã gần 30 năm nay. Giờ ghé lại, vẫn đẹp và có thêm nhiều tiểu tiết ấn tượng hơn. Chủ nhân vẫn vậy, vẫn miệt mài cho niềm đam mê làm đẹp từ nhà ra ngõ, bởi lẽ, niềm đam mê này đã chảy trong huyết quản và ðã ngấm cả sang con, cháu ông, để mọi người cùng chung tay chỉnh trang và cùng ngắm thành quả của mình tạo ra...

Có rất nhiều cách để làm văn hóa và mỗi người có một cách riêng, chẳng ai giống ai. Có người dạy con bằng chính cuộc đời đầy thăng trầm của mình. Có người tập trung cho làm giàu để có điều kiện cho con cái ăn học, có người dạy con từ những điều hay lượm lặt trong cuộc sống… Tất cả đều cùng góp phần xây dựng ngôi nhà văn hóa thêm đa sắc. Tôi đã không thể quên với cách chăm chút gia đình của ông bà Hồ Văn Lung - Nguyễn Thị Yến, ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A. Bằng cuộc đời của chính ông bà, về những ngày đối diện với cái chết khi ông là lính chiến đấu của Tiểu đoàn Tây Đô, còn bà ở quân y. Hòa bình, tài sản lớn nhất của hai ông bà là 4 đứa con. Bắt đầu một cuộc mưu sinh mới đầy vất vả, cùng với 3 đứa con tiếp theo lần lượt ra đời. Bỏ tay súng, cầm tay cày, không từ bỏ việc gì, kể cả làm thuê, làm mướn, ông bà chăm sóc các con bằng tất cả tình yêu thương và dạy dỗ các con lớn lên bằng chính những giọt mồ hôi của mình. Từng người con được ông bà nuôi dưỡng bằng tình yêu thương gia đình, quyết tâm học để thay đổi cuộc đời. Đến giờ, các con đều thành đạt và có cơ ngơi riêng. Giờ nhìn lại, ông bà mãn nguyện, bởi đã truyền được cho những đứa con của mình, không chỉ ý chí vượt khó, noi gương cha mẹ, mà còn là tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, để cùng giúp nhau hướng đến một tương lai tươi sáng… Khi được hỏi về kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, bà Nguyễn Thị Yến cười mãn nguyện, xoa xoa đôi bàn tay đã chai sần vì những vất vả: “Có gì đâu, tôi chỉ làm những việc nên làm để tốt cho chồng, cho con thôi. Mình cực khổ ngoài cuộc sống rồi, về nhà phải tạo tiếng cười thì bao khó nhọc rồi cũng sẽ qua…”.

Gia đình nhỏ ấm cúng của anh Nguyễn Văn Đỏ.

Hôm tôi đến, anh Nguyễn Văn Đỏ, ở ấp Mỹ Quới, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, đang thoăn thoắt tưới cây và sẵn tiện hái luôn mấy trái cam lạc hậu vào đãi khách. Anh chia sẻ cách giữ lửa trong ngôi nhà ba thế hệ, là anh không quan tâm tới lý thuyết phải xây dựng thế nào, thế kia mới là văn hóa, mà anh luôn dạy các con bằng tấm gương cần cù lao động của ông bà, của chính vợ chồng anh. Anh cho các con thấy được sự vất vả để có cái ăn, cái mặc, để các con tự ý thức phải học thật giỏi, để làm cho cha mẹ, ông bà vui lòng. Vì gia đình anh có ba thế hệ cùng sinh sống, nên anh tranh thủ nhờ cha mẹ dạy con, rồi khi cả nhà cùng nhau tề tựu bên mâm cơm gia đình, hay những lúc xem ti vi, anh lại tranh thủ chỉ dạy cho 2 đứa con những điều hay, tấm gương vượt khó học giỏi mà anh nghe từ truyền thông, hay ngay chính trong địa phương mình. Anh còn tranh thủ trồng cây xanh làm hàng rào, tạo cảnh quan xanh, thoáng mát trước nhà để làm mát dịu tâm hồn sau giờ làm đồng. Anh cũng tạo mọi điều kiện để các con được học hành. Em Nguyễn Minh Truyền, học lớp 6, con trai của anh Đỏ, vừa được cha mua cho cái máy xách tay để tiện việc học, hồ hởi: “Cha mua cho con, kèm theo điều kiện là con phải chỉ cha lên mạng tìm thông tin để làm sao cho mấy cây cam cho trái sai, không bị nhiễm bệnh. Những người lớn trong gia đình luôn nhẹ nhàng, tình cảm, làm cho con thấy trách nhiệm của mình hơn”…

“Làm dễ ụi”, là câu cửa miệng của những người nông dân mà tôi gặp, khi được hỏi về cách xây dựng văn hóa cho chính mình và gia đình. Nhưng để xây dựng được một nét văn hóa riêng, câu chuyện còn trải dài, kể mãi không có hồi kết và kết quả như những nụ mầm mọc theo thân cây, cứ nở ra chồi non xanh biếc mỗi độ xuân về… Và cũng từ những chuyện nhỏ, mạch ngầm ấy dần lan tỏa, tạo nên phong trào sâu rộng, tạo nên những mô hình mới ấn tượng.

Một trong những đường hoa đẹp tại xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy.

Lan tỏa cách làm hay

Khi một mô hình mới hình thành, sẽ có những người đầu tàu để cùng địa phương thực hiện. Họ là cánh tay đắc lực, góp phần quan trọng làm nên sự thành công. Cái chính là những người có trách nhiệm phải tâm huyết, phải tận dụng cho được những người tích cực để khởi xướng. Từ đó, mô hình mới từng bước được nối dài, len lỏi vào trong tận cùng những nơi xa, đánh thức mọi người để cùng chung tay tiếp nối và gìn giữ. Tôi luôn nhớ câu nói tâm huyết của ông Nguyễn Thanh Danh, Trưởng phòng VH-TT huyện Phụng Hiệp, khi bắt tay xây dựng những mô hình mới: “Mỗi một mô hình ra mắt phải thật sự mới, thật sự nổi bật. Muốn được vậy, phải có sự quan tâm, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đồng thời khéo léo tuyên truyền, vận động, cùng với người dân xây dựng nên”. Nhờ vậy mà Phụng Hiệp luôn là địa phương nổi bật trong việc xây dựng các mô hình hộ gia đình có cảnh quan đẹp, con đường đẹp và gần đây nhất là tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu. Từ vài tổ thí nghiệm, năm 2015 đã tăng lên trên 20 tổ, mà tổ nào cũng ấn tượng, diện mạo thay đổi một cách toàn diện, từ đời sống vật chất, tinh thần. Đây chính là sự lan tỏa. Mà góp phần quan trọng làm nên sự lan tỏa này chính là những người dân. Bà Nguyễn Thị Lắng, 78 tuổi, tổ 5, ấp Phương Quới C, xã Phương Bình, nói đơn giản: “Đâu cần địa phương phát động đâu, tôi cũng luôn xây dựng gia đình có cuộc sống nề nếp. Còn chuyện trồng hoa trước nhà, thấy ai có hoa gì đẹp là xin về trồng và phải tính toán trồng sao cho đều, cho đẹp. Tôi còn nói với mấy chị em trong xóm, ai muốn trồng cứ lại nhà tôi cho giống. Mình làm cho người khác tới nơi đây đều nhớ là ở đây đường sá đẹp, thoáng và xanh lắm”. Chính vì ngày càng có nhiều người như bà, mà phong trào ngày càng lan tỏa.

Những người làm nên đường hoa.

Không chỉ xây dựng gia đình ấm êm, hạnh phúc, những người nông dân ấy còn mở rộng không gian sống để mọi người cùng xắn tay vào, từ đó làm nên những mô hình lạ. Từ chuyện con đường đẹp đoạt giải thưởng cao cấp tỉnh vào năm trước, chúng tôi biết thêm nhiều nhân vật điển hình, là những nhân tố chính tạo nên con đường đầy hoa, quanh năm khoe sắc. Vì thế, người dân ở đây hay ví von: mùa xuân ở đây quanh năm. Đó là con đường dài khoảng 2km ở ấp 6, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy. Mỗi lần trở lại, đều khiến tôi ngạc nhiên thú vị. Hoa trồng có bàn tay của người chăm sóc nên hình dáng luôn được thay đổi. Để có được điều này, là sự lao động cật lực và quyết tâm của thành viên trong CLB trồng cây cảnh Hoa Anh Đào. Chị Lê Thị Đẹp, thành viên CLB chia sẻ, lúc đầu, chị không tham gia, trước nhà cũng chưa trồng hoa, chủ yếu là quét dọn sạch sẽ. Nhưng thấy mọi người trồng hoa ngày một đẹp và con đường được nối dài mút mắt, chị thấy hay và tham gia, riết “ghiền” đi cắt tỉa hoa luôn. Khi nói chuyện với chúng tôi, chị ưa nhắc đến người đầu tàu của CLB, cô Trương Thị Đào. Ngoài 60 tuổi, nhưng cô luôn đi đầu trong mọi phong trào, nhất là việc gì làm đẹp làng quê. Cô Đào nói: “Khi địa phương phát động cuộc thi Môi trường có cảnh quan đẹp, tôi nghĩ, sao mình không làm lạ hơn người ta là tổ chức nhóm người đi trồng hoa”. Những đoạn đường hoa dần hình thành, càng lên “dây cót” tinh thần của mọi người... Cô chia sẻ, từng trải qua chiến tranh, chồng cô hy sinh. Hồi đó, làng quê nghèo lắm, cuộc sống khổ cực vô cùng. Giờ, cuộc sống ngày càng phát triển, lộ cũng thông thoáng, sạch sẽ, mình chỉ góp chút sức nhỏ tô điểm cho nó đẹp hơn thôi. Số người tham gia cùng cô ngày càng đông và CLB trồng cây cảnh mang tên Hoa Anh Đào ra đời, với 24 thành viên. Đây cũng chính là những “chủ nhân” làm nên tuyến đường đẹp này. Họ cùng nhau đi tìm hoa đẹp rồi cùng nhau trồng hai bên tuyến đường, cùng nhau mang những thùng nước tưới và hàng tuần hay những lúc rảnh là ra cắt tỉa để hàng rào hoa thêm phẳng, thêm xanh. Cô nói vui: “Đi đến đâu gặp hoa đẹp cũng xin, người ta mở miệng cho là nhổ liền, mà nhổ nhiều nữa. Có những gia đình khó, cũng không cho, nhiều lúc lén nhổ một cọng mang về trồng thử, rồi nhân dần ra cho mọi người cùng trồng… Giờ, hoa ở đây đã thành lớp, tầng, tạo nên những hàng rào rất đẹp, ai muốn trồng là tôi cho liền”. Trong câu chuyện của mình, họ luôn nói việc làm này rất nhỏ, với ước muốn lấy hoa thơm lấn dần cỏ dại, để cùng góp phần làm đẹp cho mình và cho mọi người. Nếu như mô hình này được nhân rộng, chắc rằng các con đường trên khắp làng quê Hậu Giang sẽ khoác tấm áo rực rỡ sắc màu.

***

Những người mà tôi đã gặp, họ hiền hành, chân chất như hạt lúa, củ khoai. Việc tạo dựng gia đình hạnh phúc, mẫu mực, trở thành tấm gương cho nhiều người noi theo cũng nhẹ nhàng. Những câu chuyện kể, những sẻ chia của họ là những điều quý giá, để lại trong lòng tôi nhiều suy ngẫm... Bởi tôi biết rằng, trong tận huyết mạch của họ, mạch ngầm văn hóa đã, đang và sẽ mãi tuôn chảy, len lỏi để lan tỏa, làm nên những câu chuyện đẹp cho cuộc đời.

VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>