Nhớ tết xưa…

09/02/2016 | 16:41 GMT+7

Trong không khí rộn ràng của ngày tết, nhiều người già bồi hồi nhớ lại tết xưa. Tết xưa dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng có những điều đặc biệt, khó phai nhòa trong tâm trí mỗi người…

Bên vệ đường, bà Lê Thị Thanh Duyên, chủ quán chay Cô Duyên ở phường I, thành phố Vị Thanh, bày một góc nhỏ để bán bánh phồng nướng. Với cô Duyên, nướng bánh phồng không chỉ để mưu sinh, mà còn để nhớ về cái tết xưa, thời cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Với cô Duyên, nướng bánh phồng bán tết cũng là cho đỡ nhớ hương vị tết xưa.

Gương mặt ửng hồng vì lửa than, hai tay trở bánh phồng thoăn thoắt, trên môi nở nụ cười, cô Duyên chia sẻ: “Tôi nhớ cách nay cũng 30 - 40 năm rồi, lúc tết tới, nhiều nhà dân ở quê quết bánh phồng để ăn tết. Nếp lúc đó được trồng riêng để dành ăn tết, thơm lắm. Ngày xưa, nhà tôi ở miệt Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, nguyên cái xóm ai cũng nghèo, nên không nhiều nhà có cối đá, nhưng ai cũng chia sẻ cối với nhau để quết bánh phồng. Bởi vậy, nhà ai cũng có bánh phồng ăn tết. Lúc đem phơi, nguyên cả xóm thơm nức mùi nếp mới hòa quyện với nước cốt dừa, lá dứa…”.

Bắt đầu từ ngày 15 tháng Chạp, cô Duyên đã bày biện gian hàng bán bánh phồng nướng của mình để bán cho mọi người. Từ chiều đến gần 21 giờ tối, cô bán được hơn 100 cái bánh phồng. “Ngồi nướng cũng mỏi lưng lắm, mà cái bánh phồng này muốn ngon phải giòn đều, vừa than vừa lửa, trở tay đúng lúc mới ngon được. Nhìn cái bánh phồng nướng vàng ươm đó, tôi như thấy không khí tết thêm trọn vẹn hơn” - cô Duyên chia sẻ.

Ngoài bánh phồng nếp, một số vùng có trồng nhiều khoai mì đã sáng chế ra bánh phồng quết bằng khoai mì. Bây giờ, tết nhứt, ít nhà nướng bánh phồng. Lớp trẻ sau này cũng ít ngửi được hương thơm đặc trưng ngày tết xưa. Còn với người già, đó là nỗi nhớ, một kỷ niệm đẹp về những ngày cuộc sống chưa đầy đủ…

Mỗi người đều lưu giữ cho mình một kỷ niệm riêng, một nỗi nhớ tết xưa. Với ông Vương Trường Thành, ở khu vực 3, phường I, thành phố Vị Thanh, thì kỷ niệm với ông là những lần theo ông nội, theo cha đi viết liễn để bán cho người mua những ngày cận tết.

Vợ chồng ông Vương Trường Thành lưu giữ tết xưa với nghề viết liễn.

Bây giờ, cứ tầm 20 tết là ông dọn một cái bàn nhỏ, nép mình bên góc đường Trần Hưng Đạo để… bán chữ. Giữa đông đúc người qua lại, cũng ít ai nhận ra ông lão tóc bạc này. Chỉ ít người già cần viết liễn treo tết, đám cưới, đám hỏi, cúng đình, cúng miếu mới biết và nhớ đến ông già họ Vương này. Có ngày, ông cũng không bán được bao nhiêu liễn, tiền chỉ đủ cho hai vợ chồng một bữa cơm đạm bạc, nhưng ông Thành không buồn. Ông bảo: “Tôi viết vì thấy thích, vì muốn cảm nhận được không khí tết xưa, chứ không hẳn là vì tiền đâu, cái này tôi nói thật”.

Mùi giấy hồng đơn, hòa quyện với hương nhũ vàng tạo nên một hương thơm nồng đặc biệt. Ngày xưa, người ta viết liễn bằng mực tàu, bây giờ người ta dùng bột pha với dầu Ông Già để tạo thành mực viết. Dù có thay đổi, nhưng hễ thấy nhà nào có liễn, câu đối chưng tết, chắc chắn thấy không khí xuân có phần thêm đậm đà hơn.

Cuộc sống bây giờ nhiều thay đổi, kinh tế phát triển, nên nhiều gia đình đi chợ, đi siêu thị mua bánh mứt cho tiện, phù hợp với cuộc sống hiện đại vốn nhiều lo toan, nhưng có một món ăn dù xưa hay nay lúc nào cũng được ưa chuộng, đó là thịt heo kho rệu. Kỷ niệm với nồi thịt heo kho rệu của mọi người, đó là đi chia thịt ở những gia đình trong xóm có làm heo. Sáng 29 tết, bà Nguyễn Thị Lang, ở ấp 2, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, đi mua thịt heo về để kho thịt ăn tết. Vừa rửa miếng thịt, bà Lang kể về chuyện đi chia thịt heo ngày xưa, với bà đó là một nét văn hóa của người dân miền sông nước. “Vui lắm, chia thịt là coi như chia sẻ niềm vui với hàng xóm đã có một năm làm ăn được. Tôi nhớ nhà nào trúng lúa thì làm heo cả trăm ký, rồi chia cho gần hết xóm. Không có trả tiền thịt, mà được quy ra lúa, tới mùa thì mang lúa trả, nên tết về không cần đi chợ mua thịt heo. Dần dà, cuộc sống khá giả, chắc cũng nhiều người đã quên chuyện cầm cọng dây lạc có đùm thịt heo được đi chia ngày nào…” - bà Lang bồi hồi.

Còn các bà, các cô trung niên vẫn còn nhớ rõ nhiều kiểu tóc uống phồng, hất mái tóc thiệt hoành tráng cho giống… mấy nghệ sĩ trên hình, ảnh lịch. “Tết xưa, tụi con gái chúng tôi hay mua hình nghệ sĩ về treo đầy nhà hết. Rồi cắt giấy thủ công làm trái châu, làm đèn treo lủng lẳng, cắt bông cắt hoa này nọ, thiệt nghĩ lại mới thấy mình siêng dễ sợ…” - bà Lê Kim Ánh, ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cười nhớ lại kỷ niệm tết xưa…

Khó mà kể hết những chuyện riêng có của tết xưa. Với mỗi người là một kỷ niệm không thể nào quên, nó đã khắc ghi sâu trong tâm trí và có những nét đẹp riêng. Nét riêng đó xuất phát từ sự dung dị, giản đơn có phần thiếu thốn của cái tết cổ truyền mấy mươi năm trước….

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>