Xứng danh người lính Cụ Hồ

09/02/2016 | 05:45 GMT+7

Từ lâu, chuyện cựu chiến binh (CCB) giỏi làm kinh tế, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, tham gia giữ gìn an ninh trật tự xóm ấp, xung phong sửa lộ, làm cầu không còn xa lạ. Kết quả của sự xông xáo đó là những mô hình kinh tế mang lại thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, những con lộ nông thôn thẳng tắp, những xóm ấp bình yên không tệ nạn xã hội... đang hiện diện ngày càng nhiều trên khắp nẻo quê hương.

Cựu chiến binh góp sức vá đường tại một số tuyến lộ nông thôn.

Nhiệt huyết

Những ngày cuối năm, ông Ba Ánh (ông Nguyễn Ngọc Ánh), Giám đốc Hợp tác xã (HTX) cam sành Mỹ Hòa, ở ấp Mỹ Hòa, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, bận rộn với hàng tá công việc. Từ tổng kết sổ sách của HTX đến chuyện sắp xếp cùng mấy người con trai sang tỉnh Vĩnh Long gom hoa kiểng về bán tết. Dù có hẹn trước, nhưng khi đến nhà, chúng tôi vẫn thấy ông Ba Ánh cặm cụi sắp xếp lại đám cam giống của gia đình. Thấy đám cây cam giống chỉ còn vài chục nhánh nằm gọn lỏn trong sân nhà, ông Nguyễn Hoàng Ký, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Cây Dương, hỏi: “Hôm trước thấy đám cam nhiều lắm mà anh Ba, bán hồi nào mà hay vậy?”. Nghe hỏi, ông Ba Ánh hớn hở: “Mới giao xong đợt hàng cuối năm cho mấy chủ vườn bên Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, bây giờ nghỉ xả hơi vài bữa nữa đi bán hoa tết”. Nói xong, ông Ba Ánh nở nụ cười điềm đạm, khẳng khái đúng chất người lính Cụ Hồ.

Tham gia cách mạng ở địa phương năm 1972, năm 1979 tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia cho đến năm 1984 mới trở lại quê nhà. Ngày trở về với hai bàn tay trắng, sau khi lấy vợ, ra riêng, ông Ba Ánh được cha mẹ cho 5 công đất. Thấy trồng lúa không lợi nhuận nhiều nên ông bàn với vợ lập vườn trồng quýt và bưởi. Do thiếu kinh nghiệm, cây bệnh mất mùa mấy năm liên tục, khiến gia đình phải hỏi nợ mấy cây vàng làm vợ chồng ông Ba Ánh lo lắng ăn ngủ không yên. Ông chia sẻ: “Cũng may thời điểm đó, đi đám cưới gặp một người bạn làm kỹ sư nông nghiệp trên Cần Thơ, nghe tôi than vãn “ổng” vỗ vai cái chát rồi bảo cứ yên tâm “ổng” sẽ xuống giúp. Tưởng bạn nói chơi ai ngờ xuống giúp nhiệt tình ròng rã cả tháng trời. Mới đầu chỉ cách chữa bệnh cho cây, sau đó dạy luôn cách ươm cây giống để tự trồng. Nhờ được chỉ dẫn kỹ thuật tận tình, từ đó mô hình trồng cây ăn trái của tôi luôn đạt hiệu quả cao”.

Ông Ba Ánh tranh thủ thời gian rảnh rỗi chăm sóc hàng rào cây xanh làm đẹp thêm cảnh quan môi trường.

Từ những kiến thức học được, ông Ba Ánh tập tành ươm cây giống để trồng trong vườn nhà. Sau vài đợt thấy cây giống tự ươm trồng đạt hiệu quả hơn so với cây giống mua, ông bắt đầu ươm nhiều hơn để bán. Từ những thành công bước đầu, năm 2009, ông thành lập cơ sở sản xuất cây giống tại nhà.

Để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu năm 2014, ông Ba Ánh đứng ra thành lập HTX cam sành Mỹ Hòa với 16 thành viên, trong đó có 13 thành viên là các CCB trong ấp. Với tinh thần nhiệt huyết và sự cố gắng không ngừng nghỉ, sau hơn 30 năm, ông Ba Ánh không chỉ phấn đấu để gia đình có cuộc sống tốt hơn mà còn giúp đỡ nhiều CCB trên địa bàn thị trấn Cây Dương cùng vươn lên. Hiện tại, HTX cam sành Mỹ Hòa mỗi năm bán ra thị trường khoảng 60.000 cây giống các loại: cam sành, cam xoàn, quýt đường, bưởi Năm Roi, xoài tứ quý… Sau khi trừ chi phí, HTX thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm.

Ngoài bán cây giống, ông Ba Ánh còn trồng mai để bán Tết.

Không chỉ thành công ở mô hình sản xuất cây giống, từ năm 2010 đến nay, ông Ba Ánh còn định hướng cho các người con trồng hoa kiểng để bán Tết. Đất ít không đủ diện tích, ông sang tận Vĩnh Long để mướn đất trồng hoa. Riêng mô hình này, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông còn lợi nhuận khoảng 130 triệu đồng. Ông chia sẻ: “Tết năm nay, trồng được 500 gốc mai vàng và 800 gốc hoa giấy, nếu được giá chắc cũng kiếm được thêm mớ tiền để năm sau mở rộng thêm diện tích”. Nghe câu nói của ông, tôi nghĩ thầm trong bụng, ở cái tuổi trên 60, nhưng dường như ông Ba Ánh vẫn chưa tính đến chuyện nghỉ ngơi. Có lẽ “quả ngọt” có được ngày hôm nay là những tháng ngày chịu cực, chịu khổ, dãi dầu mưa nắng, phấn đấu không ngừng của một người lính Cụ Hồ.

Xung kích trên nhiều mặt trận

Với hơn 12.600 hội viên, phần lớn các CCB trên địa bàn tỉnh rất có uy tín và kinh nghiệm trong cuộc sống. Phát huy vai trò của mình, nhiều hội viên đã tham gia tích cực các phong trào thi đua ở địa phương. Sự đóng góp đó có thể là việc các CCB hăng hái tham gia giặm vá những tuyến đường hư hỏng, tham gia phát quang bụi rậm, hay tích cực đến từng hộ gia đình vận động người dân trồng cây xanh xây dựng tuyến đường đẹp, xây dựng gia đình văn hóa… Thật khó để kể hết những tuyến đường đẹp trên địa bàn có sự đóng góp của những hội viên hội CCB các cấp trong thời gian qua.

Không biết từ bao giờ, việc xây dựng hàng rào, trồng hoa kiểng trước nhà, dọc theo tuyến lộ nông thôn được người dân ở ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, thực hiện như một thói quen. Bà Lê Thị Lệ, ở ấp Xẻo Cao, chia sẻ: “Để có được con đường đẹp như thế này là công sức của rất nhiều người, nhưng trước tiên phải kể đến công đi vận động của những cựu chiến binh trong ấp. Ngày mới xây dựng lộ xong, các cựu chiến binh đi từng nhà vận động, kêu gọi trồng cây kiểng, làm hàng rào. Trước tiên đẹp nhà, sau đó thì đẹp cả xóm ấp nên mạnh ai nấy làm, nhờ vậy mà có con đường khang trang”.

Ông Ba Ánh (bìa phải) hướng dẫn hội viên Hội Cựu chiến binh ấp Mỹ Hòa, nhận biết tình trạng “sức khỏe” của cây giống.

Không chỉ ở Xẻo Cao, mà ở nhiều nơi khác, các tuyến đường đẹp cứ xuất hiện nhiều hơn, góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh nhà. Với suy nghĩ “mưa dầm thấm lâu”, Hội CCB thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, cũng ra sức vận động người dân tham gia tích cực phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nhờ đó, chỉ sau một thời gian, nhiều trục đường chính trên địa bàn thị trấn Nàng Mau có một diện mạo mới. Ông Nguyễn Văn Tư, ở ấp 4, thị trấn Nàng Mau, cho biết: “Không chỉ khéo vận động trong việc trồng cây xanh trên các tuyến lộ, Hội Cựu chiến binh thị trấn còn vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực. Nhờ vậy, người dân cũng có ý thức hơn trước rất nhiều”.

Ông Trần Văn Bé, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Nàng Mau, chia sẻ: “Xác định vai trò của mình trên nhiều mặt trận, hội viên cựu chiến binh luôn ra sức thực hiện. Để đạt được hiệu quả, hội viên luôn gương mẫu đi đầu trong các cuộc vận động như học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xóa đói giảm nghèo, xây dựng tuyến đường đẹp… Hiện tại, toàn thị trấn không còn hội viên cựu chiến binh nghèo”.

Ngoài ra, với phương châm “Mỗi cán bộ, hội viên là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận bảo vệ an ninh cơ sở”, nhiều cán bộ, hội viên CCB luôn tích cực, xung phong đi đầu trên mặt trận đấu tranh phòng, chống, trấn áp tội phạm, góp phần giữ bình yên cuộc sống nhân dân ở địa phương. Ông Nguyễn Văn Quýt, thành viên Đội dân phòng ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Thành viên của Đội dân phòng thường kết hợp với lực lượng quân sự đi tuần tra hàng đêm, mỗi người một nhiệm vụ cố gắng bảo vệ an ninh trật tự, giữ bình yên cho xóm ấp”.

 Nói về những thành tích đáng tự hào của các cấp hội CCB, ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch Hội CCB tỉnh, cho biết: “Đa số hội viên cựu chiến binh là những người lớn tuổi, nhưng tất cả đều cố gắng phát huy vai trò của mình trong từng hoạt động, phong trào của địa phương. Bước đầu để làm tốt nhiệm vụ, hội cựu chiến binh luôn chủ động nắm bắt tình hình, sau đó phối hợp các ngành, các cấp, đoàn thể đưa ra giải pháp cụ thể rồi phấn đấu thực hiện. Nhờ vậy, ở nhiều phong trào, hội viên cựu chiến binh hoạt động rất hiệu quả”.

 Những cánh mai vàng đang e ấp chuẩn bị đón Xuân về, thành quả có được hôm nay từ công sức, tinh thần quyết tâm của các CCB dường như khiến mùa xuân càng thêm trọn vẹn...

NHƯ NGUYỆT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>