Trả nghĩa cho quê hương

09/02/2016 | 05:42 GMT+7

Dù sống xa quê hương, nhưng tình cảm thiêng liêng với nơi chôn nhau, cắt rốn vẫn được ông Trần Lam giữ trong lòng. Giờ đây, khi tóc pha sương, ông trở về lại nơi xưa mà trả nghĩa với quê nghèo, tiếp sức cho người nghèo những ước mơ lớn.

Ở vùng quê ven kênh xáng Xà No của xã Vị Thanh (huyện Vị Thủy), nhắc đến tên Út Mười Một, nhiều người biết gia đình ông có truyền thống cách mạng, nghèo nhưng biết vươn lên, tự thay đổi số phận nghèo của mình. Út Mười Một là tên mọi người gọi lúc còn nhỏ, bây giờ, người ta biết ông với tên gọi Bảy Lam (ông Trần Lam, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang).

Là người đã sống qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, chứng kiến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, ông Bảy Lam cảm nhận và trân trọng ý nghĩa của cuộc sống hơn ai hết. “Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, gia đình tôi ngày xưa cũng nghèo lắm, đi học ít khi no bụng. Mà mấy năm còn giặc giã, học hành khó lắm. Có người đi học chưa viết chữ đầy trang giấy đã mất vì bom đạn rồi. Chiến tranh mà, khổ lắm!”, ông Bảy Lam trầm tư.

Trường Tiểu học Vị Thanh 3, ở xã Vị Thanh, được ông Bảy Lam hỗ trợ kinh phí xây dựng.

Quê quán ông ở làng Vị Thanh, năm 14 tuổi, ông đã bắt đầu tham gia cách mạng. Có những khi đi chiến đấu, phải ngủ trên xuồng nhỏ, bên tai muỗi kêu như sáo thổi, lội nước băng rừng đánh giặc, khổ không kể hết. Lúc đó, ông tự nghĩ, khi nào hòa bình, ông sẽ đi học nghề, học chụp hình, làm lại căn nhà cho cha mẹ ở quê nhà…, những ước mơ cho ngày độc lập lớn dần theo ý chí của người trai đất Hậu Giang ấy.

Rồi đất nước hòa bình, quê hương không còn bóng giặc, ông Bảy Lam tiếp tục công tác ở Kiên Giang. Đến năm 1995, vì sức khỏe không cho phép, ông về hưu trước tuổi. Từ đây, hành trình thiện nguyện, chia sẻ khó khăn với người nghèo bằng cả trái tim nồng ấm yêu thương của ông bắt đầu tỏa sáng bằng những việc làm cho người nghèo.

Mỗi căn nhà tình thương ông Bảy Lam hỗ trợ trị giá đến 50 triệu đồng.

Chính ông đã đi xin được thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang. Từ ngày về làm Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo của tỉnh, ông Bảy Lam sống với cuộc sống của người nghèo, trăn trở với nỗi lo của người nghèo. Những chuyến đi từ thiện cứ kéo dài mãi, thêm người nghèo được giúp đỡ, thêm người được mổ mắt, thêm những người bệnh được chữa trị là khuôn mặt ông Bảy Lam thêm nếp nhăn, mái tóc ông thêm nhiều sợi bạc. Ông bảo rằng sống là cho đi, đâu chỉ nhận riêng mình, cho đi đã là hạnh phúc, còn cho mà đúng người thì hạnh phúc như nhân đôi. Bởi vậy, dù 75 tuổi nhưng những chuyến đi của ông dường như chưa có điểm dừng.

Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực xã Vị Thanh, ông Bảy Lam hỗ trợ xe cứu thương, giường bệnh, xe lăn...

Dù đi đâu, làm gì, ông vẫn luôn đau đáu một nỗi nhớ quê, mong muốn làm một việc gì đó có nghĩa với nơi mình sinh ra. Ngày còn nhỏ, ông Bảy Lam nói quê hương đâu có chùm khế ngọt, đâu có dám đi thả diều, đâu có đường lộ khang trang mà đi, cuộc sống chỉ có những cuộc đấu tranh giành độc lập với quân thù, thấu hiểu nỗi khổ của vùng đất mình sinh ra nên ông đã quyết tâm vận động để giúp cho dân nghèo ở quê mình. Rồi ngôi Trường Tiểu học Vị Thanh 3 khang trang đã được xây dựng trên vùng quê nghèo ở ấp 7B1 trị giá hơn 10 tỉ đồng, 100 căn nhà tình thương được bàn giao cho người nghèo ở xã Vị Thanh trị giá 5 tỉ đồng, xây dựng cầu giao thông, cùng biết bao sự giúp đỡ phương tiện phục vụ khám, chữa bệnh, xe cứu thương cho Bệnh viện Đa khoa khu vực xã Vị Thanh… Khi xây trường học, ông Trần Lam rất kỹ tính, trường có thiết kế sân bóng để học sinh rèn luyện thể chất, có mô hình cột mốc Trường Sa, có nhà mát để vừa làm nơi nghỉ chân, vừa tổ chức các hoạt động tuyên truyền. Chị Lê Thị Lắm, ở ấp 7B1, nói: “Ở quê nghèo mà có ngôi trường đẹp như vầy thì đâu còn gì bằng. Chẳng người dân nào ở đây dám nghĩ đến chuyện có trường học khang trang như hôm nay, con em chúng tôi giờ điều kiện học hành không có thua mấy cháu ở thị trấn đâu”.

Những hộ dân nghèo ở xã Vị Thanh họp nghe thông báo xây nhà tình thương do ông Trần Lam hỗ trợ.

Ông đã đi vận động cất hàng ngàn ngôi nhà tình thương ở nhiều nơi, nhưng mỗi khi ngôi nhà tình thương nào được xây xong, ông mừng như mở hội trong lòng, vì những trăn trở lâu nay của ông Bảy Lam đã được giải tỏa. Tấm lòng của ông được bà con nghèo cảm nhận rất rõ. Vừa vun gốc lại mấy cây vạn thọ mới trồng để chuẩn bị đón Tết, bà Dương Thị Trà, ở ấp 7B1, xã Vị Thanh, bộc bạch: “Ông Bảy được lắm, tướng mạo cao sang mà gần gũi, nói chuyện với gia đình tôi mà ông Bảy ân cần hết biết. Nói thiệt chứ, không có sự giúp đỡ này, không biết bao giờ tôi mới có nhà tường ở nữa”.

100 căn nhà tình thương, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng, đã mang ước mơ thật sự đến với những người nghèo. Phó Chủ tịch HĐND huyện Vị Thủy Huỳnh Văn Trắng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vị Thanh, nói: “Hồi đó đến giờ, trên địa bàn xã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các mạnh thường quân xa gần, nhưng đây là lần chúng tôi nhận được sự hỗ trợ lớn đến như vậy từ một mạnh thường quân. Không chỉ chúng tôi, mà tất cả bà con nghèo đều mang ơn chú Bảy Lam”.

Chị Dương Mỹ Xuyên, ở ấp 7B1, xã Vị Thanh, mừng vì có nhà mới ăn Tết.

Ngày xưa nghèo khó, ước mơ chỉ là được đi học, được học nghề, nhưng mãi không thực hiện được vì chiến tranh. Còn bây giờ, dầu cuộc sống đã đi lên, nhưng vẫn còn nhiều cảnh đời khó khăn, bởi vậy ông muốn tiếp sức cho họ có được ước mơ. Những việc làm thiện nguyện của ông đã vượt qua phạm vi một tỉnh, mà còn đến cả Campuchia, cùng nhiều tỉnh, thành trong cả nước. “Dù sống ở đâu, dù làm gì thì ai cũng có một quê hương để nhớ, để thương và để ngẫm nghĩ về gốc gác mình đã sinh ra. Quê hương mà, nếu không nhớ thì làm sao có thể thành người cho được”, ông Trần Lam chia sẻ.

Cái tình, cái nghĩa của ông với dân nghèo xã Vị Thanh như bát nước đầy. Mai đây, dù cuộc sống có nhiều thay đổi, những người nghèo vẫn nhớ đến người đã viết nên ước mơ cho họ - ông Út Mười Một Trần Lam…

“Tôi không nghĩ mình làm gì lớn lao quá đến nỗi viết câu chuyện cổ tích cho người nghèo, mà đó chỉ là chút tấm lòng của các mạnh thường quân và tôi dành cho quê hương thân yêu”...

(Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang Trần Lam)

Trước khi là Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang, ông Trần Lam là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang. Ông Trần Lam từng nhận danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 2008. Ông còn được biết đến với vai trò là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, từng là Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh tỉnh Kiên Giang, với 2 cuốn sách ảnh được xuất bản...

HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>