Mùi của… Tết

08/02/2016 | 07:25 GMT+7

Khoảng hai mươi mấy tháng Chạp, cái mùi của Tết đã bắt đầu được nhen nhóm và chờ ngày lan tỏa. Với mỗi người, mùi của Tết mỗi khác, nhưng tựu trung lại vẫn là mùi thân quen của sự rộn ràng, chờ đón một điều đặc biệt diễn ra cuối năm…

“Dì Hai ơi, bữa nay cận Tết bán đắc dữ heng, quá trời nướng bánh thơm rồi…”. Trên môi nở một nụ cười thân thiện giống như bao nhiêu người bán hàng luôn đon đả, niềm nở với khách hàng, Dì Hai bánh bông lan vẫy tay chào và rối rít trò chuyện, vừa nói, vừa thoăn thoắt lấy bánh, thoa dầu cho khuôn. “Dì Hai bánh bông lan” là cái tên thân quen mà người ta vẫn gọi bà Dương Thị Bé Hai, ở khu vực 4, phường IV, thành phố Vị Thanh, vì nó gắn với cái nghề của bà đang làm.

Cái khẩu trang đã che đi gần hết khuôn mặt để tránh cái nóng hừng hực của 6 lò than quanh người, chỉ chừa cặp mắt nhìn, nhưng người ta vẫn thấy được niềm vui từ đôi mắt đó.

Vợ chồng “Dì Hai bánh bông lan” miệt mài bên 6 lò nướng từ ngày 20 tết tới nay.

Dì Hai nói rằng: “Tết nhứt mà trong nhà không có bánh bông lan tui nướng cũng hơi ít ngon à nghen. Hồi tui còn nhỏ, tui biết tết về là nhà nào cũng có bánh nướng như bông lan, bánh kẹp, còn bánh nhúng thì mãi sau này mới có. Tính ra tui cũng là người đem mùi Tết cho nhiều người”.

Đúng là những người làm nghề bán bánh như Dì Hai đã mang thêm mùi vị ngày xuân cho các hộ gia đình. Chị Phan Thị Lắm, ở tận xã Hỏa Lựu, lên đây thăm nhà bà con, sẵn tiện ghé mua mấy chục bánh bông lan về cúng bàn thờ, nói: “Tết nào tôi cũng mua bánh về cúng trong nhà. Bánh bông lan không chỉ ngon, rẻ, mà mình thấy an toàn, vì nướng tới đâu bán tới đó!”.

Mùi bột thơm với mùi than quyện lại, thoảng theo gió một chút hương vị ngọt ngào, khiến người đi đường ngửi được cũng thấy nhẹ nhàng và có chút vị ngọt ngày xuân….

Sẽ là thiếu cái mùi đặc trưng của Tết nếu không nhắc đến mùi của hoa vạn thọ. Cũng lạ, cái mùi hăng hắc vậy mà nếu thiếu chắc Tết cũng mất chút thú vị.

Đi vòng quanh lựa mấy chậu vạn thọ đầy bông, bà Phạm Thị Hai, ở khu vực 3, phường IV, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Vạn thọ chưng trong nhà để cầu sự bình an, may mắn nhiều như cái tên của hoa vậy đó. Với lại cũng là cầu chúc an lành cho cha mẹ, ông bà trong gia đình luôn, nên Tết tới, hầu như nhà nào cũng chưng vạn thọ hết”.

Từ những gia đình khá giả, đến các hộ dân nghèo, vạn thọ như một loại cây cần chưng trong dịp Tết. Điều này có được là nhờ vào ý nghĩa của loại cây mang mùi vị Tết này - vạn thọ.

Trái, hoa và lá bưởi đều mang một mùi tết đặc chưng, được nhiều gia đình sử dụng.

Giữa ồn ào của phố chợ đông đúc trong những ngày giáp tết, những nơi bán bưởi cũng được nhiều người ghé qua. Trái bưởi lâu nay cũng trở thành vật chưng trong mâm ngũ quả của nhiều gia đình. Ở những gia đình vùng nông thôn, Tết đến, ngoài trái bưởi, thì hoa, lá bưởi cũng được dùng làm nước tắm ngày cuối năm, trong lúc chờ giao thừa. Mấy dì, mấy cô, mấy chị, dùng nước bưởi hòa cùng nước sả, trái bồ kết gội đầu, để xua tan những điều kém may mắn, mong muốn tốt lành cho năm mới.

Mùi của Tết còn mang thêm hương vị đặc trưng bên mâm cơm gia đình của mỗi nh. Ngày Tết, bếp nhà ai cũng đỏ lửa, như để tạo không khí ấm áp cho gia đình cả năm mới. Ở dưới sau nhà, các bà, các mẹ đang bằm thịt để dồn khổ qua. Có nhà dùng gà, dùng vịt, cũng có nhà dùng thịt heo để nhồi khổ qua. “Người ta chuộng ăn khổ qua, không chỉ ở hương vị thanh mát, tốt cho sức khỏe, mà cịn là cái tên, người ta mong cho khổ qua đi, để năm mới được mọi điều an lành”- ông Lê Văn Tám, ở ấp 2, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy bày tỏ.

Ở trong nhà, mấy em nhỏ đang mân mê mấy bộ quần áo mới, rồi để lên mũi hít hà mùi vải mới nguyên, có bộ còn rõ cả mùi phấn vẽ. Rồi nào vị ngọt đậm của mứt dừa, mứt gừng, chuối phơi khô ngoài cái nắng gắt cùng chút se sắt lạnh lùa vào cái đống rơm, kế bên bụi chuối sau nhà, khiến lòng ai cũng phải xốn xang…

Chợ hoa Tết có lẽ là nơi có thể cảm nhận được mùi Tết rõ nhất.

Mùi của Tết, cũng là mùi của hương vị quê hương, mùi của tình thương, sự đoàn viên, mùi dung dị hòa cùng mùi mồ hôi nồng đượm của bà, của mẹ - những người đã chăm chút cho mùi của Tết thêm trọn vẹn hơn. Những cái mùi của Tết tuy nhiều, khó mà kể hết được nhưng hầu như là những mùi mang lại sự an lành, vui vẻ trong năm mới. Mùi Tết vì vậy cũng khiến ai ai cũng háo hức, chờ mong được ngửi cái mùi mỗi năm chỉ có một lần đó…

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>