Ấm lòng Mẹ Việt Nam anh hùng

07/02/2016 | 20:46 GMT+7

Trong cái hối hả của những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình các mẹ được phong, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến đây, chúng tôi được nghe hồi ức về một thời hào hùng của dân tộc và cũng để tri ân trước những hy sinh lớn lao của các mẹ.

Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Sại chính là niềm tự hào của gia đình.

Hát về những người mẹ Việt Nam

Hát về những người mẹ anh hùng.

Đời dâng hiến giống nòi

Mẹ sống giữa gian lao

Vì đất nước hy sinh cả cuộc đời.

(Mẹ Việt Nam anh hùng - Sáng tác: An Thuyên)

Lời bài hát đã nói hộ lòng tri ân, kính trọng của thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh cao cả của các mẹ. Các mẹ đã dành trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc thiêng liêng, thật tự hào khi đất nước Việt Nam có những Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Niềm vui của mẹ

Đến thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Út, ở ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, vào một ngày cuối năm, dẫu tiết trời se lạnh nhưng chúng tôi cảm thấy ấm áp trước tình cảm thân thương của mẹ. Tuy sức khỏe đã yếu đi phần nào, nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, mẹ Út như sống lại từng giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Kể về một thời chiến tranh ác liệt, gian khổ hy sinh, mẹ Út không khỏi chạnh lòng. Chồng mẹ tham gia cách mạng khi còn trẻ, sau khi lập gia đình và các con ra đời, ông vẫn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Khi lớn lên, người con trai thứ tư của mẹ là anh Huỳnh Văn Tạo cũng quyết chí theo cha lên đường bảo vệ Tổ quốc. Ngày tiễn chồng, con lên đường, mẹ chỉ mong sao đất nước sớm im tiếng súng, chồng con lành lặn trở về. Thế nhưng, năm 1971, mẹ đã đau đớn khi hay tin anh Huỳnh Văn Tạo đã hy sinh, khi ấy anh tròn 19 tuổi. Và cũng trong năm  này, một lần nữa mẹ lại ngã quỵ khi hay tin chồng của mẹ cũng đã hy sinh, bỏ lại mẹ và 6 đứa con thơ dại. Gạt nước mắt, cố vượt qua nỗi đau, mẹ Út tiếp tục lao động sản xuất và nuôi dạy các con thành người.

Gia đình ông Sang rất tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình.

Hòa bình lập lại, mặc dù gia đình mẹ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhưng mẹ vẫn canh cánh nỗi lòng thương chồng, nhớ con. Sự hy sinh vô bờ bến của Mẹ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cầm và nâng niu tấm bằng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng do Chủ tịch nước trao tặng, mẹ Út rưng rưng xúc động: “Mẹ vui và tự hào lắm vì những đóng góp của chồng và con trai của mẹ được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Mẹ nguyện với lòng phải sống gương mẫu, dạy bảo con cháu noi theo tấm gương kiên cường của cha ông ngày xưa”.

Rời gia đình mẹ Út, chúng tôi đến thăm mẹ Huỳnh Thị Sại, ở ấp 4, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp. Cũng như nhiều người mẹ khác, mẹ Sại cũng mừng đến rơi nước mắt khi được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Năm nay, mẹ Sại đã bước sang tuổi 91, hiện mẹ đang sống cùng người con trai, con dâu và các cháu nội. Tóc mẹ đã bạc trắng màu sương gió, đôi mắt đã mờ, sức khỏe cũng yếu đi nhiều, nhưng những chuyện về một thời oanh liệt ngày xưa, nhất là những ký ức về hai người con hy sinh thì mẹ không thể nào quên. Nghe chuyện mẹ kể, chúng tôi càng khâm phục về sự hy sinh thầm lặng, cao quý của người phụ nữ đã dành trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc thiêng liêng.

Nhấp chén trà nóng, mẹ kể, lớn lên trong khói lửa đạn bom, do đó, mẹ hiểu hết sự khốc liệt do chiến tranh gây ra. Vì vậy, sau khi lập gia đình, tuy cuộc sống khó khăn phải nuôi đàn con thơ dại, nhưng vợ chồng mẹ đã tích cực tiếp tế lương thực, nuôi chứa cách mạng. Và khi các con mẹ lớn lên, hai người trong số đó đã đi theo tiếng gọi của Tổ quốc và hứa sẽ trở về khi đất nước độc lập tự do. Thế nhưng, ngày đất nước thống nhất, hai người con thân yêu là anh Nguyễn Văn Dành và anh Nguyễn Văn Thanh đã không về như lời đã hứa. Dẫu mẹ không còn những kỷ vật nào của hai anh, nhưng trong căn nhà nhỏ của mẹ dường như luôn hiện hữu bóng hình của hai liệt sĩ.

Nhìn vào tấm bằng Tổ quốc ghi công của hai người con trai, mẹ Sại nói: “Xót xa lắm, nhưng mẹ coi đây là niềm tự hào, bởi con mẹ đã hy sinh thân mình cho công cuộc giải phóng đất nước”. Trong ký ức của mẹ, liệt sĩ Nguyễn Văn Dành và Nguyễn Văn Thanh là những người con ngoan ngoãn, hiếu thảo, luôn đỡ đần mẹ trong công việc gia đình. Mẹ Sại bảo, trong cuộc sống ngày nay, mẹ luôn dạy các con, cháu phải biết kính trên nhường dưới và trọn đạo làm người, cố gắng để trở thành người có ích cho xã hội…

Mất đi hai người con thân yêu, nhưng mẹ đã có thêm nhiều người con khác, những người con luôn hết lòng quan tâm, chăm lo cho mẹ. Giờ đây, mỗi ngày, căn nhà nhỏ của mẹ thật ấm áp khi luôn có sự quan tâm, thăm hỏi thường xuyên của đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con làng xóm… Với mẹ Sại, đây là món quà vô giá.

Mẹ vẫn sống mãi

Mất đi người thương nhất ai lại chẳng đau lòng, nhưng giữa đạn bom loạn lạc, các mẹ đã biến đau thương thành sức mạnh và động lực để tiếp tục sống, nuôi con, cống hiến sức mình cho cách mạng. Tuy không trực tiếp tham gia ngoài chiến trận, nhưng những đóng góp, hy sinh thầm lặng của các mẹ, sự thủy chung son sắt với cách mạng lại chính là vũ khí sắc bén, góp phần đập tan âm mưu xâm lược của kẻ thù. Hôm nay đây, có những mẹ đã về với đất, có những mẹ vẫn còn sống phần đời còn lại để từng ngày nhìn đất nước chuyển mình, thay da đổi thịt, nhìn con cháu trưởng thành, hăng say học tập, cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp. Với các mẹ, có lẽ đây mới là món quà quý giá nhất sau những mất mát, hy sinh, khổ đau cùng dân tộc.

Cán bộ địa phương thường xuyên đến thăm hỏi sức khỏe mẹ Sại.

Trân trọng, ghi nhớ và tri ân những cống hiến vô giá của những người mẹ, người vợ của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho những mẹ còn sống và truy tặng danh hiệu cho những mẹ đã mất trên khắp các vùng miền của Tổ quốc. Dẫu các mẹ không còn, nhưng danh hiệu cao quý này cũng phần nào an ủi linh hồn các mẹ. Ông Lê Văn Sang, ở ấp 6, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cháu ngoại của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Lựu (mẹ của hai liệt sĩ Võ Văn Minh và Võ Văn Thành), bộc bạch: “Dù ngoại không còn, nhưng tôi tin rằng, nơi suối vàng, ngoại tôi cũng đang ngậm cười, bởi Đảng, Nhà nước và thế hệ con cháu luôn ghi nhớ những cống hiến thầm lặng của bà. Gia đình tôi sẽ tiếp tục nêu gương theo truyền thống cách mạng, ra sức phấn đấu để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Đất nước Việt Nam đã trải qua bao cuộc trường chinh máu lửa, các mẹ đã cống hiến trọn đời cho Tổ quốc thiêng liêng. Do đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cả nước nói chung cũng như tỉnh Hậu Giang nói riêng, mãi mãi khắc ghi công lao to lớn đó. Trao đổi với chúng tôi vào một ngày cuối năm 2015, bà Hồ Thu Ánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Ngoài thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều việc làm cụ thể để chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, như: tiếp tục thực hiện các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Áo lụa tặng bà”, tặng “Sổ tiết kiệm”, “Chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng” đến cuối đời… Đó là nghĩa cử cao đẹp tô thắm truyền thống và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Và cũng là niềm động viên các mẹ tiếp tục phấn đấu vươn lên cống hiến cho xã hội. Ngoài ra, các địa phương còn tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà cho các mẹ nhân các ngày lễ, tết, chăm sóc khi ốm đau…”. Cũng theo bà Ánh, thời gian tới, ngành lao động - thương binh và xã hội tiếp tục phối hợp với các địa phương hoàn chỉnh hồ sơ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn lại để đề nghị Chủ tịch nước phong, truy tặng đối với các mẹ đủ điều kiện. Đồng thời, phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện tốt việc chăm sóc, phụng dưỡng các mẹ, đảm bảo các mẹ sống vui, sống khỏe…

Cuộc đời mỗi mẹ là một câu chuyện, một hoàn cảnh riêng, do đó, chúng tôi rất muốn tìm gặp nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng để được tìm hiểu về cuộc đời của các mẹ, bởi “Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi/ Mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần”, năm nay còn có mẹ, nhưng đến năm sau thì sẽ ra sao? Cuộc đời có nhiều thay đổi, nhưng chúng tôi tin rằng, tấm gương các Mẹ Việt Nam anh hùng sẽ mãi mãi tỏa sáng cùng sự trường tồn của dân tộc.

Toàn tỉnh hiện có 1.690 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 207 mẹ còn sống. Đến nay, tất cả các Bà mẹ Việt Nam anh hùng đều được các sở, ban ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời, với mức trợ cấp bình quân từ 500.000-700.000 đồng/tháng.

 

BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>