Niềm vui của những kỹ sư “thân bám vườn, chân lội ruộng”

07/02/2016 | 08:53 GMT+7

Dù xuất thân trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng ở họ đều có điểm chung là niềm đam mê với đồng ruộng. Vì thế, sau khi ra trường, với những kiến thức đã học, họ đem về chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân, giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Chúng tôi đến xã Đông Phước A vào một ngày cuối năm, trong cơn gió heo may nhè nhẹ với cái nắng ấm áp của mùa xuân, dọc tuyến đường về trung tâm xã, có thể dễ dàng nhận thấy được những vườn cam nghịch vụ đang vào độ chín chờ thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Lắm, ở ấp Đông Lợi A, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Mấy năm gần đây, từ khi chính quyền xã Đông Phước cho tiến hành xây đê bao ngăn lũ, rồi hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư xây dựng, đến cán bộ nông nghiệp về làng hướng dẫn kỹ thuật đã giúp cho cây cam sành “lên ngôi”. Nhờ vậy, từ 3 vụ lúa bấp bênh, nay cây cam dần dần đứng vững thay cho cây lúa. Cây cam phát triển, cuộc sống của phần lớn bà con trồng cam trong ấp đã bắt đầu đổi đời”.

“Thủ lĩnh” cây có múi

Tò mò muốn gặp những cán bộ như thế, sau khi được lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh giới thiệu, tôi đã liên hệ được với anh Lâm Văn Mal, cán bộ kỹ thuật xã Đông Phước, huyện Châu Thành. Lần đầu cà phê với nhau, ấn tượng của chúng tôi về anh là phong cách giản dị, làn da ngăm đen như nông dân chính hiệu. Đưa chúng tôi đến nơi anh đang làm, anh say sưa nói về những đổi thay trong sản xuất nông nghiệp những năm gần đây. Nhắc đến duyên nghiệp của mình, anh kể: “Là anh hai của một gia đình, nên điều kiện học hành vô cùng thiếu thốn. Không như các bạn cùng trang lứa được bước vào giảng đường đại học, tôi phải dừng lại ở Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Cần Thơ để nhường chỗ cho các em có điều kiện học tập. Thế nhưng, “cái khó không bó được quyết tâm”, tôi chọn chuyên ngành bảo vệ thực vật, với suy nghĩ mình sinh ra ở nông thôn nên phải đi học để về giúp đỡ bà con nông dân”.

Anh Mal (phải) thường xuyên gắn bó với nông dân để hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây trồng đạt hiệu quả.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh Mal được về công tác tại Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành. Đến năm 2009, khi cây có múi bắt đầu phát triển, anh được đưa về xã Đông Phước để giúp cho bà con nông dân. Thời bấy giờ, cây cam cho giá trị kinh tế cao nhưng luôn phải đối mặt với nhiều bệnh như: vàng lá gân xanh, vàng lá thối rễ… Các loại bệnh hại nguy hiểm này có thể làm cây chết hàng loạt. Theo lời anh Mal, để có những kiến thức về cây có múi, ngoài những kiến thức đã học trên ghế nhà trường, anh phải bỏ công sức tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi thầy cô ở các viện, trường và không nhớ mình đã đọc biết bao nhiêu tài liệu, nào là điều kiện khí hậu, đất đai, cách chọn cây giống, các loại bệnh cây cam thường gặp, cách xử lý trái nghịch vụ, phân bón…

Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Đông Phước, đến nay anh đã điều trị thành công 70% diện tích cam do bệnh vàng lá thối rễ gây ra. Ông Nguyễn Văn Lắm, ở ấp Đông Lợi A, xã Đông Phước, chia sẻ: “Cũng như các hộ dân khác, khi cây cam bắt đầu “ngự trị” trên vùng đất Châu Thành, tôi cũng bỏ ruộng lúa bắt tay vào lên liếp trồng cam. Trồng được một thời gian, vườn cam của tôi bị đủ thứ bệnh, còi cọc, vàng quạch. Cứ ngỡ cây bị thiếu chất, thế là cứ bón phân, ai ngờ ngày càng trầm trọng. Ngặt nỗi, đi hỏi kỹ thuật thì đâu có ai thèm chỉ mình, nhưng cũng nhờ từ khi được địa phương mở các lớp tập huấn, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình nên vườn cam của tôi mới được tốt như vầy”.

Hiện tại, anh Mal có khả năng nhìn cây chẩn đoán bệnh, cũng như khuyến cáo nông dân sử dụng phân, thuốc gì để điều trị cho cây hiệu quả. Nhờ vậy mà nông dân trong vùng hay gọi anh là “thầy”, vì anh thường tham gia các lớp tập huấn để giúp họ kỹ thuật chọn giống cũng như hướng dẫn họ ghi chép, cách nhận biết bệnh, kỹ thuật trồng sao cho đạt năng suất, chất lượng. Anh Mal chia sẻ: “Có người kêu tôi là “thầy” cho vui, vì tôi “mê” cây, gắn bó đã gần chục năm nên ít nhiều hiểu được “tính nết” của nó”.

Hiểu được nỗi khổ người trồng cây có múi, nên anh Mal sẵn sàng đem kinh nghiệm của mình chia sẻ cho họ bất cứ đâu. Dù là cán bộ kỹ thuật ở xã Đông Phước, nhưng nhiều người trồng cam ở các xã lân cận ngỏ ý nhờ, anh đều nhận lời đến tận vườn giúp. “Niềm vui lớn của tôi chính là nhìn thấy nhiều vườn được phục hồi, vườn cây suy kiệt mất mùa được xanh tốt trở lại và cho năng suất gấp đôi”, anh Mal tâm niệm. Hiện anh Mal đã xây dựng được 8/9 vườn mẫu trên cây có múi trong địa bàn xã để có thể dễ dàng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất cũng như điều trị thử nghiệm các loại bệnh mà cây có múi đang gặp phải. Bên cạnh đó, anh còn tranh thủ thời gian tham gia khóa học sau đại học để nâng cao trình độ chuyên môn cho bản thân.

Phát triển nhiều mô hình hiệu quả

Theo chân chị Nguyễn Thị Thúy Kiều, cán bộ kỹ thuật, để tìm hiểu tình hình sản xuất nông nghiệp, chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt tình, hết lòng vì công việc của những người làm công tác khuyến nông. Mới hơn 5 giờ sáng, chị Kiều đã có mặt tại các trà lúa Đông xuân đang chuẩn bị thu hoạch, rồi lại tất tả hướng dẫn kỹ thuật, trồng khảo nghiệm các giống mía mới. Đến trưa lại phải tranh thủ thời gian đảm nhiệm buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp bà con nông dân. Chị Kiều chia sẻ: “Làm công tác khuyến nông cơ sở là phải bám đồng, lội ruộng cùng với người nông dân để hướng dẫn, giúp họ thực hiện sản xuất, khuyến cáo người dân cách điều trị thích hợp, đảm bảo theo kế hoạch, mùa vụ. Vả lại khi bám vườn, lội ruộng mới dễ lắng nghe ý kiến của chính những người dân để từ đó truyền đạt các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho phù hợp”.

Nhớ lại những ngày đầu còn công tác tại xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, là sinh viên mới ra trường, kinh nghiệm còn non yếu, trong khi công việc chị đảm nhận đòi hỏi người cán bộ khuyến nông không chỉ hiểu biết sâu ở lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, mà còn cần phải có kỹ năng truyền đạt để có thể hướng dẫn và tư vấn cho bà con các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Nhưng với tinh thần ham học hỏi, nhiệt huyết tuổi trẻ nên chị chịu khó gần gũi, thường xuyên xuống tận xóm, ấp trao đổi tận tình, hướng dẫn, giải thích cặn kẽ những lợi ích thiết thực của việc ứng dụng tiến bộ mới vào sản xuất, dần dần chị lấy được cảm tình của bà con. Chị Kiều chia sẻ: “Lúc đầu về làm việc, xuống ruộng cùng nông dân nhưng nói không ai tin. Bởi vì cái mặt “non choẹt” lại đi hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa, trồng mía, trong khi nông dân đã có kinh nghiệm mấy chục năm. Thậm chí có nông dân còn bảo tôi là con gái thì làm ăn được cái gì. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì của mình, dần dần họ đã hiểu và xem mình như người nhà và yên tâm áp dụng làm theo. Từ đó, nông dân hiểu ra không chỉ có kinh nghiệm, mà cần luôn học hỏi tìm kỹ thuật mới, tổ chức liên kết nông dân lại để sản xuất”. Từ cách làm cũ, bây giờ bà con đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như nhân giống lúa chất lượng cao nhờ áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng”; sử dụng nấm xanh trên lúa để phòng trừ rầy nâu và sâu cuốn lá;...

Do yêu cầu công việc, nên mới đây, chị Kiều được điều động về Trạm Khuyến nông thành phố Vị Thanh. Công việc bận rộn hơn bởi phải “quán xuyến” nhiều xã chứ không còn một xã như trước, nhưng chị Kiều vẫn giữ thói quen là xuống cơ sở từ sáng sớm cho đến chiều tối mới về nhà. Chị Kiều vui vẻ cho hay: “Có những hôm xuống ấp để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, nhưng vì quá say mê với công việc, nên đến chiều lúc nào cũng chẳng hay. Những lúc như thế, tôi phải nhờ chồng hoặc đồng nghiệp rước con thay. Là phụ nữ đã có gia đình, đôi lúc tự thấy mình chưa dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình, nhưng gia đình luôn an ủi, động viên giúp tôi có động lực để yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hơn nữa, tuy công việc có vất vả, bận rộn, nhưng bù lại, tôi có niềm vui lớn là được bà con tin tưởng nhờ mình gỡ rối những thắc mắc, khó khăn liên quan đến nông nghiệp”.

Bên cạnh làm tốt công việc ở cơ quan, chị Kiều vẫn dành thời gian sưu tầm nhiều mô hình có hiệu quả. Chị Kiều quan niệm: “Theo tôi, có học hỏi thì mới nâng cao được kiến thức. Bởi lẽ, học không chỉ trên lý thuyết, mà còn phải vừa kết hợp giữa lý thuyết và thực hành cùng với kinh nghiệm thực tiễn thì mới xây dựng được các mô hình hiệu quả, dễ dàng áp dụng vào đời sống”.

“Khắc tinh” của dịch bệnh

Thường ngày, tầm 1 giờ chiều, anh Đào Tự Chịa, cán bộ thú y xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, đã đi kiểm tra, tiêm phòng cho các đàn vịt của các hộ dân, rồi đến tối anh lại tổ chức tiêm phòng cho gà. Hôm nào nhanh cũng phải đến 9 giờ tối thì anh mới có thể về đến nhà. Do rơi vào đợt tiêm phòng cuối năm, nên công việc của anh cũng khá bận rộn. Để tiện gặp anh, men theo con đường nông thôn theo lời chỉ dẫn, tôi gặp được anh ngay thời điểm anh đang tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vịt của các hộ dân. Tiêm xong, anh lại cẩn thận xé biên lai có kèm theo số điện thoại của mình. Rồi anh quay sang bảo tôi: “Với bất kỳ hộ gia đình nào cũng thế, sau khi tiêm phòng, chúng tôi đều ghi số điện thoại lại cho họ để họ liên hệ mỗi khi cần thiết và cũng để chúng tôi theo dõi, giám sát, chứ không phải cứ tiêm xong là hết trách nhiệm”.

Anh Đào Tự Chịa, cán bộ thú y xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, luôn chủ động tiêm phòng gia cầm cho các hộ dân để phòng, chống dịch bệnh.

Khi được hỏi về công việc của mình, anh Chịa bảo: “Làm nghề này là không kể ngày, đêm, xa, gần, ở đâu người dân báo có gia súc, gia cầm bệnh là phải đến tận nơi kiểm tra, xác định nguyên nhân để chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm. Vào những đợt tiêm phòng, vì muốn tiêm phòng đồng loạt phải “canh” lúc người dân đang ở nhà thì mới tổ chức được. Hơn nữa, trước đây, chỉ cần tiêm phòng 2 đợt/năm, nhưng nay còn phải tiêm bổ sung hàng tháng. Do quy trình vẫn phải đầy đủ thủ tục từ thống kê, xây dựng kế hoạch, đến thực hiện tiêm phòng, xong rồi lại tổng hợp báo cáo, giám sát, giao ban… nên khối lượng công việc rất lớn”.

Anh Chịa thông tin: “Nhớ lại thời điểm 10 năm trước, khi dịch cúm H5N1 bùng phát, nước ta bắt đầu triển khai tiêm phòng mở rộng trên gia súc, gia cầm. Không riêng gì các địa phương khác, trên địa bàn thị xã Ngã Bảy, do hiểu biết của bà con về bệnh này chưa nhiều, nên rất thờ ơ với công tác tiêm phòng. Khi đến vận động, có một số bà con viện đủ lý do như gia súc, gia cầm đang khỏe nên không cần tiêm hoặc sợ tiêm vào vật nuôi bị gầy, yếu, sẩy thai… Bởi, sau khi tiêm vắc-xin, sức khỏe ban đầu của vật nuôi ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Những lúc đó, nhiều đêm tôi không được ngủ, có khi còn bị đổ trách nhiệm vì gia súc, gia cầm đã tiêm phòng vẫn bỏ ăn, lây bệnh. Những lúc như vậy, tôi muốn nghỉ làm, nhưng rồi vì cái “duyên” không nỡ bỏ nên đành gắn bó tiếp”. Trước tình hình đó, anh đã thường xuyên đến từng nhà để tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi để trấn an tinh thần của bà con. Hàng ngày, cùng với việc xuống tận các hộ gia đình có chăn nuôi để theo dõi tình hình dịch bệnh, anh còn tổ chức cấp phát các tài liệu liên quan, hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của người dân trong quá trình phòng, chống dịch.

Đã gần 10 năm gắn bó với nghề, bây giờ hễ vật nuôi của gia đình nào có biểu hiện dịch bệnh là người dân đều chủ động liên hệ với anh, khi ấy anh luôn có mặt tức thời để tiêm phòng, theo dõi, tư vấn cách chăm sóc, phòng chữa dịch bệnh. Với trách nhiệm của mình, thời gian qua, để đàn vật nuôi trong xã phát triển thuận lợi, ngoài thực hiện tốt công tác tiêm phòng theo định kỳ, tiêm phòng bổ sung đầy đủ, hàng tuần, anh còn lên lịch rất cụ thể đến các ấp hướng dẫn bà con cách vệ sinh chuồng trại.

Theo anh Chịa, để chống được dịch bệnh trên đàn vật nuôi một cách triệt để, phải phòng được dịch bệnh ngay tại từng hộ gia đình có chăn nuôi. Vì chỉ cần một sơ suất nhỏ, chủ quan trong phòng dịch sẽ dẫn đến thiệt hại khôn lường. Nhờ vậy, trong nhiều năm liền, tình hình chăn nuôi tại địa bàn xã Hiệp Lợi đều phát triển thuận lợi, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>