Hướng đến xã văn hóa nông thôn mới

01/02/2016 | 08:05 GMT+7

Xã Phú An, huyện Châu Thành, đã được công nhận danh hiệu văn hóa cách nay hơn 10 năm. Trong suốt khoảng thời gian này, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cũng phát triển khá toàn diện. Gần đây, địa phương đã quyết tâm nâng chất danh hiệu này bằng việc hướng đến xã văn hóa nông thôn mới.

Bà Nguyễn Thị Tím luôn là tấm gương để mọi người noi theo.

Bà Võ Thùy Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú An chia sẻ, Phú An là xã dân cư ít, trước chỉ có 3 ấp, năm 2015, mới chia thêm 2 ấp nữa, nâng tổng số lên 5 ấp với 918 hộ dân. Từ đó, công tác quản lý cũng dễ dàng. Địa phương luôn xác định phải tập trung xây dựng danh hiệu văn hóa, để nâng chất đời sống vật chất và tinh thần của người dân một cách toàn diện. Công tác tuyên truyền là điều mà địa phương chú trọng, cùng với việc tạo điều kiện cho người dân làm ăn, ổn định cuộc sống. Giờ, hộ nghèo chỉ còn hơn 5%, số hộ khá giả ngày càng nhiều, thu nhập bình quân đầu người đã trên 29 triệu đồng/người/năm. Từ đó, ở địa phương ngày càng có nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, đang từng bước được nhân rộng. Nổi bật trong những năm gần đây là mô hình trồng nhãn, cam sành, chanh không hạt của ông Võ Văn Út, Huỳnh Bá Phước, ở ấp Phú Hưng. Đặc biệt là mô hình trồng nhãn và chanh không hạt của bà Nguyễn Thị Tím, ở ấp Khánh Hội B... Đây không chỉ là những gia đình chăm chỉ làm ăn để ổn định cuộc sống, mà còn luôn đi đầu trong mọi phong trào do địa phương phát động. Họ vừa thực hiện tốt, vừa vận động mọi người cùng tham gia xây dựng gia đình văn hóa, nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi. Không chỉ vậy, họ còn là những người nhiệt tình đóng góp cho địa phương trong mọi phong trào...

Thoăn thoắt cắt tỉa những cành mai chuẩn bị tết, bà Nguyễn Thị Tím, ấp Khánh Hội B, hồ hởi: “Tôi tính là mai mốt sẽ tranh thủ thời gian để trồng thêm cây xanh phía trước nhà. Giờ mới trồng có được hàng cau kiểng. Tôi còn chuẩn bị mấy phần quà để ủng hộ bà con nghèo trong xã ăn tết nữa…”. Đã ngoài 60 tuổi, nhưng bà vẫn chưa chịu nghỉ ngơi, hàng ngày, bà vẫn làm vườn, chăm sóc nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Bà cho biết thêm: “Hồi đó mình nghèo nên giờ thấy ai nghèo là thương, không tính thiệt so hơn làm gì”. Vì những việc làm nhiều ý nghĩa trên, bà trở thành tấm gương để mọi người học hỏi… Đây là một trong số những người tiêu biểu ở phương mà tôi có dịp gặp. Họ đều có cùng suy nghĩ, là người dân thấy quê mình ngày càng đẹp thì họ rất mừng. Những điều mà họ làm chỉ là một phần nhỏ, để giúp ích cho xã hội, với lại cũng là để răn dạy con cháu biết sống vì người khác. Có lẽ, chính vì điều này mà mọi sự vận động ở địa phương đều khá thuận lợi. Từ sự ý thức của người dân, phong trào được phát động đều khắp và là điều kiện tiên quyết để Phú An xây dựng và nâng chất danh hiệu văn hóa trong hơn 10 năm qua.

Thời gian gần đây, Phú An đang phát động người dân trồng cây xanh làm hàng rào, tạo cảnh quan để tiến đến xây dựng những tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu. Năm 2016, Phú An sẽ tiếp tục giữ vững và nâng chất danh hiệu văn hóa, tiếp tục giữ vững 16/19 tiêu chí nông thôn mới đã đạt và đặc biệt là sẽ tập trung xây dựng những tiêu chí còn lại, để hướng đến xã văn hóa nông thôn mới và xã nông thôn mới. Bà Võ Thùy Linh cho biết: “Để làm được điều này, địa phương sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch và phân kỳ thực hiện, có kiểm tra, giám sát. Điều thuận lợi chính là sự quyết tâm của đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của người dân. Bên cạnh đó, địa phương cũng rất cần sự quan tâm, đầu tư của các ngành, các cấp có liên quan, để từng tiêu chí của xã văn hóa nông thôn mới và xã nông thôn mới đạt hiệu quả, chất lượng”.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>