Tràn ngập nông sản ngoại

13/01/2016 | 17:39 GMT+7

Rau củ, trái cây của Việt Nam chinh phục thị trường thế giới ngày càng mạnh mẽ nhưng về cuối năm, thị trường nội địa vẫn tràn ngập các loại nông sản ngoại.   

Trái cây ngoại tràn ngập thị trường nội địa.

Cung nhiều nhưng vẫn nhập

Theo Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu trái cây trong năm 2015 đã nhảy vọt về thành tích với mốc 1,83 tỷ USD (tăng 23,4% so với năm trước). Trong năm 2016, nhiều loại trái cây đặc sản và rau củ, nông sản chất lượng cao sẽ tiếp tục chinh phục những thị trường xuất khẩu mới và khó tính… Nhưng vẫn là sự mất cân bằng khi thị phần của các loại trái cây, nông sản ngoại vẫn chiếm tỷ lệ quá lớn trên thị trường cả nước.

Đã thành thông lệ, cứ gần Tết Nguyên đán là hoạt động giao thương qua các cửa khẩu khu vực biên giới phía Bắc lại sôi động hẳn lên. Nhu cầu tiêu thụ trái cây về cuối năm tăng mạnh khiến các doanh nghiệp và giới tiểu thương đổ xô lên cửa khẩu để “đánh hàng” về nội địa. Theo số liệu báo cáo của cơ quan hải quan và kiểm dịch tại cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), trung bình mỗi ngày có khoảng 600 - 800 tấn trái cây tươi các loại được làm thủ tục thông quan. Theo bà Bế Thị Thu Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7, các loại trái cây được nhập nhiều nhất qua cửa khẩu Tân Thanh hiện nay là quýt (loại quả tròn dẹt, vỏ màu vàng, đầy đủ cành lá), táo và lê.

Còn tại cửa ngõ tỉnh Lào Cai, ông Trần Văn Hoàng, Trạm trưởng Trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu quốc tế Kim Thành cho biết, lượng trái cây nhập về qua cửa khẩu này hiện chủ yếu là cam, quýt và táo xanh. Đặc biệt là cam vàng năm nay được nhập về rất nhiều. Rau củ thì chủ yếu là cải thảo, bắp cải và súp lơ. Ngoài ra, các loại hạt gồm hướng dương, hạt bí đỏ cũng được nhập khẩu với số lượng nhiều hơn năm trước để phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán.

Điều đáng nói là năm nay, các vựa trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ và miền Bắc đều được mùa, nguồn cung từ trong nước cũng rất dồi dào và các loại trái đặc sản bán giá rất cao nhưng trái cây ngoại từ Trung Quốc và Thái Lan vẫn tràn ngập trên thị trường. Quanh Hà Nội, ngoài chợ đầu mối Long Biên hiện hình thành rất nhiều chợ đầu mối nông sản như Hòa Đình (Bắc Ninh), Song Phương (Hà Nội), Cát Quế (Hà Nội), Thổ Tang (Vĩnh Phúc)… để tập kết, trung chuyển hàng vào miền Nam.

Kiểm tra chủ yếu bằng cảm quan

Mặc dù Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 trả lời rằng gần đây chưa phát hiện lô hàng nào vi phạm về hóa chất bảo vệ thực vật và an toàn thực phẩm nên vẫn chỉ áp dụng tỷ lệ kiểm tra 10% trên lô hàng theo quy định của Bộ NN-PTNT. Tuy nhiên bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 thừa nhận: “Những ngày cuối năm, do nhu cầu mua hoa quả tươi, mẫu mã đẹp tăng cao nên hàng từ nước ngoài vẫn ồ ạt nhập vào nước ta. Thông thường các mặt hàng này đều sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để bảo quản, nên nguy cơ có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tiềm ẩn mất vệ sinh an toàn thực phẩm cao hơn các loại hoa quả chính vụ”.

Còn theo ông Trần Văn Hoàng, việc kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với rau, củ quả nhập khẩu qua cửa khẩu Kim Thành vẫn được triển khai nhưng chủ yếu là kiểm tranh nhanh bằng bộ “test kit”, còn lấy mẫu gửi xuống Hà Nội phân tích các chỉ tiêu hóa chất thì do kinh phí có hạn nên không làm được thường xuyên mà chỉ theo đợt, kế hoạch. Để phân tích 1 mẫu trái cây trung bình mất từ 6 - 7 triệu đồng, kinh phí này do ngân sách chi trả và duyệt kế hoạch hàng năm. Bà Nguyễn Thị Hà cũng thừa nhận việc kiểm tra nông sản nhập khẩu vẫn chủ yếu bằng cảm quan, cơ quan chức năng kiểm tra trên giấy tờ, quan sát lô hàng và thông quan. Có lẽ vì vậy mà cả năm 2015, cơ quan kiểm dịch không phát hiện một lô hàng nào vi phạm.

Tiền kiểm - hậu kiểm

Đề cập đến vụ 1 mẫu táo Trung Quốc trong lô táo bán tại chợ đầu mối Thủ Đức (TPHCM) bị cơ quan chức năng phát hiện có chất diệt nấm Carbendazim vượt ngưỡng cho phép, đồng nghĩa với việc cơ quan kiểm dịch cửa khẩu đã để lọt lưới… bà Nguyễn Thị Hà lý giải, theo quy định, hoạt động kiểm tra lấy mẫu tại cửa khẩu chỉ được tiến hành với tần suất ngẫu nhiên từ 10% - 20% tổng số lô hàng nhập khẩu. Lượng hàng còn lại sẽ được kiểm tra về hồ sơ, nguồn gốc, mẫu mã... Vì vậy, hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp lô hàng vi phạm về chất bảo vệ thực vật bị “lọt” qua cửa khẩu.

 

Theo SGGP

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>