Đại biểu Quốc hội: Dê “đi lạc” vào nhà cán bộ thì phải hỏi người nghèo

22/10/2015 | 17:06 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nhấn mạnh, giám sát thì phải đến, nghe đối tượng cụ thể. Như việc dê “đi lạc” vào nhà cán bộ thì phải hỏi người nghèo.

“Đoàn đến rồi đoàn lại đi”

Thảo luận về Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, chiều 21/10, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền- Phó Đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Lâm Đồng dẫn tổng kết đánh giá hoạt động giám sát nói rõ luật chưa đảm bảo, chủ thể giám sát chưa làm hết tránh nhiệm và đối tượng chịu giám sát chưa chấp hành nghiêm kết luận giám sát.

“Luật làm luật tốt thì như tấm vải đẹp nhưng ông thợ may cắt xấu thì mặc vẫn xấu, còn vải xấu mà ông cắt đẹp thì mặc thấy đẹp. Do đó cần làm rõ trách nhiệm chủ thể giám sát và chủ thể chịu giám sát. Giám sát ở cơ sở có đoàn kéo đến đông nghe báo cáo qua loa, không đi thực tiễn rồi về”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Giám sát thì phải đi vào thực tế.

Theo ông Thuyền, giám sát thì phải nghe đối tượng cụ thể. Như việc dê “đi lạc” vào nhà bí thư huyện mà không hỏi người nghèo thì khó biết. Luật không chặt chẽ thì người làm sẽ qua loa.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn- Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Nam Định thì nhấn mạnh, hiệu quả cuối cùng của hoạt động giám sát không chỉ dừng lại ở chỗ giám sát có trúng không, kết luận chỉ ra yếu kém, sai phạm thuyết phục hay không mà phụ thuộc rất nhiều mà là thái độ chấp hành sau giám sát.

“Khi đối tượng chịu sự giám sát không thực hiện nghiêm chỉnh, chấn chỉnh ngay việc làm sai phạm thì việc giám sát trở nên vô nghĩa. Tình trạng này lâu nay phổ biến, dẫn đến hoạt động giám sát mang nặng tính hình thức. “Đoàn đến rồi đoàn lại đi, địa phương chẳng chuyển biến gì không sao”, ông Sơn bày tỏ quan điểm..

Đánh giá Dự thảo luật quy định khá cụ thể trách nhiệm của cơ quan, cá nhân, đơn vị chịu sự giám sát và quy định một bước quyền hạn trách nhiệm của chủ thể giám sát, tuy nhiên, theo ông Sơn, cảm giác chung quy định chưa đủ mạnh để kiến nghị sau giám sát được tuân thủ nhanh chóng, đầy đủ, chính xác, tạo chuyển biến.

Không thực hiện kết luận giám sát thì phải xử lý

Đặt vấn đề giám sát là nhìn từ trên xuống hay từ ngoài vào, đại biểu Đỗ Văn Đương- Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, giám sát lâu nay còn hình thức vì cứ nghe báo cáo chứ chưa đi vào bên trong hoạt động.

Do đó cần bổ sung phương thức Đoàn giám sát có trách nhiệm nghiên cứu trực tiếp hồ sơ tài liệu, hỏi đối tượng liên quan nội dung giám sát.

Đại biểu Đỗ Văn Đương: Không thực hiện kết luận giám sát thì phải xử lý theo luật.

“Ví dụ giám sát về oan sai phải trực tiếp nghiên cứu tài liệu, gặp người bị giam, điều tra viên xem họ nói thế nào. Hay xuống nông- lâm trường, hỏi lâm trường viên thì mới phát hiện có chuyện phát canh thu tô, đo đạc cắm mốc trên giấy tờ chứ không phải thực địa”, ông Đương dẫn chứng.

Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng cho rằng Đoàn giám sát có quyền yêu cầu cơ quan tổ chức cá nhân chịu sự giám sát tự thanh kiểm tra và thông báo lại cho đoàn biết kết quả về thanh tra đó. Vì nguồn lực về mặt thời gian, con người của đoàn giám sát hạn chế.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Đương, trách nhiệm của chủ thể giám sát là phải kết luận khách quan, trung thực, kiến nghị yêu cầu rõ ràng, có địa chỉ và thời hạn cụ thể, đảm bảo tính khả thi.

Chủ thể chịu sự giám sát nếu cố ý không thực hiện khi kết luận, kiến nghị sau giám sát rõ ràng thì tuỳ theo tính chất, mức độ mà đề nghị xử lý trách nhiệm theo pháp luật.

Theo Ngọc Thành/VOV.VN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>