Nhận xét, đề nghị để nâng chất

23/10/2013 | 07:57 GMT+7

Ghi nhận của phóng viên Báo Hậu Giang tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL do Thường trực HĐND tỉnh Hậu Giang tổ chức vừa qua.

 

Bà Nguyễn Thị Nương, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu Quốc hội:

“Ấn tượng với những hoạt động nâng cao chất lượng hoạt động HĐND”

 

 

- Qua nửa nhiệm kỳ của HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực cho thấy, từng địa phương đều chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, nhiều địa phương đã mở các chuyên mục mang tính tương tác giữa đại biểu dân cử với cử tri, thực hiện các đề án về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động HĐND 3 cấp… Tất cả đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của HĐND trong tình hình mới. Hoạt động của HĐND các tỉnh, thành đã tiến bộ rất xa so với trước đây. Cũng cần nói thêm, đối với 3 tỉnh, thành phố thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện và cơ sở là tỉnh Kiên Giang, TP.Đà Nẵng và tỉnh Phú Yên, thì các địa phương này yêu cầu được tiếp tục thực hiện. Còn nhiều ý kiến khác cho rằng nên tổ chức HĐND 3 cấp để tăng cường tính giám sát trong hoạt động của chính quyền, chúng tôi ghi nhận và sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp này.

 

Ông Đinh Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh:

“Những kiến nghị của các tỉnh, thành sẽ giúp hoạt động HĐND được tốt hơn”

 

 

 

- Những kiến nghị, đề xuất của các tỉnh, thành đều rất quý báu và đáng trân trọng, là tiền đề giúp cho hoạt động của HĐND được tốt hơn. Đối với HĐND tỉnh Hậu Giang, thời gian qua có nhiều cố gắng trong việc nâng cao tư duy, kỹ năng phản biện của Thường trực HĐND. Chúng tôi xác định phản biện trong hoạt động của HĐND không phải là bác bỏ, “vạch lá tìm sâu”, mà là những lý lẽ mang tính tranh luận có cơ sở khoa học, phù hợp với thực tế, làm rõ các mặt của vấn đề, góp phần nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND. Các kỳ họp gần đây, HĐND tỉnh thể hiện rõ sự chủ động, tính phản biện trong thẩm tra tờ trình và dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình. Giữa hai kỳ họp, UBND tỉnh trao đổi nhiều vấn đề phát sinh, qua đó Thường trực HĐND tỉnh luôn cân nhắc kỹ, chủ động tham khảo ý kiến các sở, ngành hữu quan và ý kiến đề xuất của các Ban HĐND, từ đó ý kiến của Thường trực HĐND mang tính chính xác cao, thể hiện được vai trò độc lập, kịp thời tạo điều kiện để UBND tỉnh phát huy được tính năng động, sáng tạo trong điều hành, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Bên cạnh những kết quả từ nỗ lực đổi mới, hầu hết HĐND các tỉnh, thành phố có chung vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có liên quan vào thực tế hoạt động HĐND, chúng tôi sẽ tập hợp và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

 

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Đồng Tháp:

“Chức danh Ủy viên Thường trực HĐND: Hiểu sao cho đúng ?”

 

 

 

- Theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND, Thường trực HĐND cấp tỉnh, huyện gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực (UVTT) HĐND. Không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn đối với chức danh UVTT là “có cũng như không”. Hiện nay, nhận thức về chức danh này chưa thật đầy đủ, đã có những trường hợp khi tham gia hội nghị, hội thảo, thậm chí chức danh UVTT HĐND còn không được giới thiệu vì không biết chức danh này “lớn hay nhỏ”. Quyết định số 59 ngày 7/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định, tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước, chức danh UVTT HĐND cấp tỉnh, huyện đều không được nhắc đến. Chính việc này dẫn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND nói riêng và hoạt động của HĐND nói chung cũng bị ảnh hưởng và giảm sút ít nhiều.

 

Ông Nguyễn Hoàng Vân, Ủy viên Thường trực HĐND TP.Cần Thơ:

“Còn nhiều vướng mắc trong Luật Tổ chức HĐND và UBND”

 

 

- Luật và quy chế về HĐND hiện nay chỉ mới quy định chủ yếu về nhiệm vụ, quyền hạn và một số hoạt động của HĐND, chưa đề cập đến các quy định về tổ chức, sinh hoạt của toàn thể đại biểu HĐND để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động của đại biểu; chưa quy định bắt buộc về thời gian hoạt động ít nhất của đại biểu HĐND kiêm nhiệm, nên hoạt động của đại biểu ở nhiều nơi không đồng đều.

 

Một bất cập khác là trong Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 với Luật Ngân sách nhà nước năm 2002. Luật Ngân sách nhà nước quy định: “HĐND cấp tỉnh quy định thời hạn phê chuẩn quyết toán ngân sách của HĐND cấp dưới nhưng chậm nhất không quá 6 tháng sau khi ngân sách kết thúc”, nghĩa là kỳ họp giữa năm cấp huyện, cấp xã họp chậm nhất vào ngày 30-6. Việc quy định này phù hợp với tính độc lập của HĐND không phải hệ thống dọc, nhưng không phù hợp với quy định về thời gian tổ chức kỳ họp thường lệ của HĐND các cấp, mỗi năm 2 kỳ họp. Kỳ họp cuối năm của HĐND các cấp được quy định cụ thể vào tháng 12, còn kỳ họp đầu năm (cũng là kỳ họp giữa năm) đối với cấp huyện, cấp xã thì chậm nhất vào cuối tháng 6 (sau khi năm ngân sách kết thúc), nhưng không có văn bản quy định thời gian kỳ họp giữa năm đối với HĐND cấp tỉnh…

 

Tại hội nghị vừa qua, đại diện HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL nêu 48 kiến nghị, đề xuất, tập trung vào các vấn đề về cơ cấu tổ chức bộ máy, tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách; việc ban hành văn bản QPPL còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản QPPL đã ban hành trước. Để giúp cho HĐND ba cấp có mối quan hệ gắn bó, gần gũi hơn, cần có quy định cơ quan dân cử được phép thực hiện chính sách thi đua, khen thưởng trong hoạt động Quốc hội và HĐND, được phép tặng kỷ niệm chương cho các đại biểu có thành tích, thâm niên hoạt động trong cơ quan dân cử các cấp…

 

HOÀNG NGUYÊN ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>