Vì một Hiến pháp hoàn chỉnh

17/04/2013 | 05:41 GMT+7

Hiện nay, cán bộ, đảng viên và nhân dân TP.Vị Thanh đang khẩn trương đóng góp ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thống kê sơ bộ của Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp thành phố, đến giữa tháng 4, đã có hơn 10.000 phiếu có ý kiến góp ý, trong tổng số trên 14.000 phiếu thu về.

 

Bên hiên nhà, ông Danh Thị, ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, cùng vợ xem lại một vài chương mình quan tâm trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ông bộc bạch: “Hổm rày phần lo sửa nhà, phần lo ăn Tết Chôl Chnam Thmây nên bận lắm, nhưng khi được mấy anh cán bộ ấp gửi tài liệu góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp và phiếu xin ý kiến, tôi cũng tìm hiểu, đọc đi đọc lại để có ý kiến góp ý. Thấy được nhất là dự thảo sửa đổi lần này rất cô đọng, ngắn gọn hơn Hiến pháp hiện hành, đó là điểm tôi thấy tâm đắc”.

 

Gia đình ông Danh Thị (2 người giữa) được cán bộ của xã và ấp Thạnh Trung hướng dẫn góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Ông Danh Thị kể, hồi đó học được hết lớp 5 trường làng, cũng biết đọc, biết viết, giờ đã ngoài 70,  nhưng với tinh thần, trách nhiệm của một công dân, ông cố gắng đọc kỹ một vài chương để đóng góp ý kiến.

 

Bà Thị Điện, vợ ông Danh Thị, chia sẻ: “Mắt ổng bị mờ mà còn mất cái “kiếng” đeo nên phải qua hàng xóm mượn cái “kiếng lão” mới đọc được. Ổng đọc, tui ngồi nghe”.

 

Ông Danh Thị bảo rằng, ngay phần Lời nói đầu của dự thảo đọc lên đã nghe rất ấn tượng, khẳng định được vai trò lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ và con đường cách mạng của nước ta. “Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đó là câu tôi tâm đắc nhất - ông Danh Thị nhấn mạnh.

 

Trong 377 hộ dân ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, có đến 226 hộ đồng bào dân tộc Khmer. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Chi bộ ấp Thạnh Trung, đồng bào dân tộc rất ý thức đóng góp ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhưng do phát tài liệu ngay dịp Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây nên có phần khó khăn trong việc thu tài liệu. Tuy nhiên, đến thời điểm này số phiếu thu về cũng đạt trên 90%.

 

Trong việc tuyên truyền nhân dân khẩn trương, trách nhiệm đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ngoài lực lượng thư ký chính thức, những đảng viên của chi bộ cũng là lực lượng nòng cốt giúp nhân dân hiểu rõ hơn về đợt sinh hoạt này. Ông Danh Minh Nhuận, đảng viên cao tuổi Đảng nhất của Chi bộ ấp Thạnh Trung, nói: “Hổm rày từ bữa phát tài liệu ra dân tôi cũng được bà con quanh xóm lại đây hỏi về những nội dung chưa rõ hoặc ghi ý kiến đóng góp thế nào. Thấy họ có trách nhiệm, nhiệt tình lắm. Ai không biết chữ thì mượn con cháu trong nhà đọc để nghe rồi nói ý kiến cho con cháu ghi lại”.

 

Ông Nhuận chia sẻ xung quanh chuyện đóng góp ý kiến cũng có nhiều chuyện vui. Có những gia đình tới hỏi ông đóng góp ý kiến để yêu cầu hỗ trợ vốn vay, xây dựng nhà tình thương này kia… Khi nghe họ nói mình biết là không đúng với nội dung yêu cầu góp ý thì phải đứng ra giải thích cho họ hiểu rõ.

 

Ông Nhuận nói: “Với tôi, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là điều tôi thấy đúng đắn và tâm đắc nhất”.

 

Quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”- không chỉ riêng đảng viên chúng tôi mà tôi nghĩ từng người dân cũng đồng tình với điều khoản này - ông Nhuận khẳng định.

 

Trong số 19.500 phiếu được phát ra trên địa bàn thành phố, đến thời điểm 15-4, các địa phương và các ngành đã thu về hơn 14.000 phiếu, trong đó có gần 10.300 phiếu có đóng góp ý kiến.

 

Thời điểm này, Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thành phố đang tăng cường công tác kiểm tra, cũng như hướng dẫn cơ sở thực hiện việc thu phiếu và tổng hợp ý kiến. Theo Ban chỉ đạo thành phố, trong những nội dung đóng góp đã được tổng hợp bước đầu, có khá nhiều ý kiến góp ý về vấn đề phải tăng cường, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vấn đề quyền con người, quyền sở hữu, vấn đề xây dựng chính quyền, việc phân quyền giữa 3 cơ quan: lập pháp, hành pháp và tư pháp…

 

Phó Chủ tịch HĐND TP.Vị Thanh Ngô Hoành Sơn cho biết: “Qua các hội nghị được tổ chức, cho thấy cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thành phố rất đồng tình với việc góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Qua đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động trí tuệ và tâm huyết của nhân dân, giúp nhân dân thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành phố đối với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này”.

 

Bài, ảnh: H.NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>