Tích cực phòng, chống xâm nhập mặn

18/02/2020 | 19:49 GMT+7

Bảo vệ tốt diện tích vườn cây ăn trái và rau màu trước tình hình xâm nhập mặn là quyết tâm của ngành chức năng và người dân thành phố Ngã Bảy.

Người dân xã Đại Thành chủ động sửa chữa và đóng, mở nắp cống của gia đình vào những thời điểm phù hợp nhằm tránh nước mặn.

Sau 2 năm không bị nước mặn tấn công kể từ khi đợt mặn lịch sử (mùa khô 2015-2016) xâm nhập vào địa bàn với nồng độ đến 4‰, gần hai tháng đầu năm nay, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn thành phố Ngã Bảy diễn biến bất thường và gay gắt với nhiều hướng tấn công. Cụ thể, trên sông Hậu, nước mặn từ Biển Đông đã xâm nhập đến sông xáng Cái Côn theo hướng Cần Thơ đổ về và nước mặn từ hướng Sóc Trăng xâm nhập theo tuyến kênh Mang Cá. Trong gần hai tháng qua, độ mặn trên địa bàn thành phố Ngã Bảy dao động từ 0,2-1,9‰, trong đó độ mặn đạt mức cao nhất là 2‰ xuất hiện vào hai thời điểm là ngày 8-1 và 7-2 vừa qua. Dù nước mặn xâm nhập vào địa bàn với nồng độ tương đối cao và địa phương chưa có công trình lớn ngăn mặn từ xa mà chủ yếu là các cống nhỏ. Tuy nhiên, với sự chủ động từ sớm nên đến thời điểm này, nước mặn không gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống người dân thành phố Ngã Bảy.

Ông Trương Văn Chín, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Ngã Bảy, cho biết: Qua theo dõi và cập nhật thông tin dự báo từ cơ quan chuyên môn của Trung ương, tỉnh thì được biết tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay trên địa bàn tỉnh, trong đó có thành phố Ngã Bảy sẽ diễn ra gay gắt và có khả năng đạt mức tương đương so với đợt xâm nhập mặn lịch sử đã qua. Do đó, ngay từ đầu mùa khô 2019-2020, đơn vị đã sớm tham mưu cho UBND thành phố về kế hoạch phòng, chống xâm nhập mặn trên địa bàn. Mặt khác, UBND thành phố Ngã Bảy đã ban hành 5 văn bản chỉ đạo ngành chức năng thành phố thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn và nhanh chóng kiện toàn Ban chỉ đạo Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (Ban chỉ đạo) thành phố để rà soát các nhiệm vụ, đồng thời phân công trách nhiệm, công việc cho từng thành viên để có hướng theo dõi, chỉ đạo sâu sát với diễn biến tình hình vào từng thời điểm.

Theo đó, một trong những công việc trọng tâm và mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống xâm nhập mặn thời gian qua là ngay từ ngày 1-12-2019, hàng ngày hai lượt sáng và chiều, lực lượng chuyên môn của thành phố Ngã Bảy tiến hành kiểm tra độ mặn trên các điểm chính theo hướng xác định nước mặn xâm nhập vào. Khi phát hiện độ mặn ở mức từ 0,5-1‰ thì tiến hành thông tin trực tiếp đến người dân và thông báo trên loa phát thanh của thành phố để ngành chức năng các địa phương và người dân biết để tiến hành đóng các cống xung quanh nhà, cũng như ngưng lấy nước từ 1-2 ngày. Lúc xác định độ mặn giảm và ở mức không còn ảnh hưởng đến cây trồng thì thông báo cho người dân lấy nước phục vụ sản xuất trở lại. Mặt khác, Ban chỉ đạo thành phố Ngã Bảy còn tạo nhóm trên zalo để kịp thời thông báo độ mặn hàng ngày, từ đó các địa phương nắm bắt được nhanh và chỉ đạo ứng phó hiệu quả.

Ông Cao Chí Công, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, thông tin: Người dân xã Đại Thành chủ yếu sống bằng nghề trồng cây ăn trái và đang mang lại giá trị kinh tế cao. Do đó, khi có thông tin về tình hình xâm nhập mặn năm nay sẽ ảnh hưởng đến địa bàn thành phố nói chung và xã Đại Thành nói riêng thì phần nào cũng làm nhà vườn lo lắng. Vì vậy, để bảo vệ tốt vườn cây ăn trái của bà con và thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND thành phố, địa phương đã tổ chức rà soát lại hệ thống đê bao, cống đập trên địa bàn và vận động người dân sớm tu sửa các nắp cống bị hư để sẵn sàng đóng ngăn mặn khi có nồng độ cao, nhất là những hộ phía bên ngoài theo tuyến kênh Sơn Phú và Ba Ngàn. Bởi đây là hai tuyến kênh sẽ bị nước mặn từ sông xáng Cái Côn đổ vào. Đặc biệt, qua cập nhật số liệu mặn hàng ngày từ nhóm zalo của Ban chỉ đạo thành phố mà công tác ứng phó mặn rất kịp thời.

Đang mở nắp cống đưa nước từ kênh Sơn Phú trước nhà vào dự trữ trong mương vườn để phục vụ tưới cho hơn 1,5ha vườn cây ăn trái của gia đình khi thấy thủy triều lớn và không có mặn, ông Trương Minh Thông, ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, cho hay: “Vườn cây ăn trái của tôi đa phần là chôm chôm, mít Thái siêu sớm và vú sữa. Trong đó, cây chôm chôm nếu gặp nước mặn 1‰ tưới vào là sẽ bị đỏ lá và gây ảnh hưởng. Do đó, thời gian qua, cũng nhờ ngành chức năng của thành phố, xã Đại Thành thường xuyên thông báo tình hình độ mặn và thời gian nào phù hợp trong việc lấy nước từ kênh vào mương vườn nên vườn cây ăn trái của tôi và bà con nơi đây được bảo vệ an toàn, không bị ảnh hưởng dù độ mặn có lúc đạt đến 2‰, điều rất hiếm xảy ra tại đây”.

Qua rà soát của ngành chức năng, hiện toàn thành phố Ngã Bảy có 248 cống do thành phố quản lý và hàng trăm cống của người dân. Cùng với bà con, để chủ động ngăn mặn hiệu quả, sau khi kiểm tra các nắp cống được đầu tư lâu năm, nay có dấu hiệu hư hỏng nên thành phố đã thuê đơn vị thi công làm mới 200 nắp cống. Dự kiến, đầu tuần tới sẽ hoàn thành và bàn giao cho Phòng Kinh tế thành phố để phân bổ cho các địa phương thực hiện việc thay mới các nắp cống ở những nơi cần thiết.

Ông Trương Văn Chín, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Ngã Bảy, cho biết thêm: Sau hai đợt xâm nhập mặn vừa qua, tuy thành phố không bị ảnh hưởng do chủ động phòng tránh sớm. Tuy nhiên, dự báo trong tháng 3 và tháng 4 tới mới là cao điểm của mùa xâm nhập mặn năm nay. Do đó, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương phát huy tốt những giải pháp trong phòng, chống mặn thời gian qua theo kế hoạch đề ra. Mặt khác, cũng kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải sớm nâng cấp tuyến Quốc lộ 1A, đoạn đi qua địa bàn thành phố Ngã Bảy (giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng) với chiều dài gần 1km. Đây là đoạn đường đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương nâng cấp vì có mặt lộ thấp, thường xuyên bị nước tràn qua mỗi khi triều cường dâng cao. Đặc biệt, trong điều kiện xâm nhập mặn từ hướng Sóc Trăng trong mùa khô năm nay đang diễn ra gay gắt thì càng tạo tâm lý lo lắng về sự ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt cho người dân đang sinh sống ở đoạn đường này…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>