Thiết thực kè sinh thái chống sạt lở

26/08/2019 | 19:33 GMT+7

Với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, mô hình kè sinh thái chống sạt lở được đánh giá cao trong phòng sạt lở, xói mòn đất bờ sông.

Nhiều địa phương đồng thuận việc nhân rộng mô hình kè sinh thái trên cơ sở chọn lựa các tuyến kênh phù hợp để triển khai.

Hiệu quả từ thực tiễn

Từ lâu, cây tràm và cây bần được người dân chọn trồng ven các tuyến sông, kênh, rạch để giữ phù sa, chống xói mòn đất. Với những đặc tính trên, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã nghiên cứu, kết hợp những tính toán khoa học rồi đưa vào thí điểm 3 mô hình kè sinh thái chống sạt lở trên tuyến kênh cấp II, cấp III ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy. Qua đây, mong tìm ra một giải pháp tiết kiệm nhất để phòng sạt lở đất bờ sông thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình đã dần chứng minh được hiệu quả và nhận được sự tin cậy cao từ người dân.

Tại thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, có khoảng 100 hộ dân đang hưởng ứng mô hình này, chủ yếu ở 2 tuyến sông lớn là Búng Tàu và kênh Ngang. Người dân nơi đây cho biết kè sinh thái có chi phí đầu tư thấp, nhưng mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Ông Nguyễn Trường Sanh, ở ấp Tân Phú A2, thị trấn Búng Tàu, chia sẻ: “Khoảng 2 năm trước, tôi có làm mô hình này được 10m, chi phí khoảng 1 triệu đồng tiền múc đất, còn cây tràm được Nhà nước hỗ trợ. Thấy hiệu quả nên tôi triển khai tiếp để bảo vệ đất bờ sông. Giờ đây, đã tạm yên tâm vì phần đất ven bờ sông khá ổn định, cây tràm bên trên đã lớn tạo bóng mát nhìn rất đẹp mắt”.

Nhìn đoạn kè tràm trước nhà, ông Cao Văn Bồi, ở ấp Tân Phú A2, tâm đắc: “Kè mềm này vừa giúp chắn sóng, vừa giúp ổn định đất bờ sông. Nhờ vậy, con lộ bê tông ở trên cũng an toàn hơn. Chứ tuyến kênh Búng Tàu này rộng, phương tiện thủy tải trọng lớn lưu thông nhiều mà không có cách hạn chế sóng đánh vào bờ thì lâu ngày dễ tạo hàm ếch, sạt lở. Trước nhà, tôi có 30m kè, cũng làm lớp bảo vệ bên ngoài rồi bỏ đất vào trồng cây bên trên. Tôi không chỉ trồng tràm, mà còn kết hợp trồng thêm bần, đước, điên điển, thả lục bình bên ngoài để hạn chế sóng lúc cây còn nhỏ. Vài tháng khi điên điển lớn lên mình thu hoạch bán cũng có thêm tiền”.

Ông Trần Thanh Oai, Chủ tịch UBND thị trấn Búng Tàu, cho biết: Người dân địa phương đã triển khai khoảng 2.000m, chủ yếu là hưởng ứng cao điểm trong Chiến dịch Giao thông nông thôn - Thủy lợi và Trồng cây xanh. Lúc mới triển khai, chúng tôi có hướng dẫn bà con làm, dần dần thấy được hiệu quả nên người dân đồng tình hưởng ứng. Thời gian tới, địa phương tiếp tục triển khai ra dân, hướng dẫn kỹ thuật để bà con làm kè trồng cây đạt hiệu quả cao nhất.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, 3 mô hình kè sinh thái chống sạt lở có tổng chiều dài khoảng 380m, toàn bộ kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Đến nay, các điểm kè đã phát huy hiệu quả tích cực. Đơn vị đã tổ chức Hội thảo tại thị xã Ngã Bảy về “Giải pháp chống sạt lở bờ sông, kênh bằng kè sinh thái trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh đưa vào chỉ tiêu trong Chiến dịch Giao thông nông thôn - Thủy lợi và Trồng cây hàng năm được chính quyền các cấp và người dân ủng hộ cao. Cụ thể, năm 2018 xây dựng được trên 25km kè, năm 2019 xây dựng được 143km kè. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy lợi còn kết hợp với Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu đề tài “Giải pháp chống sạt lở bờ sông, kênh bằng kè mềm sinh thái trên địa bàn tỉnh Hậu Giang” nhằm có cơ sở khoa học để tham mưu các cấp nhân rộng mô hình. Dự kiến đầu năm 2020, Chi cục Thủy lợi tỉnh sẽ xây dựng tiếp 1 mô hình khoảng 100m tại huyện Châu Thành.

Ứng dụng phù hợp với từng vùng

Qua khảo sát thực tiễn, tỉnh và các ngành đánh giá 3 ưu điểm chính mà kè sinh thái chống sạt lở mang lại là hạn chế xói mòn, sạt lở đất bờ sông, góp phần vào tỷ lệ che phủ rừng và thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. UBND huyện Phụng Hiệp cũng thống nhất cao với giải pháp kè sinh thái do Chi cục Thủy lợi tỉnh triển khai. Thời gian qua, kè sinh thái được người dân huyện ứng dụng để phòng xói mòn đất bờ sông, tạo môi trường xanh, trong lành. Huyện Phụng Hiệp đã vận động trên 10.000 cây tràm giống hỗ trợ cho bà con. Trong Chiến dịch Giao thông nông thôn - Thủy lợi và Trồng cây năm 2019, huyện đã làm trên 16.000m kè bê tông chống sạt lở, riêng kè sinh thái triển khai gần 40.000m. Qua đây có thể thấy phong trào làm kè, làm thủy lợi ở huyện Phụng Hiệp được người dân đồng tình hưởng ứng. Để nhân rộng mô hình, trước mắt cần tạo phong trào để người dân thấy hiệu quả của cách làm này bảo vệ được đất bờ sông, phát triển kinh tế từ cây trồng ven sông, tạo mầm xanh thân thiện với môi trường.

Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, khẳng định: “Trong giai đoạn biến đổi khí hậu như hiện nay thì việc nghiên cứu đầu tư kè sinh thái rất hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Đồng thời, mô hình rất phù hợp với tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Chúng tôi rất thống nhất về mức độ cây trồng và đồng thuận cao với mô hình kè sinh thái chống sạt lở”.

Còn ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy, cho biết: Mô hình kè sinh thái chống sạt lở được đánh giá cao, bởi chi phí đầu tư thấp, thi công dễ dàng, thân thiện với môi trường. Thị xã Ngã Bảy sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình. Tuy nhiên, việc đầu tư không thể thực hiện tràn lan mà chọn những sông, kênh có bãi bồi, dòng chảy tương đối ít để triển khai đạt hiệu quả cao nhất, không đầu tư các tuyến thuộc khu vực đô thị.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, để công tác phòng sạt lở hiệu quả cần có sự tham gia tích cực từ người dân. Việc đầu tư kè kiên cố thực hiện tại các khu vực đông dân cư, trụ sở UBND các xã, chợ góp phần chỉnh trang đô thị, nhưng tùy khu vực mà có quy mô kè khác nhau. Riêng kè sinh thái thích hợp thực hiện trên các tuyến sông, kênh ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, tùy khu vực có biên độ triều khác nhau, cấp kênh khác nhau, lưu lượng tàu thuyền lưu thông khác nhau mà có tính toán triển khai phù hợp.

Theo ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, kè sinh thái chống sạt lở mang đến rất nhiều hiệu quả thực tiễn. Khi triển khai đúng hướng dẫn, kè giúp chống sạt lở, đặc biệt các tuyến sông, kênh có trục giao thông chính làm góp phần giảm kinh phí duy tu bảo vệ đường, xử lý các điểm đã sạt lở. Môi trường được bảo vệ do diện tích cây xanh tăng lên. Mặt khác, góp phần xây dựng nông thôn mới, tạo điểm nhấn trong cách làm du lịch nông nghiệp. Ổn định thị trường cung ứng vật tư xây dựng; về lâu dài tạo mặt bằng gia cố mái kênh, thuận tiện trong việc nạo vét lòng kênh, vì đa số các tuyến kênh đã bồi lắng nhưng không có mặt bằng thi công. Đặc biệt, giải pháp này có kinh phí rất thấp, huy động được sức dân, có sự tham gia của người dân, có tính xã hội hóa rất cao. Ngân sách chỉ mang tính kích thích định hướng cho việc triển khai mô hình. Riêng người dân sẽ có thêm thu nhập khi tham gia mô hình thu lợi từ cây trồng, chống lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng mô hình kè sinh thái chống sạt lở rất phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 120 của Chính phủ và góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng. Trên cơ sở đã khảo sát 3 mô hình thí điểm, tỉnh khẳng định đối với vùng Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thanh, triển khai kè sinh thái sẽ phát huy hiệu quả tốt, đáp ứng đúng mục tiêu đề ra. Một số tuyến sông lớn ở vùng Ngã Bảy, Châu Thành, cần nghiên cứu giải pháp phù hợp hơn.

Lãnh đạo tỉnh đã đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp Sở Giao thông Vận tải lồng ghép đưa kè sinh thái vào Chiến dịch Giao thông nông thôn - Thủy lợi và Trồng cây xanh hàng năm. Đồng thời, yêu cầu Sở NN&PTNT đề xuất thành lập dự án kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn NGO, trong đó phải chọn nơi làm điểm và mạnh dạn đề xuất mức đầu tư trong cơ cấu nguồn vốn để kêu gọi. Bên cạnh đó, cần lựa chọn điểm triển khai một mô hình từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Việc vận động xã hội hóa thực hiện trong dân sẽ dựa trên cơ sở Nhà nước hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ một phần. Trong quá trình thực hiện, Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương chọn tuyến kênh triển khai cho phù hợp. Sở NN&PTNT chỉ đạo ngành kiểm lâm cùng tham gia thực hiện.

Qua nghiên cứu triển khai thực tế, ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết quy trình thực hiện công trình gồm 6 bước:

Trước tiên, điều tra đỉnh triều thực hiện vào đầu mùa khô vì lúc đó đỉnh triều thấp nhất trong năm.

Sau đó, gia cố 1 hàng cừ tràm, tre bằng vật liệu địa phương, 5 cây/m cách bờ kênh từ 2-3m tùy thuộc vị trí sạt lở; vải địa kỹ thuật, lưới cước có tác dụng giữ phù sa, chắn sóng tàu không ảnh hưởng đến cây trồng khi còn nhỏ; điều kiện cao trình đỉnh cừ gia cố cao hơn đỉnh triều đầu mùa khô từ 0,2-0,3m tùy thuộc vào tải trọng và lưu lượng tàu.

Kế đến, vét đất dưới kênh đắp vào tại nơi gia cố sạt lở; điều kiện cao trình mặt đất đắp thấp hơn đỉnh triều đầu mùa khô từ 0,1-0,2m.

Tiếp theo, trồng tràm chiều cao 0,5-0,6m tại nơi tạo lớp đất đắp, quy cách hàng cách hàng, cây cách cây 0,2m, tràm được tưới mỗi ngày khi đỉnh triều cao nhất, tràm có tác dụng chắn sóng vào bờ và người dân có nguồn thu nhập sau 3-4 năm; sau lớp hàng tràm, người dân trồng các loại cây tạo cảnh quan đẹp góp phần xây dựng nông thôn mới.

Trồng hàng bần 2m/cây cách hàng cừ gia cố khoảng 1,0m. Cây bần có tác dụng làm cho mái kênh ổn định, chống sạt lở đối với vùng có biên độ triều trên 2m; hoặc trồng hàng cây có giá trị kinh tế như: cà na, dừa… vùng có biên độ triều dưới 2m; sau thời gian 3-4 năm thu hoạch cây tràm mang lại thu nhập. Lúc đó cây bần, cà na đã phát triển và sẽ bảo vệ mái kênh và chống sạt lở tốt hơn.

Với quy trình thực hiện trên, hàng cừ tràm gia cố sẽ chắn được sóng của tàu, bảo vệ cây tràm, cây bần, cà na, dừa… lúc mới trồng được phát triển tốt. Sau mùa khô khoảng 6 tháng, lũ về thì đỉnh triều mùa lũ sẽ dâng lên, khi đó các cây trồng phát triển tốt. Khoảng 2-3 năm sau, hàng cừ tràm gia cố sẽ tự hủy, cây trồng bên trên đã đủ khả năng chống sạt lở.

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>