Tăng cường tuyên truyền đến người dân về ý thức bảo vệ môi trường

30/03/2021 | 08:12 GMT+7

Để nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường, thực hiện Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng năm 2030. Phóng viên Báo Hậu Giang đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Kim Diệu (ảnh), Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, xung quanh việc triển khai thực hiện.

Thưa bà, bà nhận định như thế nào về việc thực hiện bảo vệ môi trường trên địa bàn trong thời gian qua ?

- Trong những năm qua, tỉnh Hậu Giang luôn chú trọng phát triển kinh tế - xã hội nhất là trên các lĩnh vực phát triển đô thị, công nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh phát triển kinh tế, vấn đề bảo vệ môi trường luôn được sự chỉ đạo và hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp, công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng, từng bước đi vào nề nếp và đã đạt được những kết quả nhất định.

Mô hình đổi rác thải lấy quà trong trường học đã giúp học sinh nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Một số điểm nổi bật như tính chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ từng bước được nâng lên. Công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng hơn; sự phối hợp giữa các cơ quan, các hội, đoàn thể lồng ghép tuyên truyền vào nội dung các lớp tập huấn, hội thi về môi trường và lồng ghép vào nội dung sinh hoạt định kỳ của hội, đoàn thể đã từng bước làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của cán bộ hội và Nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Nhiều mô hình về bảo vệ môi trường được triển khai xây dựng và mang lại hiệu quả đã góp phần tích cực vào việc từng bước làm thay đổi thói quen, nhận thức của cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường. Mặt khác, nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường cũng được tăng cường, nhất là trong lĩnh vực hiện đại hóa các công cụ quan trắc, giám sát môi trường, công tác đầu tư xử lý khắc phục ô nhiễm môi trường, từ đó giúp cơ quan quản lý chủ động hơn trong quan trắc, dự báo ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện môi trường của tỉnh. Nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường trong thời gian qua đã tạo được sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, huy động được sự tham gia tích cực của người dân trong các hoạt động bảo vệ môi trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần tiếp tục quan tâm, khắc phục trong thời gian tới, cụ thể như tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn còn rất thấp. Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các bãi rác tập trung hiện hữu chưa được giải quyết dứt điểm. Các hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô hộ gia đình vẫn còn tình trạng chăn nuôi chưa phù hợp, xây dựng trái phép trên sông, kênh, rạch và việc xử lý chất thải từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhất là quy mô hộ gia đình chưa được giải quyết triệt để.

Nhiều hộ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Tỷ lệ thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật đạt thấp, chỉ khoảng 3,8% - 4,2% so với khối lượng phát sinh. Bên cạnh đó, cảnh quan môi trường ở cả khu vực đô thị và nông thôn còn chưa được cải thiện đáng kể. Ý thức về vệ sinh môi trường của một bộ phận người dân chưa cao, nhiều điểm tập trung rác tự phát xuất hiện trong cộng đồng dân cư và tình trạng vứt rác bừa bãi (đặc biệt túi ni-lông ở các lề đường, kênh, rạch…) gây mất vẻ mỹ quan, gây tắc nghẽn dòng nước và góp phần gây ô nhiễm môi trường nước mặt.

Thưa bà, việc triển khai thực hiện Đề án Hậu Giang xanh trong năm 2021 ở các nhiệm vụ gì ?

- Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2020. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án trong năm 2021. Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn để triển khai, quán triệt các nội dung đề án cùng các nhiệm vụ, giải pháp thuộc trách nhiệm của địa phương trong việc thực hiện đề án, nhất là các nhiệm vụ trong năm 2021; hướng dẫn, đôn đốc UBND cấp huyện lập nhiệm vụ dự án đầu tư, trong đó đầu tư xe thu gom chất thải rắn sinh hoạt và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; bố trí thùng rác tạo cảnh quan môi trường tại khu vực công cộng; xây dựng bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; trồng bổ sung cây xanh tạo cảnh quan môi trường.

Thực hiện Kế hoạch 23/KH-UBND ngày 01 tháng 2 năm 2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện “Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong năm 2021, theo đó trong năm 2021 bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên được giao trong đề án, các địa phương và các sở, ngành tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được phân công sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh; xây dựng, in ấn và chuyển giao các tài liệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường để tổ chức tuyên truyền trong năm 2021; xây dựng thông điệp, chuyên đề tuyên truyền về bảo vệ môi trường phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang và các địa phương để tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành trong tỉnh; thí điểm các mô hình về phân loại, thu gom vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị và nông thôn.

Đồng thời, thành lập các tổ vệ sinh môi trường để thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại các tuyến đường chưa có xe thu gom rác thải; tham mưu UBND tỉnh xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế chính sách để hỗ trợ cho Tổ vệ sinh môi trường ở địa phương; xây dựng dự án đầu tư xe thu gom chất thải rắn sinh hoạt và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; bố trí thùng rác tạo cảnh quan môi trường tại khu vực công cộng; xây dựng bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; trồng bổ sung cây xanh tạo cảnh quan môi trường; xử lý các điểm tập trung rác tự phát ở các tuyến đường và khu dân cư; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước về lĩnh vực môi trường của các cấp.

Thưa bà, việc thực hiện Đề án Hậu Giang xanh được triển khai thí điểm bằng những mô hình hay là thực hiện rộng rãi ?

- Việc triển khai thực hiện đề án trong năm 2021 đã được cụ thể hóa bằng Kế hoạch 23/KH-UBND ngày 01 tháng 2 năm 2021 của UBND tỉnh với những nội dung, công việc cụ thể gắn với trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở kể cả hộ gia đình, cá nhân nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện đề án được đồng bộ, rộng rãi. Ngoài ra, đề án cũng thí điểm các mô hình phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đề tìm ra mô hình phù hợp, hiệu quả để triển khai, nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Để đạt các chỉ tiêu đề ra thì tỉnh sẽ hỗ trợ cho các địa phương như thế nào trong thực hiện, thưa bà ?

- Để thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra trong đề án, tỉnh sẽ bố trí nguồn lực hỗ trợ các địa phương đầu tư phương tiện, trang thiết bị thu gom rác thải sinh hoạt, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; bố trí thùng rác tạo cảnh quan môi trường tại khu vực công cộng; xây dựng bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; trồng bổ sung cây xanh tạo cảnh quan môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường của địa phương hỗ trợ biên soạn các tài liệu tuyên truyền về thu gom, xử lý rác thải, chất thải trong sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các tổ vệ sinh môi trường để thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại các địa phương nhằm đảm bảo việc duy trì hoạt động hiệu quả của các tổ vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, theo nhiệm vụ được giao các sở, ngành hỗ trợ các địa phương về thực hiện nhiệm vụ liên quan ngành mình quản lý.

Bước đầu thực hiện có những khó khăn nào, thưa bà ?

- Nhìn chung việc triển khai thực hiện đề án bước đầu có nhiều thuận lợi, đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, ngành trong việc triển khai thực hiện cũng như việc bố trí nguồn lực để thực hiện đề án. Tuy nhiên, do đề án mới được triển khai thực hiện, địa phương mới tiếp cận với đề án nên còn gặp lúng túng trong việc triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức triển khai trực tiếp đến các địa phương đồng thời giải đáp rõ những nội dung liên quan đến đề án.

Một trong những mục tiêu của đề án là nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường nhất là đối với việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải sản xuất nông nghiệp. Do vậy, để việc triển khai đề án đạt hiệu quả ngoài sự tham gia của cấp ủy, chính quyền các cấp cần có sự đồng thuận và tham gia tích cực của Nhân dân trong các hoạt động bảo vệ môi trường.

Xin cảm ơn bà !

T.XOÀN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>