Lai tạo giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu: Nỗ lực và thách thức

24/05/2018 | 07:40 GMT+7

Bài 2: Nhiều khúc mắc

Mặc dù việc lai tạo giống lúa chất lượng và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở từng vùng sinh thái tại Hậu Giang trong thời gian qua đang có nhiều khởi sắc, thế nhưng trong quá trình nhân rộng lại gặp nhiều ý kiến trái chiều của người trong cuộc và những khúc mắc khác cần giải tỏa.

Hiện các cơ sở sản xuất lúa giống trong tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu.

Một trong những yếu tố băn khoăn đầu tiên của nhiều nông dân khi muốn canh tác giống lúa mới từ Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hay Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh sau khi tham quan mô hình trình diễn và lựa chọn được một vài loại giống cảm thấy ưng ý nhưng chưa dám trồng trên đất ruộng của gia đình vì lo sản xuất ra không có nơi tiêu thụ hoặc khó bán và bán với giá rẻ vì làm với diện tích nhỏ.

Không ít trở ngại

Ông Hồ Văn Hồng, ở khu vực Bình Hiếu, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Từ trước đến giờ, nông dân thường làm tập thể với một hoặc hai loại giống lúa quen thuộc rồi hợp đồng với thương lái bán. Còn trường hợp canh tác giống mới chỉ có một mình làm thử nghiệm, đến ngày thu hoạch không cùng giống nên sợ thương lái không mua. Trong khi tâm lý của nông dân là khi làm ra sản phẩm thì vấn đề đầu ra là quan trọng nhất. Chính lý do này mà tôi chưa dám lấy giống lúa mới về trồng thử dù khá hài lòng với nhiều loại giống triển vọng từ Trung tâm giống của tỉnh trồng khảo nghiệm”.

Chuyện lo ngại vấn đề đầu ra sản phẩm của người dân là hoàn toàn có cơ sở và đúng với tình hình thực tế hiện nay. Bởi vào đầu năm 2018, Việt Nam đã chính thức gia nhập Khu vực mậu dịch tự do (AFTA) của các nước trong khối ASEAN nên sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt trong xuất và nhập khẩu nhiều mặt hàng, trong đó có lúa gạo. Do đó, để đảm bảo đầu ra thì thời gian gần đây, trước khi xuống giống ở mỗi vụ lúa, ngành chức năng các địa phương thường mời doanh nghiệp và nông dân đến để cùng nhau nắm bắt tâm tư, mong muốn giữa hai bên và quan trọng hơn hết là biết thông tin từ doanh nghiệp về thị trường xuất khẩu gạo trong thời gian tới như thế nào, phía doanh nghiệp cần loại giống gì để cung ứng cho đối tác, từ đó hợp đồng với nông dân để sản xuất ra nguồn lúa theo nhu cầu thị trường nhằm bán được giá cao và dễ tiêu thụ. Chính vì vậy, trường hợp chỉ vài hộ sản xuất giống lúa mới mà không theo nhu cầu thị trường hoặc thị trường chưa biết đến thì sẽ gặp khó khăn khi bán lúa là điều khó tránh khỏi.

Do nông dân sản xuất một loại giống kéo dài và canh tác trên diện rộng nên dễ phát sinh dịch hại.

Ông Dương Quốc Toàn, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, đơn vị thường xuyên hợp đồng thu mua lúa cho nông dân trên địa bàn tỉnh, cho biết: Hầu hết các đơn vị xuất khẩu gạo của Việt Nam xuất sang các nước trên thế giới đều hợp đồng những loại giống quen thuộc trong nhiều năm qua, như: OM 5451, Jasmine 85, OM 4218, OM 4900, IR 50404, RVT… do đã được thị trường chấp nhận trước đó. Nhiều doanh nghiệp rất ngán ngại thu mua giống lúa mới khi thị trường chưa biết đến. Trường hợp nếu muốn chào mẫu hàng giống lúa mới thì mất nhiều thời gian do phía đối tác phải ăn thử xem chất lượng thế nào, rồi kiểm tra chất lượng sản phẩm ở nhiều mức độ tiêu chuẩn khác nhau… và tất cả các khoản chi phí này đều do doanh nghiệp giới thiệu chịu. Việc tốn kinh phí là một chuyện, vấn đề bất cập khác là do mất nhiều thời gian xem xét từ phía đối tác trong khi người nông dân thì sản xuất liên tục nên họ không thể đợi được và đành lấy giống cũ trồng tiếp.       

Ngoài lo vấn đề đầu ra sản phẩm thì theo ông Trương Phú Quốc, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ Nông nghiệp và Thủy sản Thuận Tiến, đơn vị chuyên sản xuất lúa giống với diện tích 36ha, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cho rằng hiện đa phần các giống lúa mới được khảo nghiệm của Viện Lúa ĐBSCL có thời gian sinh trưởng dài ngày, thông thường từ 105-115 ngày mới thu hoạch. Trong khi các giống lúa đang được bà con trồng trong lúc này chỉ có thời gian sinh trưởng từ 90-95 ngày nên rất khó cho những vùng canh tác 3 vụ/năm, vì sạ giống mới sẽ không kịp mùa vụ. Hơn nữa, do giống lúa mới dài ngày nên sẽ gặp khó so với những hộ canh tác giống ngắn ngày ở cặp bên vì thời điểm cần và không cần nước vào ruộng mỗi bên khác nhau.

Từ những vấn đề trên dẫn đến tình trạng nông dân chỉ quanh quẩn sử dụng một hoặc hai loại giống quen thuộc để canh tác trên cánh đồng của mình trong nhiều năm liền. Chính điều này đã dần làm cho nguồn giống bị thoái hóa, khả năng kháng sâu bệnh cũng giảm đi dù bà con sử dụng giống lúa cấp xác nhận. Điển hình như tại huyện Vị Thủy, trong vụ lúa Hè thu đang canh tác, toàn huyện xuống giống được 16.435ha thì có hơn 70% số diện tích này bà con sử dụng giống lúa OM 5451. Từ thực tế này đã đặt ra nhiều lo ngại cho ngành chức năng địa phương về nguy cơ bùng phát dịch hại.

Bà Trần Hồng Tim, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, cho biết: Dù ngành chức năng địa phương luôn tuyên truyền việc nông dân hạn chế sử dụng cùng loại giống trong một thời gian dài, nhưng do nhu cầu thị trường thông qua các hợp đồng của doanh nghiệp mà bà con làm theo. Bởi họ nghĩ rằng, sản xuất cái thị trường cần nên khó ngăn cản được. Tuy nhiên, hệ lụy của tình trạng gieo sạ cùng loại giống trong thời gian dài là sinh vật gây hại luôn diễn biến phức tạp do kháng thuốc. Và điều lo lắng về dịch hại đã và đang xảy ra ở ngay vụ lúa Hè thu này khi tình hình rầy nâu tấn công và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá xuất hiện gây hại trên nhiều diện tích lúa đã làm cho ngành chức năng và nông dân lo lắng. Giải pháp mà ngành thực hiện trong lúc này là thường xuyên mở các lớp tập huấn để hướng dẫn nông dân phòng trừ các loại sinh vật gây hại nhằm bảo vệ tốt năng suất lúa khi thu hoạch.

Nhiều nhưng vẫn thiếu

Hiện nay, tuy trên địa bàn tỉnh có đến 15 cơ sở sản xuất lúa giống nhưng đa phần còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chạy theo thị trường, thiếu các cơ sở sản xuất giống quy mô lớn. Mặt khác, tỉnh cũng có Trung tâm Giống nông nghiệp, nhưng đơn vị chỉ sản xuất được một phần nhỏ nguồn lúa giống tại chỗ, đa phần phải liên kết với một số đơn vị bên ngoài để có hàng giao cho nông dân. Trong khi, Hậu Giang là tỉnh có diện tích đất trồng lúa tương đối lớn của vùng ĐBSCL, với khoảng 200.000 ha/năm. Từ diện tích này thì theo tính toán sơ bộ của ngành chức năng, nhu cầu sử dụng nguồn giống chất lượng hàng năm khoảng 30.000 tấn, trong khi khả năng cung ứng giống xác nhận từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống lúa trên địa bàn tỉnh khoảng 9.000 tấn/năm nên chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Phần còn lại, người dân phải mua tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp, doanh nghiệp sản xuất lúa giống ngoài tỉnh hoặc tự để lúa thịt để làm giống sản xuất. Do hạn chế biết về nguồn gốc, nhất là những hộ để lúa thịt làm giống sẽ phần nào ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng khi thu hoạch vì giống bị lẫn tạp, thoái hóa…

Mặt khác, dù là tỉnh có cây trồng chủ lực là lúa và nhu cầu sử dụng nguồn giống lớn và thời gian qua các ngành chức năng cũng thực hiện không ít giải pháp trong việc lai tạo giống, nhưng qua nhiều năm tỉnh được thành lập, hiện Hậu Giang vẫn chưa có loại giống lúa nào mang thương hiệu đặc trưng riêng của tỉnh được nông dân chọn trồng đại trà như nhiều tỉnh, thành khác của vùng ĐBSCL, như: Sóc Trăng, Bạc Liêu hay An Giang… Ông Trần Hoàng Nho, Giám đốc HTX Danh Tiến, ở ấp 7, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Ngoài thiếu nguồn lúa giống chất lượng cho người dân thì có một vấn đề mà ngành chức năng liên quan đến giống lúa của tỉnh cần nhìn nhận là hiện chúng ta chưa xây dựng được uy tín cao cho lúa giống của tỉnh dù đã có Trung tâm giống và thời gian qua cũng tốn nhiều công sức nghiên cứu, lai tạo. Bởi trên thực tế, cùng một loại giống nhưng người tiêu dùng thường chuộng nguồn giống có xuất xứ từ tỉnh Bạc Liêu mang sang hay một số đơn vị sản xuất giống khác ở ngoài tỉnh chứ ít chọn nguồn giống nội địa dù chất lượng giống của tỉnh ta không thua kém”.

Từ những khúc mắc đang tồn tại liên quan đến giống lúa, hiện nông dân trên địa bàn tỉnh rất cần ngành chức năng có những giải pháp, hướng đi hợp lý hơn trong thời gian tới để ngày càng có nhiều nông dân tiếp cận được nguồn giống chất lượng, thích nghi với biến đổi khí hậu để sản xuất mang lại hiệu quả cao, nhất là vấn đề về xây dựng thương hiệu lúa gạo cho Hậu Giang trong thời kỳ hội nhập.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

---------

Bài 3: Tìm hướng đi phù hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>