Hướng đến một Hậu Giang xanh

19/08/2020 | 08:28 GMT+7

Đây là mục tiêu tỉnh đề ra nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường và nâng cao nhận thức hãy sống trong môi trường trong lành. Đồng thời, để hướng tới một Hậu Giang sáng - xanh - sạch - đẹp, là nơi đáng sống.

Đến năm 2022, phấn đấu 15% hộ gia đình ở nội ô đô thị lớn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

“Khi có sức khỏe ta có ngàn ước mơ. Khi không có sức khỏe, ta chỉ có một ước mơ là sức khỏe”. Đây là những lời truyền đạt của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu đến các với các sở, ban, ngành, địa phương là hãy cùng hành động thật quyết liệt cho công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức của người dân trong việc tạo môi trường sống trong lành, xây dựng Hậu Giang là nơi đáng sống.

Thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hậu Giang đã và đang nỗ lực tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong xây dựng đô thị và nông thôn xanh - sạch - đẹp. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, mặc dù lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản và bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhưng hiện tại công tác quản lý các loại chất thải này trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị là 83% và tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn rất thấp, chỉ khoảng 19%. Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các bãi rác tập trung hiện hữu chưa được giải quyết dứt điểm.

Các hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch, xây dựng trái phép trên sông, kênh, rạch và việc xử lý chất thải từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhất là quy mô hộ gia đình chưa được giải quyết triệt để. Số hộ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản chưa đảm bảo vệ sinh môi trường (theo tiêu chí nông thôn mới) lần lượt là 11% và 35,4%. Tỷ lệ thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật đạt khoảng 3,8-4,2%.

Bên cạnh đó, cảnh quan môi trường ở cả khu vực đô thị và nông thôn còn chưa được cải thiện đáng kể. Ý thức về vệ sinh môi trường của người dân chưa cao. Nhiều điểm tập trung rác tự phát xuất hiện trong cộng đồng dân cư và tình trạng vứt rác bừa bãi gây mất vẻ mỹ quan, gây tắc nghẽn dòng nước, ô nhiễm môi trường nước mặt. Việc xử phạt các hành vi vứt rác bừa bãi cơ bản chưa được thực hiện.

Để khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, đồng thời cải thiện cảnh quan môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng đô thị văn minh tiến tới xây dựng tỉnh Hậu Giang ngày càng “xanh - sạch - đẹp”, tỉnh đang xây dựng “Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là đề án hết sức cần thiết, làm cơ sở để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và phấn đấu 50% hộ gia đình ở nội ô đô thị lớn (thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ) thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Phấn đấu 50% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Đối với chất thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phấn đấu 100% hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Phấn đấu 50% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý đúng quy định. Phấn đấu 100% tuyến đường xã, liên xã được trồng cây xanh. Cải tạo cảnh quan môi trường trụ sở, cơ quan, trường học, công viên, nơi công cộng khác.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện. Theo Công an tỉnh Hậu Giang, thực trạng ở địa phương việc nuôi trồng không phù hợp quy hoạch thì buộc dừng, tuy nhiên để giải quyết thực trạng này rất khó. Đối với xử phạt trong vi phạm về môi trường thì thẩm quyền ở địa phương phạt được hết, nhưng cái gốc của vấn đề bảo vệ môi trường vẫn là ý thức của người dân là chính. Vì vậy, phải tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn môi trường, chung tay bảo vệ môi trường.

Còn theo ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang, tỉnh hãy đánh giá tình hình chăn nuôi trên địa bàn, đặc biệt là chăn nuôi trong các đô thị hiện nay. Bên cạnh đó, đánh giá tình trạng ô nhiễm trên kênh, rạch để có những giải pháp cụ thể, đảm bảo cho công tác bảo vệ môi trường tốt hơn. 

Bà Lê Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, nhận định: Đừng xem rác là một thứ đáng sợ mà hãy xem rác là tài nguyên thì nó sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn. Điển hình phân loại rác hữu cơ thì tiết kiệm rất nhiều trong nông nghiệp, nhất là trong sản xuất phân bón. Mục tiêu hướng đến của xã hội hiện nay trong phát triển theo hướng xanh, bảo vệ môi trường, do đó mục tiêu của tỉnh rất phù hợp với sự phát triển về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để đạt được các chỉ tiêu đề ra cần phải bám sát việc thực hiện các chỉ tiêu song hành với tiến độ thực hiện và hoạt động của nhà máy điện rác.

Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; duy trì và mở rộng thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh. 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Hoàn thành cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường bãi rác Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh và bãi rác Long Mỹ, thị xã Long Mỹ. Phấn đấu 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý đúng quy định.

 

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>