Giải bài toán cấp nước sạch

22/03/2017 | 08:26 GMT+7

Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, Hậu Giang đang đối mặt với sự thiếu hụt nước sạch nghiêm trọng. Vì thế, tỉnh đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc huy động nguồn lực xã hội hóa để từng bước giải quyết bài toán cấp nước sạch cho người dân.

Nhiều hộ dân ở ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, đã được tiếp cận nguồn nước sạch để sinh hoạt hàng ngày.

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tại các khu vực đô thị, cũng như các vùng ngoại thành trên địa bàn Hậu Giang ngày càng lớn. Trong khi đó, tổng công suất của hệ thống cấp nước đô thị của tỉnh hiện chỉ đạt ở mức trung bình hơn 18.000 m3/ngày đêm. Đáng nói là hầu hết các nhà máy cung cấp nước sạch đều hoạt động vượt công suất mới có thể phục vụ tốt cho hơn 31.000 hộ khách hàng.

Trước tình hình đó, để hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng cung cấp nước sạch đô thị, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trước mắt, cũng như lâu dài. Trong đó có việc huy động các nguồn lực xã hội nhằm xây dựng thêm những nhà máy xử lý nước công suất lớn, sử dụng nguồn nước mặt, góp phần giải quyết kịp thời nhu cầu nước sạch sinh hoạt hàng ngày của người dân đô thị và các khu vực lân cận.

Đơn cử như tuyến đường ống dẫn nước sạch đi qua địa bàn ấp 3, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, vừa được Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang lắp đặt hoàn thành. Nhờ vậy mà hàng trăm hộ dân nơi đây đều cảm thấy thỏa mãn được niềm mong ước bấy lâu nay. Chỉ tay xuống dòng kênh xáng Xà No, ông Trần Văn Em, ở ấp 3, xã Vị Tân, chia sẻ: “Nước kênh xáng Xà No đã ô nhiễm lắm rồi. Bởi bao nhiêu rác thải, xác động vật, người dân hầu như đổ thẳng xuống dòng kênh này hết. Thế mà trước đây, do không có nước máy sử dụng nên chúng tôi vẫn phải lấy lên xài. Kể từ ngày có tuyến đường ống dẫn nước sạch đi qua, người dân nơi đây rất vui mừng”. 

Theo ông Em, hơn 10 năm trước, trên địa bàn ấp 3 này đã được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đầu tư trạm cấp nước mini. Những ngày đầu, chất lượng nước tương đối ổn định, nhưng càng về sau, nguồn nước càng kém dần do thường xuyên bị đục. Vì thế, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh tiếp tục vận động người dân hiến thêm đất để nâng công suất hoạt động của trạm. Thế nhưng chủ đất không đồng ý. Mãi đến năm 2014, chủ đất qua đời, dẫn đến không có người trông coi nên trạm đã ngưng hoạt động cho đến nay.

“Thật sự vào thời điểm trạm mini ngưng hoạt động, bà con ai nấy đều rất lúng túng. Hầu như hộ nào cũng ồ ạt khoan giếng để sử dụng, nhưng ngặt nỗi nước giếng khoan nơi đây đều bị nhiễm phèn, không thể xài được. Cho nên, trong các lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều kiến nghị về việc đầu tư nước sạch cho khu vực này. Tuy nhiên, mãi đến hôm nay mới được giải quyết. Bây giờ, các hộ dân đều tranh thủ làm hồ sơ đăng ký lắp đặt đồng hồ để sớm có nước sạch sử dụng”, ông Trần Văn Em cho biết thêm.

Ông Phan Hiền Sỉ, ở ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, đã sử dụng nước máy cách nay 2 tháng, phấn khởi cho biết: “Chỉ mở khóa ra là có nước sạch xài liền nên tiện nghi lắm. Chứ kênh, mương giờ ô nhiễm quá, gia đình tôi đâu dám bơm lên sử dụng nữa. Hồi chưa có nước máy, tuy gia đình có khoan giếng nhưng nước thường bị hôi sình và phèn, nhưng giờ đây chuyện ăn, uống, tắm giặt trong gia đình dễ dàng hơn. Chưa kể là ở các năm trước, do lượng nước mưa dự trữ để nấu ăn, uống không đủ nên gia đình phải mua thêm nước bình lọc, tính ra cũng tiêu tốn hết mấy trăm ngàn đồng trong những tháng mùa khô”. 

Đến nay, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang đã tiến hành hợp tác với 3 nhà đầu tư nâng cấp 3 nhà máy nước ở thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ theo hình thức mua nước qua đồng hồ tổng, với tổng công suất 27.000 m3/ngày đêm. Các nhà máy hiện đã hoàn thành và đều sử dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống là QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế, có tổng mức đầu tư khoảng 200 tỉ đồng.

Ông Quách Minh Hiển, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang, khẳng định: Trước nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao, trong khi nguồn vốn đầu tư của đơn vị còn hạn hẹp thì chủ trương xã hội hóa trong việc cấp nước sạch là rất phù hợp với thực tế hiện nay. Đến thời điểm này, nhà máy nước ở thành phố Vị Thanh đã hoàn tất tuyến ống với chiều dài hơn 25km và đơn vị đang tiến hành lắp đặt đồng hồ cho các hộ dân có nhu cầu. Các nhà máy còn lại cũng trong giai đoạn thi công hoàn thiện các tuyến đường ống dẫn nước sạch để tiếp tục triển khai lắp đặt đồng hồ cho các hộ dân trên tuyến có nhu cầu sử dụng.

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>