Chung tay giảm thiểu chất thải nhựa

21/12/2020 | 21:15 GMT+7

Để đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, tỉnh Hậu Giang đang tăng cường quản lý, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trên địa bàn.

Các địa phương thu gom rác thải bao gói, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đi xử lý.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, thời gian qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 161/LĐCP ngày 25 tháng 4 năm 2019; Công văn số 5539/BTNMT-TCMT ngày 10 tháng 10 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 438/KH-UBND ngày 04 tháng 3 năm 2019 triển khai thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Theo đó, UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương đã phát động phong trào thi đua hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni-lông, nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp về tác hại của chất thải nhựa và túi ni-lông khó phân hủy đối với môi trường và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường đối với từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Huy động sự tham gia của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi ni-lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.

Ông Đào Trọng Ngữ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có 16 đơn vị đăng ký tham gia phong trào, trong đó có 8 đơn vị cấp tỉnh là Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Hội Nông dân tỉnh và 8/8 đơn vị huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh cũng tổ chức hơn 3.000 cuộc phát động, tuyên truyền, tập huấn hoặc lồng ghép triển khai trong ngày pháp luật, các sinh hoạt chuyên đề, cuộc họp cơ quan, đơn vị với sự tham gia của hơn 120.000 lượt người tham dự, nhằm nâng cao nhận thức cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng dân cư, cơ sở, doanh nghiệp về tác hại của chất thải nhựa, túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt, làm thay đổi từ nhận thức thành hành động cụ thể để hạn chế dần việc sử dụng đồ nhựa và túi ni-lông khó phân hủy, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường đối với từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

Những phong trào, mô hình nhằm hạn chế chất thải nhựa, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh là sử dụng cốc thủy tinh, cốc sứ hoặc phích, bình đựng nước dùng nhiều lần khi hội họp, tiếp khách. Tại các cơ quan, đơn vị đều thực hiện phân loại, thu gom rác thải phát sinh tại trụ sở văn phòng làm việc có khả năng tái chế, tái sử dụng nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, vận động gia đình, người thân và mọi người xung quanh cùng tham gia phân loại rác tại nguồn, thu gom rác thải nhựa và hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Một số hoạt động nổi bật như Tỉnh đoàn Hậu Giang tổ chức “Ngày Chủ nhật xanh” với chủ đề “Chống rác thải nhựa”, trên cơ sở đó thực hiện dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải nhựa tại các khu di tích trên địa bàn thành phố Vị Thanh và ở tại huyện, thị xã, thành phố đều định kỳ phát động ra quân làm sạch môi trường, thu gom rác thải nhựa tại khu vực chợ, khu dân cư, các khu vực công cộng khác. Thực hiện phát quang bụi rậm, trồng cây xanh, ra quân xây dựng tuyến đường thanh niên tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh - an toàn.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hỗ trợ 622 thùng rác công cộng phục vụ công tác thu gom rác thải tại các xã xây dựng nông thôn mới. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan cùng các địa phương tổ chức thu gom, phân loại rác thải là bao gói, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các mô hình trong lĩnh vực trồng trọt để hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn. Ngoài ra, triển khai thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường nông thôn. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân duy trì thực hiện hoạt động của đội tình nguyện thu gom vỏ chai, bao thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn, mô hình dùng giỏ xách đi chợ tại các chi hội…

Theo ông Trang Ích Hoa, Chủ tịch UBND phường I, thành phố Vị Thanh, hiện toàn phường có tổng cộng 33 tuyến đường, trong đó có 15 tuyến phố văn minh. Thời gian qua, tập thể phường cùng người dân sinh sống trên địa bàn luôn ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan bằng những việc làm thiết thực. Phong trào ngày Thứ bảy tình nguyện, Chủ nhật xanh luôn được duy trì thực hiện. Hàng tuần, phường cùng các hội, đoàn thể phường đi nhặt rác ở công viên, vỉa hè xung quanh các khu vực của phường để tạo cho bộ mặt đô thị trung tâm luôn sáng - xanh - sạch - đẹp và văn minh. Hiện nay, phường tiếp tục thực hiện các mô hình, những hành động cụ thể nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa một lần, tăng cường nhân rộng mô hình thân thiện với môi trường.

Ông Lý Thanh Phú, công chức Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: Đối với địa bàn khu vực trung tâm thị trấn đều được bố trí thùng rác và được xe thu gom rác. Ở khu vực nông thôn, nơi chưa có xe thu gom thì người dân ngày càng ý thức trong việc bảo vệ môi trường, phân loại rác và xử lý bằng hình thức ủ phân hữu cơ bón phân cho cây, chất thải nhựa thì gom bán ve chai hoặc đốt. Còn các chai lọ, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật thì đem để ở các nhà, bể chứa rác dành riêng cho loại này.

Ông Đào Trọng Ngữ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, cho biết: Để đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, theo nội dung Chỉ thị số 33/CT- TTg ngày 20 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, mới đây UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường quản lý, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch hoặc văn bản chỉ đạo về việc tiếp tục tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý. Trong đó, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm túi ni-lông khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, ly nhựa, chén nhựa. Không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, ly, ống hút, chén nhựa dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác.

Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa. Thường xuyên tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải trong khuôn viên công sở, khu vực, địa bàn quản lý. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức, cá nhân có liên quan phát động thực hiện các phong trào thiết thực và hiệu quả về bảo vệ môi trường, vận động người dân hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện nội dung chỉ thị này...

Từ năm 2019 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã thu gom trên 2.719kg rác thải là bao gói, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và đã chuyển đi xử lý tại nhà máy xi măng INSEE tiêu hủy đạt theo tiêu chuẩn khí thải của châu Âu.

 

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>