Chung tay bảo vệ môi trường

30/03/2021 | 16:51 GMT+7

Việc sản xuất gắn kết với công tác bảo vệ môi trường mỗi ngày được người dân trên địa bàn tỉnh ý thức thực hiện, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Để bảo vệ môi trường, ông Khương (ngồi) đã xây hố pha thuốc theo đúng quy định của ngành nông nghiệp.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc sản xuất sạch để đáp ứng xu thế hiện nay nên người dân trên địa bàn tỉnh đã dần nâng cao ý thức sản xuất là phải đi đôi với công tác bảo vệ môi trường. Ông Phùng Văn Gỡ, Giám đốc Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Hòa Mỹ (HTX), ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, cho biết: HTX có 45 thành viên trồng được 53,22ha mãng cầu xiêm. Hiện nay HTX đã đăng ký để được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Bình quân mỗi ngày HTX cung cấp cho công ty bao tiêu và thị trường 2 tấn trái mãng cầu xiêm. Để sản phẩm trái mãng cầu của HTX trồng bán ra đảm bảo uy tín, chất lượng, điều đầu tiên các thành viên trong HTX thực hiện là áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là chú trọng sản phẩm phải đạt về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, tất cả các thành viên trong HTX Mãng cầu xiêm Hòa Mỹ luôn nhận thức được tác hại của việc sử dụng phân thuốc hóa học trong sản xuất là tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường sống nên trong việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, đều thực hiện theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. HTX có xây hố xử lý chai, lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo cách ly đúng quy định. Gắn sản xuất nông nghiệp với bảo vệ môi trường là mục tiêu mà thành viên trong HTX luôn chung tay thực hiện.

Từ việc ý thức đem lại sức khỏe cho cộng đồng, chung tay bảo vệ môi trường, ông Trần Nìm, ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, đã học hỏi và thành công với mô hình mật ong hương tràm. Đây là sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ông Nìm tâm sự: “Từ một người thợ sửa xe honda, nhưng bản thân rất yêu thích làm việc gì đó giúp người dân vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ thiên nhiên. Từ việc thấy ở Hậu Giang là vùng đất có nhiều vườn cây ăn trái và rừng tràm nên tìm hiểu, học hỏi để đặt tổ ong nhằm khai thác mật từ rừng tràm thiên nhiên. Đây là ong tự nhiên, không phải là ong nuôi, mật ong hương tràm rất có ích cho sức khỏe người dân. Trải qua bao thăng trầm, giờ đây bản thân cảm thấy rất vui vì đã thành công con đường mình chọn, giúp nhiều hộ dân nuôi ong lấy mật bán có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình”.

Còn ông Lê Văn Khương, ở ấp Xẻo Môn, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, chuyên trồng chanh không hạt, qua công tác tuyên truyền trong việc gắn sản xuất nông nghiệp với bảo vệ môi trường nên ông nhận thấy nếu trong sản xuất mà sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học bừa bãi là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Vì vậy, gia đình ông đã xây dựng mô hình trồng theo hướng an toàn, tuân thủ việc xây dựng hố xí tự hoại, hố đốt rác và xử lý vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, xây dựng chỗ pha thuốc đúng quy định.

Theo ngành tài nguyên và môi trường tỉnh, hiện nay tỷ lệ thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh đạt thấp, chỉ khoảng 3,8-4,2% so với khối lượng phát sinh. Ông Trần Văn Xinh, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phụng Hiệp, cho rằng các hố chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn cơ bản đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, hiện việc thu gom của người dân còn mang tính phong trào. Trong khi đó, lực lượng ở các địa phương mỏng nên việc đi gom cũng gặp khó khăn. Do đó, để tạo động lực cũng như nâng cao ý thức người dân trong việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật, đề nghị tỉnh, huyện, các ngành nên quan tâm nghiên cứu có nguồn kinh phí hỗ trợ cho người dân trong việc thu gom hoặc hình thức đổi chai lọ để lấy quà như một số đơn vị đang thực hiện.

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>