Chủ động ứng phó hạn, mặn

05/01/2021 | 19:49 GMT+7

Trước dự báo của cơ quan chuyên môn về tình hình hạn, mặn trong mùa khô năm 2021 tại vùng ĐBSCL (trong đó có tỉnh Hậu Giang) sẽ đến sớm và diễn ra gay gắt nên ngành chức năng tỉnh đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp ứng phó.          

Ngành chức năng tỉnh chủ động kiểm tra hệ thống cống để đảm bảo vận hành tốt trước khi nước mặn về.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam - Bộ NN&PTNT cho biết, dòng chảy mùa khô năm 2020-2021 từ thượng lưu sông Mekong về ĐBSCL có khả năng thuộc năm thủy văn ở mức thấp cực hạn nên tình hình xâm nhập mặn trong mùa mùa khô 2021 tại ĐBSCL thuộc nhóm năm nghiêm trọng. Nhiều khả năng, nước mặn sẽ tấn công sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng và kéo dài, từ đó gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt cho người dân tại nhiều địa phương. Trong đó, đáng lo ngại là vụ lúa Đông xuân 2020-2021 tại ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng do thiếu nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất. Cụ thể, từ tháng 3 đến tháng 5 tới, ở hầu hết các khu vực tại ĐBSCL đều bị ảnh hưởng của tình hình xâm nhập mặn; riêng các vùng chịu ảnh hưởng của thủy triều Biển Tây thì độ mặn biến động phức tạp trên sông Cái Lớn, Cái Bé và ven Biển Tây. Trong đó, từ ngã ba Nước Trong đến thành phố Vị Thanh đều có khả năng bị ảnh hưởng mặn trên 4‰ và vùng Vị Thủy cũng cần đề phòng nguy cơ xâm nhập mặn cuối mùa khô.

Ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, chia sẻ: Nhìn chung, trong tháng 1 này và một phần tháng 2 tới, nguồn nước ngọt vẫn còn thuận lợi để phục vụ cho người dân sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Do đó, ngành chức năng và bà con tại vùng ĐBSCL cần tranh thủ thực hiện các giải pháp trong việc tích nước, trữ ngọt hiệu quả. Dù dự báo tình hình xâm nhập mặn sẽ diễn ra gay gắt từ cuối tháng 2 đến tháng 5 theo từng vùng, tuy nhiên hiện dòng chảy thượng lưu sông Mekong về ĐBSCL đang diễn biến rất phức tạp do có sự chi phối của các hồ chứa thượng lưu. Do đó, nhằm có thông tin kịp thời về mặn xâm nhập, nguồn nước để xây dựng kế hoạch vận hành các cửa cống, các giải pháp chống hạn, mặn hiệu quả thì đề nghị các địa phương vùng ĐBSCL cần thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo nguồn nước của Tổng cục Thủy lợi và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam. Đặc biệt, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó hạn, mặn hiệu quả càng sớm càng tốt.

Xuống giống lúa Đông xuân sớm là một trong những giải pháp ứng phó hạn, mặn được ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện.    

Quán triệt đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Trung ương và trên cơ sở dự báo về tình hình hạn, mặn trong mùa khô năm 2021 sẽ biễn biến phức tạp, gay gắt của cơ quan chuyên môn, hiện tại UBND tỉnh Hậu Giang đã sớm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch phòng, chống hạn, mặn trong thời gian tới tương đương như đợt xâm nhập mặn lịch sử vào năm 2015-2016. Trước mắt, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) từ tỉnh đến cơ sở cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dự báo từ các cơ quan chuyên môn để kịp thời thông tin cho người dân biết nhằm có sự chủ động phòng tránh vào từng thời điểm cho hiệu quả.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Cùng với giải pháp trên thì Hậu Giang còn xây dựng khung lịch thời vụ và khuyến cáo người dân chủ động xuống giống sớm vụ lúa Đông xuân 2020-2021, nhất là tại những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của tình hình hạn, mặn nhằm đề phòng nguy cơ thiếu nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất vào cuối vụ. Cụ thể, hiện nông dân trên địa bàn tỉnh đã gieo sạ hơn 60.000ha lúa Đông xuân (kế hoạch 76.600ha); trong đó 2 địa phương thường bị ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn đã gieo sạ gần dứt điểm là huyện Long Mỹ hơn 16.000ha (tổng diện tích khoảng 17.700ha) và thành phố Vị Thanh hơn 3.700ha (tổng diện tích khoảng 3.900ha). Hiện tại, các trà lúa chủ yếu trong giai đoạn mạ và đẻ nhánh, trong đó có hơn 50ha ở giai đoạn làm đòng. Hiện ngành nông nghiệp các địa phương trong tỉnh đang khuyến cáo người dân sớm xuống giống dứt điểm lúa Đông xuân ở những vùng còn lại để phòng tránh hạn, mặn hiệu quả vào cuối vụ.

Bên cạnh chủ động xuống giống lúa Đông xuân sớm, ngành chức năng và chính quyền địa phương trong tỉnh còn sớm triển khai việc nạo vét kênh, rạch, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn. Mặt khác, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là những công trình giữ ngọt, kiểm soát mặn, hệ thống ống dẫn nước ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Ngoài ra, ngành chức năng các địa phương trong tỉnh cũng đang tích cực hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích nước, trữ ngọt, cũng như sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước ngọt khi vào cao điểm mùa khô.

Ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, thông tin: Để chủ động ứng phó với hạn, mặn khi mùa khô đang đến thì ngoài xây dựng kế hoạch, đề ra những giải pháp ứng phó, địa phương đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, vận hành thử hệ thống cống, đập ngăn mặn để khắc phục, sửa chữa kịp thời những sự cố. Bên cạnh đó, địa phương còn thực hiện nạo vét nhiều tuyến kênh nội đồng và gia cố những tuyến đê bao bị xuống cấp. Trên tinh thần chủ động, quyết liệt, Vị Thủy cố gắng bảo vệ tốt diện tích đất sản xuất nông nghiệp của địa phương không bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn tới đây.

Qua thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện toàn tỉnh có 1.196,3km đê cấp 1, có 2.632km đê cấp 2 và có 3.349km đê cấp 3. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng có 915 vùng thủy lợi khép kín kết hợp với giao thông nông thôn. Bên cạnh các công trình trên, thời gian qua tỉnh Hậu Giang cũng được Trung ương đầu tư nhiều công trình đê bao, cống đập ngăn mặn và đang được ngành chức năng của tỉnh tiến hành kiểm tra, vận hành thử trước khi nước mặn xâm nhập vào. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh cũng lắp đặt được 10 trạm đo mặn tự động đang hoạt động rất hiệu quả. “Từ nhiều giải pháp bằng công trình và phi công trình đã và đang được ngành chức năng tỉnh triển khai để chủ động phòng, chống hạn, mặn thì tin rằng tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân sẽ không bị ảnh hưởng lớn trong mùa khô tới đây để góp phần ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực I cho lĩnh vực nông nghiệp”, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>