Chủ động phòng, tránh thiên tai

13/08/2019 | 17:34 GMT+7

Những tháng đầu năm 2019, thiên tai diễn biến bất thường làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Chủ động phòng, tránh là biện pháp cấp bách được các ngành đặt ra.

Sạt lở đất đang làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhiều người dân ở huyện Châu Thành.

Diễn biến bất thường

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ và các nhà chuyên môn, năm 2019 số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có khả năng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (khoảng 9-11 cơn bão), trong đó khoảng 4-5 cơn bão ảnh hưởng đến nước ta. Vì vậy, người dân cần đề phòng những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động vào các tháng cuối mùa mưa (tháng 10, 11, 12) ảnh hưởng đến khu vực Nam bộ. Đặc biệt chú ý tính bất quy luật của bão sẽ tăng cao vào những tháng giữa và cuối năm, vì khả năng có khoảng 2-3 cơn bão ảnh hưởng đến các tỉnh Nam bộ.

Theo đó, thời kỳ kết thúc mùa mưa năm 2019 vào khoảng nửa đầu tháng 11, tổng lượng mưa dao động từ 1.250-1.450mm. Khi xuất hiện mưa thường kèm theo giông lốc với cường độ lớn cục bộ, xảy ra ở nhiều nơi và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Nền nhiệt độ trung bình trong mùa mưa 2019 cao trung bình nhiều năm từ 1,5-20C. Mực nước trên hệ thống kênh, rạch trong tỉnh biến đổi theo triều và từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 11-2019 ảnh hưởng triều cường biển Đông và lũ trên sông Hậu. Về mùa mưa, lũ đạt đỉnh cao nhất năm xuất hiện vào đầu đến giữa tháng 10-2019, tại trạm Vị Thanh có khả năng từ 0,76-0,8m ở mức xấp xỉ năm 2018; tại thị xã Ngã Bảy 1,55- 1,65m có khả năng xấp xỉ và cao hơn năm 2018. Người dân cần đề phòng các đợt triều cường cuối năm trùng với thời gian gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh, mực nước triều có thể dâng cao bất thường và diễn biến phức tạp.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, cho biết: Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh xảy ra 43 điểm sạt lở ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy, tăng 23 điểm so với cùng kỳ năm 2018. Chiều dài sạt lở 1.037m, diện tích mất đất bờ sông 5.184m2, ước thiệt hại 2,23 tỉ đồng, tăng 658 triệu đồng so với năm 2018. Bên cạnh đó, giông lốc còn làm sập, tốc mái 197 căn nhà dân và phòng học ở các địa phương trong tỉnh, gây thiệt hại hơn 2,18 tỉ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các địa phương đã xuống hiện trường phối hợp UBND cấp xã, cùng các lực lượng, đoàn thể, bộ phận chuyên môn tham gia với người dân khắc phục, dọn dẹp, hỗ trợ hộ dân bị thiệt hại ổn định cuộc sống.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, thực tế ngay từ những tháng đầu năm 2019, thiên tai bất thường, cực đoan tiếp tục xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới. Ở nước ta, ngay từ đầu năm bão số 1 đã xuất hiện đi vào Nam biển Đông và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của Nhân dân khu vực ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Và mới đây là bão số 3 gây ảnh hưởng nặng nề đến người, tài sản của người dân trong cả nước. Hiện tượng mưa đá, giông lốc xảy ra tại các khu vực trên cả nước và mưa lớn, lũ, lũ quét tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đã gây thiệt hại người và tài sản. Ngoài ra, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụp lún đất vẫn đang diễn ra ngày một trầm trọng hơn, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, rủi ro thiên tai có xu thế gia tăng do khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhất là lĩnh vực đê điều, hồ chứa, giao thông nhiều khu vực trong cả nước còn ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Phát triển đô thị, du lịch, sử dụng đất lấn chiếm lòng sông, bãi sông, khu vực ven biển, cửa sông... gây cản trở thoát lũ. Quy mô dân số và giá trị nền kinh tế của đất nước ngày càng lớn, đặt ra yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an toàn trước thiên tai ngày càng cao và nặng nề hơn. Hậu quả thiên tai trong những năm vừa qua để lại còn rất nặng nề, việc khắc phục cần nhiều thời gian và nguồn lực, nguy cơ phải tiếp tục đối mặt với các trận thiên tai mới ngày càng cao.

Chủ động phòng tránh

Để chủ động với công tác phòng, tránh thiên tai, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho rằng cần tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn của các ban, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố để đảm bảo cho công tác sẵn sàng chỉ đạo, chỉ huy từ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả và tái thiết được chủ động, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả, nhất là các thành viên được phân công địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với lực lượng tham mưu chỉ đạo cho Ban Chỉ huy của các ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố, đảm bảo tính chuyên nghiệp, luôn sẵn sàng ứng trực, kịp thời với các tình huống thiên tai có thể xảy ra để ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả nhất. Rà soát hệ thống truyền tin, thông tin liên lạc, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống thiên tai; thông tin kịp thời tới các địa phương, tổ chức, người dân trong vùng thiên tai về diễn biến, giải pháp ứng phó, nhất là thông tin tới người dân vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Tăng cường công tác tập huấn, hội thảo về công tác phòng chống thiên tai ở các cấp cơ sở cho lực lượng nòng cốt, khi xảy ra thiên tai thì lực lượng này là người trực tiếp cứu hộ, cứu nạn, khắc phục thiên tai giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, sẽ chỉ đạo các địa phương kiên quyết tháo dỡ chà, nò, vật cản trên sông, kênh, rạch đảm bảo thoát lũ nhanh, theo dõi thường xuyên diễn biến sạt lở các khu vực ven sông, nhất là ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy và các trục tuyến kênh lớn như: Mái Dầm, Cái Côn, Ba Láng, Xà No, khu vực Cầu Trắng thuộc xã Tân Long, kênh Quản Lộ Phụng Hiệp, kênh Mang Cá… kịp thời cảnh báo cho người dân biết để chủ động đối phó và di dời những hộ dân đang sống ở vùng nguy hiểm đến nơi ở mới an toàn. Trường hợp chưa tổ chức tái định cư lâu dài cho người dân vùng nguy cơ sạt lở thì phải có phương án cụ thể, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện việc sơ tán dân khi có dấu hiệu xảy ra sạt lở. Đối với các huyện đầu nguồn Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy phải có kế hoạch đối phó với triều cường lũ lớn kéo dài nhiều ngày, phải có phương án sơ tán dân, chuẩn bị phương tiện chống lũ, phương tiện cứu hộ, cứu nạn… khẩn trương nâng cấp, sửa chữa ngay công trình thiết yếu để sẵn sàng đối phó với bão, lũ và triều cường năm 2019. Đối với huyện Vị Thủy, Long Mỹ, thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh phải có kế hoạch khai thông dòng chảy ở tất cả các tuyến kênh để tiêu thoát lũ và ngập úng...

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết: Để chủ động đối phó với tình huống thiên tai thường xuyên xảy ra, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh kiểm tra, theo dõi các điểm xung yếu về sạt lở trên các tuyến kênh, sông và cắm biển cảnh báo để người dân và phương tiện qua lại an toàn. Tổ chức kiểm tra, kịp thời xử lý những hư hỏng hệ thống đê bao, bờ bao đảm bảo cho diện tích lúa, hoa màu, vườn cây ăn trái. Khuyến cáo người dân bồi trúc bờ bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây xung quanh nhà để đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, UBND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện, thị xã, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định, họp giao ban Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh để kịp thời nắm bắt thông tin hai chiều giúp cho lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp và Nhân dân kịp thời ứng phó với thiên tai. Có kế hoạch chỉ đạo ngay từ đầu chi tiết, đầy đủ, kịp thời để ứng phó có hiệu quả khi có tình huống bão đổ bộ vào tỉnh Hậu Giang. Đảm bảo tốt việc chằng chống nhà cửa, hầm trú ẩn tại chỗ và có phương án sơ tán dân tránh bão một cách an toàn trước khi bão đổ bộ vào. Đồng thời, kiểm tra và kiện toàn trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trang thiết bị thông tin liên lạc từ tỉnh xuống cơ sở và dự trù kinh phí phục vụ cho công tác chỉ đạo, kiểm tra khắc phục hậu quả thiên tai trong suốt mùa mưa lũ, bão năm 2019.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay hơn 4,4 tỉ đồng. Trong đó, thiệt hại ban đầu do bão số 3 gần 1,9 tỉ đồng, với 174 căn nhà sập, tốc mái và 5 phòng học, cùng hàng trăm héc-ta lúa bị đổ ngã.

 

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>