Chật vật chống chọi bão số 2

03/08/2020 | 20:06 GMT+7

Nhiều ngôi nhà bị tốc mái và sập hoàn toàn, nhiều diện tích lúa Thu đông mới gieo sạ bị chết giống, lúa Hè thu trong giai đoạn thu hoạch bị đổ ngã,... là tình cảnh mà người dân trên địa bàn tỉnh đang đối mặt do ảnh hưởng của cơn bão số 2 trong những ngày qua.

Các địa phương vận dụng phương châm “4 tại chỗ” nhanh chóng hỗ trợ người dân khắc phục sự cố do bão số 2 gây ra.

Ảnh hưởng nặng đến sản xuất lúa

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 nên nhiều ngày qua trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa lớn kèm theo giông lốc kéo dài liên tục vào ban ngày và ban đêm đã gây ra không ít thiệt hại cho người trồng lúa. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều cánh đồng lúa Thu đông từ mới gieo đến dưới 10 ngày tuổi của nông dân đang chịu ảnh hưởng khá nặng, trong đó có ruộng bị thiệt hại hoàn toàn. Có mặt tại cánh đồng lúa Thu đông mới xuống giống ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, nhiều nông dân tỏ ra vô vọng cho ruộng lúa của mình vừa gieo sạ gặp đúng mưa liên tục làm lúa chết giống hàng loạt.

Mưa dầm làm ngập nước và ảnh hưởng nhiều diện tích lúa Thu đông mới xuống giống.

Chỉ tay ra 1,5ha ruộng lúa của gia đình phía sau nhà, ông Nguyễn Hữu Thanh, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, buồn bã cho biết: “Dù lúa đã gieo sạ được 4 ngày nhưng giờ nhìn ra đồng chỉ thấy toàn là màu trắng của nước chứ không thấy cây lúa nào. Bởi từ khi xuống giống đến nay, cả ngày lẫn đêm đều có mưa dầm xối xả. Ban đầu, tôi và bà con còn lấy máy bơm rút nước trong ruộng ra ngoài để cứu lúa, thế nhưng trước tình hình mưa lớn liên tục như những ngày qua nên bà con đã “thất thủ” vì nước ngập cả bờ mẫu và đành buông xuôi”. Có gần 1ha ruộng cặp ranh ông Thanh, ông Nguyễn Văn Vàng tiếp lời: “Với tình cảnh này thì coi như lúa đã bị chết hoàn toàn và mức thiệt hại về lúa giống của riêng gia đình tôi trong đợt gieo sạ vừa qua là hơn 2 triệu đồng. Hiện tôi và bà con chờ thời tiết nắng trở lại sẽ tiến hành gieo sạ đợt 2”.

Không chỉ có lúa mới xuống giống bị ảnh hưởng mà nhiều diện tích lúa Thu đông tuy được gieo sạ hơn 10 ngày nhưng do mưa dầm, nước dâng cao cũng làm chết loang lổ khá nhiều. Đang khẩn trương bơm rút nước cho gần 1ha lúa Thu đông của gia đình, ông Nguyễn Văn Quới, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, thông tin: “Mấy ngày qua, mưa khá lớn nên chiếc máy dầu luôn túc trực bơm rút nước từ trên ruộng ra ngoài cả ngày lẫn đêm mà vẫn không kịp. Có trận mưa xong nước dâng cao làm ngập cả đọt lúa. Tuy lúc mới sạ lúa lên rất đều nhưng do ảnh hưởng của mưa dầm đã làm cho lúa chết mạ khá nhiều. Hy vọng, thời tiết bớt mưa để bà con nhẹ lo lắng”.

Mưa dầm không chỉ ảnh hưởng và gây thiệt hại cho lúa Thu đông mà có không ít diện tích lúa Hè thu cuối vụ đang trong giai đoạn thu hoạch cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Có tâm trạng như đang ngồi trên đống lửa khi gần 2ha lúa Hè thu của gia đình chuẩn bị thu hoạch nhưng đã bị sập hoàn toàn gần 50% do mưa dầm kèm theo gió mạnh trong những ngày qua, ông Nguyễn Kiên Cường, ở ấp  3, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cho hay: “Theo hợp đồng thì ngày 2-8 vừa qua sẽ tiến hành cắt lúa. Thế nhưng, do mưa dầm nên cả cánh đồng đang chờ và không biết đến lúc nào mới thu hoạch lúa được. Điều lo lắng trong lúc này là đã có nhiều mảnh ruộng của bà con đã bị sập, bông lúa nằm trong nước nên không biết có ảnh hưởng đến giá bán không, nhưng về năng suất thì ít nhiều đã bị giảm. Mặt khác, do nước mưa ngập lên gần bông lúa nên bà con đang tích cực bơm rút nước để việc thu hoạch tới đây được thuận tiện và có thể cắt lúa bằng máy, chứ chuyển sang thu hoạch bằng tay thì khó khăn sẽ chồng chất”.

Ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, đến ngày 3-8, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 65.000ha lúa Hè thu trong tổng số 77.339ha đã xuống giống. Những diện tích lúa chưa thu hoạch còn nhiều tập trung ở huyện Long Mỹ (hơn 8.000ha), huyện Phụng Hiệp (gần 2.500ha) và thị xã Long Mỹ (gần 1.500ha). Riêng lúa Thu đông đã xuống giống hơn 35.000ha, đặc biệt trong số này có hơn 11.300ha trong giai đoạn mạ nên khả năng bị ảnh hưởng và thiệt hại do mưa dầm trong những ngày qua là rất cao. Dù chưa có số liệu cụ thể và ngành chức năng các địa phương đang tích cực thống kê, thế nhưng theo ghi nhận tại nhiều cánh đồng trồng lúa trên địa bàn tỉnh, mưa dầm kèm theo giông lốc trong những ngày qua đã gây ra nhiều ảnh hưởng và thiệt hại cho bà con; riêng diện tích rau màu và cây ăn trái thì chưa ghi nhận thiệt hại.

Theo báo cáo nhanh của Phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, hiện toàn huyện có hơn 125ha lúa Hè thu trong giai đoạn thu hoạch bị đổ ngã do mưa dầm, với tỷ lệ đổ ngã từ 30-50% trên cùng diện tích, ước thiệt hại về năng suất từ 5-10%; riêng lúa Thu đông mới gieo sạ bị ngập úng là hơn 585ha, tập trung ở xã Vĩnh Thuận Đông, Vĩnh Viễn A, Lương Nghĩa, Lương Tâm… Ông Trần Hoài Nhân, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ, cho hay: Hiện các diện tích lúa Thu đông bị ngập úng được bà con tích cực bơm rút nước nên chưa ước được thiệt hại. Đơn vị tiếp tục rà soát tình hình ảnh hưởng và thiệt hại trên lúa, hoa màu, cây ăn trái do mưa dầm để báo cáo về trên nhằm có sự chỉ đạo kịp thời…

Nhiều nhà bị sập, tốc mái

Ngoài ảnh hưởng, thiệt hại trong sản xuất lúa thì từ ngày 1 đến sáng ngày 3-8, mưa giông kèm theo lốc xoáy, gió giật mạnh đã làm nhiều căn nhà trên địa bàn tỉnh bị sập, tốc mái. Sau cơn giông lốc vào khoảng 17 giờ ngày 2-8, căn nhà của bà Phan Thị Nhiên, ở khu vực 3, phường III, thành phố Vị Thanh, bị sập hoàn toàn. Trước tình cảnh này, bà Nhiên và 3 thành viên còn lại trong gia đình phải sang ở nhờ nhà người con gái cũng vừa bị tốc một phần mái tôn. Đến sáng ngày 3-8, chính quyền địa phương đến thăm hỏi gia đình, bố trí lực lượng dân quân tự vệ hỗ trợ khắc phục bước đầu. “Lúc đó giông gió ào ào, may là con người đều an toàn. Sự cố xảy ra đột ngột nên tôi chưa biết phải tính sao, bởi hoàn cảnh khó khăn phải đi phụ bán quán cơm ngoài thành phố Vị Thanh. Rất mong có được nguồn hỗ trợ để cất lại căn nhà tạm che nắng, che mưa”, bà Nhiên buồn bã nói.

Tính đến 9 giờ sáng ngày 3-8, cơn bão số 2 đã làm sập 38 căn nhà, tốc mái 156 căn, ước thiệt hại trên 2,4 tỉ đồng.

Có mặt để chỉ đạo lực lượng hỗ trợ người dân vào sáng ngày 3-8, bà Nguyễn Thị Hồng Như, Bí thư - Chủ tịch UBND phường III, thành phố Vị Thanh, thông tin: Ghi nhận đến sáng 3-8, phường III có 4 căn nhà bị sập, tốc mái 2 căn, cây ngã trên tuyến đường Nguyễn Viết Xuân, Trần Ngọc Quế… UBND phường III đã huy động lực lượng đến xử lý 4 tại chỗ giúp dân nhanh chóng khắc phục hậu quả. Đồng thời, báo cáo về Ban chỉ huy thành phố Vị Thanh để có phương án hỗ trợ tiếp cho bà con.

Tính đến 9 giờ sáng ngày 3-8, thành phố Vị Thanh có 5 căn nhà sập hoàn toàn, tốc mái 24 căn nhà và bị thương nhẹ 1 người; ước thiệt hại 385 triệu đồng. Thiên tai cũng gây ảnh hưởng nặng ở các huyện, thị xã khác. Cụ thể, huyện Long Mỹ có 7 căn nhà sập, tốc mái 25 căn; thành phố Ngã Bảy sập hoàn toàn 5 căn nhà, tốc mái 21 căn, 1 người bị thương; huyện Vị Thủy sập 3 căn, tốc mái 9 căn; thị xã Long Mỹ sập hoàn toàn 6 căn, tốc mái 13 căn; huyện Châu Thành A, tốc mái 9 căn nhà, huyện Phụng Hiệp có tới 12 căn nhà sập hoàn toàn, tốc mái 59 căn. Con số thiệt hại do bão số 2 gây ra có khả năng sẽ còn tăng.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, thông tin: Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện đã sớm cử lực lượng chức năng xuống hỗ trợ người dân khắc phục bước đầu. Cũng trong sáng ngày 3-8, huyện bố trí 3 đoàn công tác đến hỗ trợ tiền và gạo cho người dân. Mỗi hộ được hỗ trợ 15kg gạo; các trường hợp nhà sập và tốc mái được hỗ trợ 15-20 triệu đồng.

Còn tại thành phố Ngã Bảy, ngay khi nhận thông tin dù vào ban ngày hay trong đêm, Ban chỉ huy PCTT-TKCN thành phố đều chỉ đạo lực lượng chức năng có mặt hỗ trợ người dân. Riêng 1 trường hợp bị thương nhẹ ở chân đã sớm được đưa đến trạm y tế sơ cứu. Ông Trần Thanh Toàn, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, thông tin: Tính đến 9 giờ sáng ngày 3-8, cơn bão số 2 đã làm sập 38 căn nhà, tốc mái 156 căn, ước thiệt hại trên 2,4 tỉ đồng. Ban chỉ huy các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đang tiếp tục kiểm tra, rà soát thiệt hại do cơn bão số 2 gây ra. UBND các xã có nhà sập và nhà tốc mái tổ chức điều động lực lượng xung kích, dân quân tự vệ, công an và các đoàn thể cùng với người dân khắc phục, dọn dẹp, hỗ trợ người bị thiệt hại. Ban chỉ huy các huyện, thị xã, thành phố đang tổ chức trực ban 24/24, kiểm tra, rà soát tổng hợp thiệt hại báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy tỉnh...

Bài, ảnh: H.PHƯỚC - N.HẰNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>