Ngành y tế chủ động cho Giải Mekong delta marathon

17/04/2019 | 09:10 GMT+7

Ngành y tế đã có những định hướng, kế hoạch phục vụ cụ thể, nhằm góp phần giúp Giải Mekong delta marathon tỉnh Hậu Giang năm 2019 diễn ra chu đáo, chất lượng và an toàn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi nhanh với ông Trương Văn Khanh (ảnh), Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang.

Thưa ông, để công tác phục vụ Giải Mekong delta marathon tỉnh Hậu Giang năm 2019 được hiệu quả, ngành y tế đã có sự chuẩn bị gì ?

- Ngay từ khi nhận được sự chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tổ chức Giải Mekong delta marathon, chúng tôi đã tiến hành xây dựng kế hoạch liên quan đến vấn đề bảo vệ sức khỏe và an toàn vệ sinh thực phẩm tại giải. Giải lần này mang tầm vóc sự kiện thể thao quan trọng của tỉnh, ngoài việc thi đấu còn là cơ hội giới thiệu phong cảnh, con người và văn hóa Hậu Giang đến với khách mời, vận động viên trong nước, quốc tế. Do đó, mục tiêu mà ngành y tế đề ra là cần đảm bảo sức khỏe cho khách mời và các vận động viên tham dự sự kiện, sẵn sàng đáp ứng khi có tai nạn, thương tích xảy ra.

Chúng tôi bám sát với lịch trình cụ thể của giải, tập trung vào cuộc quyết liệt từ trưa ngày 19 đến trưa 21-4. Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc theo sự bố trí của ban tổ chức, nhu cầu chăm sóc y tế được triển khai tại các địa điểm như làng vận động viên, khu lễ hội, 10 điểm dọc theo cung đường chạy các cự ly (6 điểm thuộc thành phố Vị Thanh, 3 điểm huyện Vị Thủy và 1 điểm của huyện Long Mỹ).

Xin ông cho biết, với các cung đường chạy khá dài và di chuyển qua nhiều tuyến lộ nông thôn, ngành y tế sẽ bố trí nguồn nhân lực, hệ thống xe cứu thương ra sao để phục vụ tốt hơn ?

- Về phương tiện y tế, chúng tôi sẽ bố trí 5 xe cứu thương. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa tỉnh bố trí 2 chiếc (1 chiếc túc trực tại làng vận động viên và khu lễ hội, 1 dự phòng sẵn sàng ứng cứu khi có nhu cầu). Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh bố trí 1 chiếc, phục vụ cơ động điểm tại Công ty Lương thực thuộc phường VII; Trung tâm Y tế huyện Vị Thủy 1 chiếc, phục vụ cơ động tại chợ Vịnh Chèo; Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ 1 chiếc (dự phòng).

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho vận động viên trong quá trình thi đấu, mỗi xe cứu thương được xem là một tổ cấp cứu lưu động, gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Tổ cấp cứu có nhiệm vụ chuẩn bị đủ cơ số thuốc cấp cứu và phương tiện cấp cứu để đảm bảo chăm sóc tốt sức khỏe ban tổ chức, vận động viên; cơ động cấp cứu trên các cung đường chạy khi có yêu cầu từ Ban tổ chức. Ở mỗi trạm dừng, chúng tôi cũng bố trí 1 y sĩ và 1 điều dưỡng với đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu như thuốc uống, tiêm, dịch truyền, bông băng, gòn gạc,…

 Đồng thời, chúng tôi cũng cung cấp số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế và các bệnh viện, trung tâm y tế phụ trách trực tiếp để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Riêng công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và ngăn ngừa dịch bệnh của giải được thực hiện ra sao, thưa ông ?

- Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm được chúng tôi quan tâm siết chặt, bởi đây là yếu tố vô cùng quan trọng. Do đó, Sở Y tế giao nhiệm vụ cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp với Sở Công thương tiến hành kiểm tra, giám sát lấy mẫu và lưu mẫu các cơ sở cung cấp thực phẩm cho đoàn khách và vận động viên. Nhằm giúp công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được phát huy tối đa hiệu quả trước, trong và sau thi đấu; tránh những tác nhân gây ảnh hưởng sức khỏe; phòng ngừa kịp thời các trường hợp xảy ra ngoài ý muốn.

Bên cạnh đó, chúng tôi giao cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiến hành khảo sát và phun thuốc diệt muỗi, diệt côn trùng tại khu vực làng vận động viên (Công viên Chiến Thắng) và khu vực lễ hội (Quảng trường Hòa Bình) trước ngày 19-4 để phòng ngừa dịch bệnh.

Xin cảm ơn ông !

HỒNG NHUNG thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>