Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp gương mẫu

27/06/2018 | 09:21 GMT+7

“Gương mẫu, vui vẻ, nhiệt tình, trách nhiệm” là cụm từ quen thuộc mà người dân địa phương nói về ông Lâm Khem, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ.

Ông Lâm Khem (phải) tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Là nông dân với chữ nghĩa “chưa đầy đấu”, nhưng 20 năm trước, ông Lâm Khem đã dám bỏ ra 3 chỉ vàng để mua đất cất trường. Nhìn ngôi trường đã cũ nhưng nhắc người dân nhớ một điều luôn mới là: “Của cải rồi cũng sẽ mất đi, chỉ có học, có tri thức mới tạo ra của cải suốt đời”.

Bởi 20 năm sau, cả 4 người con của ông Khem đều tốt nghiệp đại học. Ngoài ra, suy nghĩ cùng hành động của ông đã truyền cảm hứng cho cộng đồng dân tộc Khmer ở ấp 10 và từng bước “biến” nơi đây trở thành “làng đại học” nức tiếng gần xa.

Ấp 10 có 3 dân tộc sinh sống là Kinh, Hoa, Khmer, trong đó hộ đồng bào dân tộc Khmer chiếm 70%. Noi gương Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp, mọi gia đình coi trọng hơn việc chăm lo cái chữ cho con em mình. Cho nên trong số 630 hộ dân của ấp, hiện đã có 132 hộ lo cho con em học hết đại học, 87 hộ tham gia câu lạc bộ gia đình hiếu học.

Tốt nghiệp đại học y dược, chị Lâm Kim Liễu, con gái lớn của ông Khem quyết định ở lại Trạm Y tế xã Lương Nghĩa phụ trách việc cấp phát thuốc và trông coi cơ sở vật chất nơi đây. Với chị, được góp một công sức nhỏ cho ấp nghèo đã là một niềm vui. Chị Liễu tâm sự: “Được sự quan tâm của cha mẹ nên chúng tôi phải cố gắng hết sức để học tập thật giỏi và trở về phục vụ quê hương”.

Gia cảnh bà Thị Cụ khá neo đơn, chồng bà mất sớm, đất đai chỉ có vài công nhưng có tới 8 người con. Tuy vậy, bà đã cật lực trồng lúa, rau màu để có tiền lo cho con cái đến trường. Đáp lại tình yêu của mẹ, lần lượt 3 người con của bà Thị Cụ vào đại học, 2 người học trung cấp, 3 người còn lại cũng tốt nghiệp THPT và phấn đấu có việc làm ổn định.

Gia đình bà là một trong những thành viên tích cực của Câu lạc bộ “Gia đình hiếu học” được thành lập cách đây 13 năm, do ông Lâm Khem làm chủ nhiệm. Bà Thị Cụ nói: “Gia đình tôi luôn được sự động viên nhiều thứ từ ông Lâm Khem. Cũng nhờ ổng mà giờ đây gia đình tui đã thoát nghèo”.

Ông Lâm Khem cho hay: “Tôi suy nghĩ chỉ cho con em mình đi học có cái nghề thì mới có cơ hội thoát nghèo. Từ năm 2005, chúng tôi đã thành lập CLB “Gia đình hiếu học”, lúc đó chỉ có 30 thành viên, đến nay đã có 87 thành viên vào câu lạc bộ. Nếu muốn tham gia câu lạc bộ này thì gia đình đó phải có từ 2 con học đại học trở lên”.

Hộ bà Thị Mỹ Vinh trước đây nghèo nhất ấp 10. Không cục đất chọi chim, vợ chồng làm mướn kiếm ăn từng bữa. Vậy mà nghe lời ông Lâm Khem, bà làm gan cho hết thảy 4 đứa con ăn học đàng hoàng.

Chỉ tay về bầy ngỗng bà nói: “Tui cưng chúng nó hơn trứng mỏng, vì phải trông cậy vào chúng nó để nuôi đứa con gái út đang học năm cuối ở đại học Cần Thơ. Nhà tôi bây giờ có kỹ sư, tôi biết ơn anh Lâm Khem nhiều lắm. Dù ổng không giúp của mà giúp lời đã là rất quý”.

Nhiệt huyết từ ông Lâm Khem đã được truyền lại cho các gia đình trong ấp. Không những tiếng thơm “làng, ấp đại học” vang xa mà hầu như các hoạt động công ích đều được ông Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 10 hưởng ứng tích cực.

Hễ gặp tuyến lộ nào bị hư hay khó đi là ông Khem vận động bà con sửa ngay. Chưa kể, quanh quẩn trong xóm, lắng nghe từ mỗi nóc gia, ông tìm cách hòa giải những bất hòa để cuộc sống mỗi gia đình và chòm xóm đầm ấm hơn. Chỉ tính năm 2017, ông hòa giải thành công 16 trong số 18 vụ việc trong ấp với đủ nghĩa và tình.

Ông Danh Hà, chia sẻ: “Trước đây do cuộc sống nghèo khổ, túng quẩn, lại thêm bản thân rượu chè nên gia đình xào xáo, thậm chí tính chuyện ly hôn. Cũng nhờ chú Khem tới lui khuyên răn, phân tích cặn kẽ mà vợ chồng chúng tôi hòa thuận trở lại cho đến hôm nay”.

Còn bà Danh Thị Nhung bộc bạch: “Chúng tôi thường được chú Khem tuyên truyền, vận động chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Hy vọng chú luôn có sức khỏe để gắn bó cùng bà con chúng tôi, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của địa phương”.

Ông Lê Thanh Tồn, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Lương Nghĩa, nhận xét: “Sự góp sức của đồng chí Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 10 và sự đồng thuận của bà con đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn Lương Nghĩa dần thay đổi. Đó là nhờ đời sống của bà con chuyển biến rõ rệt, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ở đây ngày một tốt hơn, đặc biệt sự học hành của con em rất phát triển”.

72 tuổi đời, hơn 20 năm gắn bó với những công việc không tên của ấp nghèo, kinh nghiệm quý mà ông Lâm Khem mong muốn truyền lại đó là, khi làm công tác mặt trận ở khu dân cư chính là phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân và vận động Nhân dân đoàn kết, vượt qua nghèo khó, góp phần xây dựng quê hương.

Bài, ảnh: TUYẾT AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>