Phản biện xã hội: Hiệu quả và những vấn đề đặt ra

16/11/2020 | 18:00 GMT+7

Phản biện xã hội theo Quyết định 217 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (Quyết định 217) được xem là công cụ, kênh thông tin quan trọng và không thể thiếu giúp cấp ủy, chính quyền đưa ra các chính sách, đề án, phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, hợp lòng dân.

Những năm qua, Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã nỗ lực thực hiện công tác phản biện xã hội và đạt kết quả bước đầu. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này còn những khó khăn, hạn chế.

Quang cảnh một hội nghị phản biện do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức.

Bài 1: Phản biện giúp hoàn thiện chính sách, kế hoạch phát triển

Những năm đầu triển khai thực hiện Quyết định 217, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp còn khá bỡ ngỡ với công tác phản biện xã hội nhưng thời gian gần đây có nhiều khởi sắc khi Mặt trận các cấp đã tự tin, mạnh dạn tổ chức phản biện xã hội hiệu quả cả về số lượng lẫn chất lượng.

Phản biện xã hội có 3 hình thức thực hiện. Gửi văn bản góp ý và tổ chức hội nghị phản biện là hình thức phổ biến được Mặt trận các cấp trong tỉnh lựa chọn thực hiện (hình thức còn lại là tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chủ thể phản biện với cơ quan, tổ chức có văn bản dự thảo được phản biện). Trong 2 hình thức này thì tổ chức hội nghị phản biện được đánh giá là sinh động, hiệu quả hơn so với gửi văn bản góp ý. Vì tổ chức hội nghị phản biện thì có sự trao đổi trực tiếp giữa người phản biện, góp ý với cơ quan soạn thảo kế hoạch, đề án, giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề chưa có sự thống nhất.

Nỗ lực phản biện

Do tổ chức hội nghị phản biện tốn kém khá nhiều kinh phí nên trong 5 năm đầu thực hiện Quyết định 217, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp chủ yếu thực hiện hình thức gửi văn bản góp ý. Đến ngày 5-10-2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lần đầu tiên tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo “Đề án cấp nước nhỏ lẻ phục vụ nông thôn” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo.

Phát huy kết quả đạt được, kể từ đó đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thực hiện 9 nội dung phản biện, trong đó có tới 8 nội dung được phản biện theo hình thức tổ chức hội nghị.

Đáng ghi nhận là thời gian gần đây, Mặt trận các huyện, thị, thành đã mạnh dạn “thử sức” tổ chức hội nghị phản biện xã hội. Bà Nguyễn Thị Kim Hân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Mỹ, cho biết, những năm trước, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện thường tổ chức phản biện bằng hình thức gửi văn bản góp ý. Tuy nhiên, nhận thấy hình thức tổ chức hội nghị phản biện mang lại hiệu quả cao hơn nên trong năm nay, huyện đã tổ chức được 2 hội nghị phản biện gồm: phản biện dự thảo kế hoạch đặt tên, đổi tên đường và công trình trên địa bàn huyện Long Mỹ; phản biện đối với dự thảo kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Long Mỹ năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, chung tay phát triển du lịch nông nghiệp huyện Long Mỹ góp phần xây dựng một “Hậu Giang xanh”.

Đặc biệt là trong năm nay, 6/8 Mặt trận cơ sở trên địa bàn huyện Long Mỹ gồm: xã Vĩnh Thuận Đông, xã Vĩnh Viễn A, xã Lương Tâm, xã Lương Nghĩa, xã Xà Phiên và xã Thuận Hòa đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội. Nỗ lực đó giúp cho Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện Long Mỹ thực sự là điểm sáng trong công tác phản biện xã hội của tỉnh.

Không riêng ở huyện Long Mỹ, Mặt trận cấp huyện, cấp cơ sở ở nhiều nơi trong tỉnh đã cố gắng tổ chức hội nghị phản biện xã hội trong năm nay. Bà Thái Thu Xương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: “Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực tham gia phản biện việc xây dựng các đề án về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, dự thảo văn bản về chủ trương, nghị quyết của cấp ủy đảng cùng cấp, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân do các cơ quan, tổ chức thẩm quyền cùng cấp ở địa phương yêu cầu. Các ý kiến phản biện, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc được các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tiếp thu, bổ sung theo kiến nghị của Mặt trận”.

Hiệu quả mang lại

Ông Lê Minh Đang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đánh giá, các cuộc phản biện của Mặt trận tỉnh mang lại hiệu quả tích cực. Theo đó, dù phản biện bằng hình thức gửi văn bản góp ý hay tổ chức hội nghị thì Mặt trận tỉnh cố gắng mời các nhà khoa học, các chuyên gia của Trường Đại học Cần Thơ tham gia góp ý nhiều nội dung mang tính lý luận và thực tiễn cao; những ý kiến góp ý, kiến nghị của họ đều dựa trên luận cứ khoa học và các văn bản quy định hiện hành nên rất có giá trị hiến kế, đóng góp. “Qua thống kê, hơn 90% ý kiến phản biện của Mặt trận tỉnh được cơ quan chủ trì soạn thảo ghi nhận, giúp cho việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án của tỉnh được hoàn thiện hơn và triển khai có hiệu quả trong thực tế”, ông Lê Minh Đang chia sẻ.

Trong lần đầu tiên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo “Đề án cấp nước nhỏ lẻ phục vụ nông thôn” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo, ông Lê Minh Đang đã cùng với đại diện Báo Hậu Giang trực tiếp xuống những vùng nông thôn để khảo sát thực tế nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân và ghi nhận về sự cần thiết của việc ban hành đề án.

Trên cơ sở khảo sát thực tế và thông qua việc nghiên cứu, đối chiếu, so sánh với số liệu, mục tiêu được nêu ra trong dự thảo đề án, các đại biểu tham gia phản biện đã có những ý kiến góp ý hợp lý, xác đáng. Cụ thể, ông Đặng Cao Trí, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, cho rằng các số liệu trong đề án chưa chặt chẽ, chưa cập nhật được số liệu mới nhất; nhiều lập luận, chứng cứ còn sơ sài, không logic. Đề án cũng không đề cập việc đẩy mạnh xã hội hóa mà chỉ tập trung vào ngân sách nhà nước và vốn đối ứng của người dân. Số tiền bình quân mỗi hộ phải đối ứng hơn 4 triệu đồng là khá cao.

Ông Đặng Cao Trí cũng đề nghị đơn vị chủ trì đề án thực hiện điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá số liệu, nội dung cần chính xác, cụ thể; cơ sở dữ liệu phải mang tính logic, khoa học và sát thực hơn để không gây lãng phí ngân sách khi đi vào thực hiện.

Cùng tham gia phản biện đề án, đại diện Báo Hậu Giang cho biết, qua khảo sát thực tế tại nhiều địa phương của tỉnh cho thấy, đề án là cần thiết nhưng chưa cấp bách. Người dân thiếu thật nhưng chưa cần. Do đó, trước mắt nên mở rộng mạng lưới cấp nước sạch ra vùng ven thay vì đầu tư trạm cấp nước nhỏ lẻ. Đề án cấp nước nhỏ lẻ cần tiến hành khảo sát quy mô lớn hơn nữa ở ấp, xã và đối tượng được khảo sát phong phú hơn.

Những ý kiến góp ý phản biện đã được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản ghi nhận. UBND tỉnh thấy rõ những mặt ưu điểm, hạn chế nên thống nhất không ban hành đề án, vì đánh giá đề án không đi vào cuộc sống.

Trong khi đó, hiệu quả phản biện xã hội của Mặt trận cấp huyện cũng dần được nâng lên. Trực tiếp tham dự nhiều hội nghị phản biện do cấp huyện tổ chức, ông Lê Minh Đang đánh giá Mặt trận cấp huyện đã cố gắng tập hợp ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cán bộ hưu trí và những người có kinh nghiệm ở các lĩnh vực được phản biện. Công tác tổ chức, những ý kiến góp ý khoa học hơn, có cơ sở hơn và đóng góp được nhiều vấn đề rất thiết thực cho cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản.          

Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành A tổ chức hội nghị phản biện đối với dự thảo kế hoạch hành động về bảo vệ môi trường huyện Châu Thành A 5 năm 2021-2025. Hội nghị diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn, ghi nhận nhiều ý kiến góp ý cho kế hoạch. Cụ thể như đề nghị đơn vị soạn thảo điều chỉnh chỉ tiêu “phấn đấu 50% bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý đúng quy định” thành “phấn đấu 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý đúng quy định”; đề nghị đưa kết quả thực hiện kế hoạch vào nội dung thi đua hàng năm và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường; đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tham mưu UBND huyện xây dựng Đề án bảo vệ môi trường 5 năm 2021-2025; đồng thời tổ chức hội thảo khoa học để hoàn thiện đề án…

Những ý kiến đóng góp phù hợp đã được cơ quan soạn thảo là Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện ghi nhận và bổ sung vào kế hoạch. Ông Võ Thanh Tường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Châu Thành A, cho biết: “Qua tổ chức hội nghị phản biện lần này cho thấy vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác phản biện xã hội đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng, chính quyền. Bởi từ hội nghị phản biện đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý thiết thực giúp cho ngành chức năng bổ sung, hoàn thiện các đề án, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để triển khai thực hiện có hiệu quả trong thực tế”.

Có thể nói, thông qua hoạt động phản biện của Mặt trận Tổ quốc đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả và hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của cấp ủy, chính quyền địa phương, của các tổ chức. Thông qua đó đã kiến nghị những nội dung nhằm thực hiện đúng và có hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Nhiều kiến nghị sau phản biện đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện.

Dù hiệu quả do công tác phản biện xã hội mang lại là rất thiết thực nhưng phải nhìn nhận việc thực hiện công tác này thời gian qua trên địa bàn tỉnh chưa đạt kết quả như kỳ vọng...

Ông Lê Minh Đang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhấn mạnh: “Chúng tôi rất quan tâm đến hậu phản biện. Theo quy định, sau khi cơ quan soạn thảo văn bản có văn bản trả lời và gửi lại dự thảo văn bản đã tiếp thu, chỉnh sửa các ý kiến phản biện thì chúng tôi xem xét nội dung chỉnh sửa có phù hợp không; nếu thấy chưa phù hợp thì Mặt trận tiếp tục có kiến nghị”.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Bài 2: Vì sao phản biện xã hội còn ít ?

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>