Nỗ lực thực hiện giám sát, phản biện xã hội

23/10/2019 | 08:43 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, UBMTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện tốt kế hoạch giám sát, phản biện xã hội đề ra trong năm nay. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, ông Lê Minh Đang (ảnh), Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết:

- Từ cuối năm 2018, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động bám sát tình hình thực tế tại địa phương và những vấn đề bức xúc mà cử tri kiến nghị để xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội năm 2019 trình Tỉnh ủy phê duyệt.

Trong đó, chọn nội dung giám sát, phản biện là những vấn đề có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và được người dân quan tâm. Dù năm nay phải tập trung chỉ đạo tổ chức đại hội Mặt trận các cấp nhưng chúng tôi rất quan tâm thực hiện tốt công tác này theo kế hoạch.

Khảo sát ở khu dân cử để phản biện của MTTQ tỉnh. Ảnh: T.T                                    

Kết quả cụ thể như thế nào, thưa ông ?

- Trong kế hoạch, chúng tôi đề ra 8 cuộc giám sát, đến nay, đã thực hiện được 4 cuộc giám sát gồm: giám sát việc triển khai điều tra xã hội học xác định chỉ số cải cách hành chính năm 2018; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến kinh phí hoạt động của Mặt trận các cấp; giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát hoạt động của tổ đại biểu HĐND và chương trình hành động của đại biểu HĐND cùng cấp.

Từ kết quả giám sát, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã kiến nghị nhiều vấn đề gửi đến các cơ quan, tổ chức có liên quan và đã được các cơ quan, tổ chức ghi nhận, khắc phục những hạn chế, thiếu sót của cơ quan, đơn vị mình.

Đặc biệt, chúng tôi mạnh dạn đề ra chỉ tiêu thực hiện 3 cuộc phản biện xã hội, nhiều nhất từ trước tới nay. Đến nay, đã thực hiện hoàn thành nội dung phản biện đối với dự thảo “Kế hoạch dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2020-2022 từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”. Thành phần tham gia phản biện gồm một số nhà khoa học, lãnh đạo ngành chức năng có kiến thức, sự hiểu biết sâu rộng đối với lĩnh vực này.

Qua phản biện, chúng tôi có nhiều kiến nghị hữu ích cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể là cần bổ sung số liệu, phân tích, đánh giá việc thi hành, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; việc lồng ghép bảo vệ môi trường vào chiến lược quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, cần bổ sung những giải pháp, hỗ trợ xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường bức xúc; phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường; quản lý chất thải; bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường năng lực quản lý môi trường và tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường...

Bên cạnh kết quả đạt được thì việc thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội còn có những hạn chế gì, thưa ông ?

- Đó là trình độ, năng lực của một vài thành viên tham gia đoàn giám sát còn có những mặt hạn chế nên chưa đóng góp được nhiều ý kiến đối với nội dung giám sát; sự phối hợp giữa đoàn giám sát với cơ quan được giám sát đôi lúc chưa tốt, chẳng hạn như về thời gian nộp báo cáo…

lXin ông cho biết những nhiệm vụ mà UBMTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tập trung thực hiện trong công tác giám sát, phản biện xã hội những tháng cuối năm ?

- Chúng tôi tập trung thực hiện có chất lượng các nội dung giám sát, phản biện xã hội còn lại theo kế hoạch đã đề ra trong năm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội năm 2020 với các nội dung trọng tâm, phù hợp, tiêu biểu. Đặc biệt là quan tâm đến kết quả hậu giám sát, theo dõi kết quả giải quyết của ngành chức năng. Có như vậy thì người dân mới ngày càng tin tưởng vào chức năng giám sát của Mặt trận.

Xin cảm ơn ông !

TRƯỜNG SƠN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>