Nỗ lực đưa hàng Việt đến người tiêu dùng

29/08/2018 | 10:38 GMT+7

Ngày 29-8 tới, tại tỉnh Quảng Ngãi, Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm và các giải pháp thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ). Hậu Giang là một trong 7 tỉnh, thành của cả nước được tham luận về cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện CVĐ. Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan (ảnh), Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết:

- Là tỉnh thuần nông, cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên Hậu Giang hầu như chưa có doanh nghiệp sản xuất đầu mối, hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ làm dịch vụ trung chuyển hàng hóa; ở địa bàn nông thôn còn nhiều nơi giao lưu hàng hóa qua dịch vụ ghe hàng, chợ nhóm... nên chất lượng, giá cả, nguồn gốc hàng tiêu dùng khó kiểm soát, người tiêu dùng cũng không thể đủ kiến thức chọn lựa đúng hàng Việt Nam đảm bảo các tiêu chuẩn cho cuộc sống.

Từ đó, MTTQ tỉnh xác định bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, CVĐ còn phải được vận động bằng nhiều hình thức, xây dựng đa dạng các mô hình để hướng dẫn cho từng đối tượng từ nội bộ đến Nhân dân.

Thưa bà, trong công tác tuyên truyền, kết quả nổi bật của CVĐ trên địa bàn tỉnh được Trung ương đánh giá cao là gì ?

- Với phương châm “Nắm chắc chủ trương; vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; bám sát cơ sở” Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, phối hợp với UBND tỉnh và các ngành liên quan cụ thể hóa các văn bản của Trung ương cho phù hợp với tình hình địa phương về thực hiện CVĐ; đưa nội dung thực hiện CVĐ vào thang điểm thi đua năm… Đồng thời ban hành kế hoạch xây dựng mô hình chung của toàn tỉnh “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt”. Mô hình này là 1 trong 6 nội dung thi đua lập thành tích chào mừng đại hội MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2019-2024.

Trong công tác tuyên truyền, với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo của tỉnh, MTTQ tỉnh tham mưu ban hành Quy chế phân công nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền cho thành viên đảm bảo sự phối hợp đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và bao phủ địa bàn. MTTQ và các đoàn thể còn liên tịch tuyên truyền theo phương châm “hình thức tập trung, nội dung thiết thực” đến đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân và tăng cường tuyên truyền chiều sâu trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Quan tâm phối hợp với ngành công thương tuyên truyền CVĐ tại các hội chợ, phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Tuyên truyền thường xuyên tại các khu chợ huyện bằng 10 cụm pano, 2.000 tờ rơi; tuyên truyền Ngày quyền của người tiêu dùng bằng 4 xe thông tin lưu động, 290 cờ phướn, hơn 2.000 tờ bướm. Phối hợp với ngành văn hóa xây dựng kịch bản các chương trình giao lưu nghệ thuật, hội thao, hội diễn; và thường xuyên phối hợp với các hệ thống siêu thị trên địa bàn tuyên truyền chất lượng và giá cả cạnh tranh của hàng Việt...

Những nội dung sáng tạo của tỉnh được tham luận điển hình tại hội nghị toàn quốc lần này là nội dung nào, thưa bà ?

- Đó là các hoạt động được tập trung nhằm đưa hàng Việt đến người tiêu dùng. Chúng tôi chủ động xây dựng, đa dạng các mô hình phù hợp với từng đối tượng, cụ thể:

Đối với cán bộ, công chức: Có các kế hoạch phối hợp hoặc tổ liên kết ưu tiên sử dụng hàng Việt khi mua sắm trang thiết bị, văn phòng phẩm... trong các cơ quan nhà nước; giám sát mô hình này thông qua các hóa đơn mua sắm và kiểm tra thực tế sản phẩm được sử dụng.

Đối với hộ tiểu thương, người trực tiếp bán hàng, chúng tôi có mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt” và “Điểm bán hàng Việt”. Hiện tỉnh có 2 điểm bán hàng Việt chất lượng cao, quy mô lớn tại 2 chợ huyện, mỗi điểm vốn đầu tư hơn 2 tỉ đồng, trên 200 mặt hàng Việt trong mỗi cửa hàng và doanh thu ổn định; có 62 điểm tại các chợ xã, đặc biệt khu chợ đêm thành phố Vị Thanh có 33 hộ tham gia. Phấn đấu đến Đại hội đại biểu Trung ương MTTQ Việt Nam, Hậu Giang đạt ít nhất 50% xã, phường, thị trấn có “Điểm bán hàng tự hào hàng Việt” (cửa hàng có logo CVĐ, có bảng hiệu ghi tên mô hình do Mặt trận phát động; trong cửa hàng có bảng cam kết ít nhất 80% hàng hóa Việt được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và niêm yết giá hợp lý...).

Đối với hộ sản xuất nông nghiệp: Vận động, hỗ trợ các điều kiện thành lập câu lạc bộ, các tổ liên kết chế biến sản phẩm từ nông sản và phối hợp với các ngành giới thiệu sản phẩm nhằm tăng giá trị sản xuất cho từng loại nông sản.

Đối với người dân: Vận động, thành lập, cho ra mắt mô hình “Khu dân cư cam kết ưu tiên sử dụng hàng Việt”. Tiêu chí có ít nhất 80% hộ dân cam kết thực hiện và người dân được hướng dẫn cách nhận biết hàng Việt chất lượng, cách tiêu dùng hiệu quả trong sinh hoạt gia đình...

Thưa bà, lần này đại diện Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh có những kiến nghị gì để CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt hiệu quả vững bền hơn ?

- Chúng tôi thống nhất kiến nghị Ban Bí thư, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ các vấn đề sau: Có cơ chế về kinh phí cho riêng CVĐ từ ngân sách để tuyên truyền, xây dựng mô hình trong dân; Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ cần sơ kết định kỳ; có nhận xét, đánh giá, khen thưởng cho địa phương và tổ chức tham quan, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt. Phải tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nhỏ trong nước đăng ký thương hiệu, chứng nhận các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhãn hàng, mẫu mã... nhằm cạnh tranh tốt hơn.

Cuối cùng là phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hơn, mức xử phạt đủ sức răn đe đối với hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng... đảm bảo công bằng trong cạnh tranh của hàng Việt chất lượng cao.

Xin cảm ơn bà !

TUYẾT AN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>