Mặt trận Tổ quốc với công tác giảm nghèo và an sinh xã hội

26/12/2018 | 08:39 GMT+7

“Đoàn kết giúp nhau giảm nghèo” là một trong những nhiệm vụ được Mặt trận các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện lồng ghép chặt chẽ trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Kết quả công tác này qua 15 năm rất đáng ghi nhận. Trao đổi cụ thể với Báo Hậu Giang, ông Huỳnh Hữu Kế (ảnh), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết:

- “Đoàn kết giúp nhau giảm nghèo” là 1 trong 5 nội dung lớn của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được MTTQ tỉnh nhà chọn làm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở đó, hàng năm, chúng tôi có giải pháp cụ thể trong chương trình thống nhất hành động; phối hợp với UBND tỉnh lồng ghép các phong trào thi đua yêu nước trong toàn tỉnh; gần đây còn gắn nhiệm vụ này với phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Kết quả là đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ít nhất 2% mỗi năm như Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra.

Giải pháp thực hiện hiệu quả các mặt công tác trên là phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, các ngành liên quan, đoàn thể chính trị - xã hội phân công nhiệm vụ hỗ trợ hộ nghèo có địa chỉ; đa dạng hình thức hỗ trợ hộ nghèo để có phương án thoát nghèo bền vững như cất nhà đại đoàn kết, vốn để làm ăn, sinh kế cho những hộ không đất sản xuất; và tăng cường hướng dẫn người dân bằng các mô hình cụ thể, thiết thực. Theo ghi nhận, 15 năm qua, có trên 100 mô hình giảm nghèo phù hợp với mỗi địa phương được triển khai, nhân rộng.

Những mô hình giảm nghèo bền vững thực hiện thành công là nhờ những yếu tố nào; vấn đề tồn tại trong công tác giảm nghèo hiện nay là gì, thưa ông ?

- Cụ thể là mô hình phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, tập quán sản xuất của địa phương, của từng nhóm hộ gia đình. Mô hình có sự phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ, UBND và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp để kết hợp nhiều nguồn lực hỗ trợ: vốn, con người, cách làm, hướng dẫn, kiểm tra. Đồng thời, mô hình có khả năng nhân rộng, phát huy được hiệu quả lan tỏa từ địa bàn này sang địa bàn khác.

Tuy nhiên, theo tôi tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh vẫn còn cao; chất lượng thoát nghèo còn thiếu bền vững.

Nguyên nhân một phần do cơ chế của chúng ta trong chính sách an sinh xã hội còn dàn trải, nhiều ngành tham gia một cách rời rạc, từ đó điều kiện thoát nghèo thiếu tập trung, chưa cụ thể được phương án theo đặc thù từng địa bàn. Đồng thời, do tâm lý ỷ lại trong một bộ phận người nghèo, hộ nghèo và do cán bộ làm công tác an sinh còn thiếu kỹ năng tổng hợp, phân tích, tham mưu; vẫn còn nhiều cán bộ chưa phân biệt được sự khác nhau giữa an sinh xã hội và từ thiện xã hội nên trong vận động, điều hành chương trình giảm nghèo thiếu căn cơ.

Riêng về công tác huy động Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa qua các chương trình an sinh phúc lợi xã hội, Mặt trận có vai trò khá quan trọng, xin ông cho biết kết quả của công tác này ?

- Nếu không có nguồn Quỹ vì người nghèo, Chương trình An sinh phúc lợi xã hội thì không đủ điều kiện thực hiện chương trình “Đoàn kết giúp nhau giảm nghèo”.

15 năm qua, Quỹ người nghèo ghi nhận sự đóng góp trên 871,4 tỉ đồng, gồm tiền mặt 503 tỉ đồng và hiện vật quy tiền trên 368 tỉ đồng;  Quỹ an sinh phúc lợi xã hội ghi nhận sự đóng góp 2.178,4 tỉ đồng, trong đó tiền mặt được 87,3 tỉ đồng, Nhân dân đóng góp các công trình giao thông, thủy lợi 2.091 tỉ đồng...

Từ các nguồn quỹ này đã tập trung hỗ trợ nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, tình nghĩa và các công trình dân sinh khác. Có 23.037 căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà tình thương được xây dựng, sửa chữa; hàng chục ngôi trường, các trạm y tế ở vùng sâu, xa; hàng trăm chiếc cầu, hàng ngàn kilômet lộ giao thông nông thôn... được xây dựng góp phần rất lớn trong xây dựng thành công quá trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Xin cảm ơn ông !

TUYẾT AN - TRÍ THỨC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>