Mặt trận thực hiện tốt nhiệm vụ được giao

29/08/2018 | 08:08 GMT+7

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đến nay, MTTQ các cấp đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” ở xã Đông Phước A được đánh giá cao về hiệu quả.

Mô hình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” do UBMTTQ Việt Nam xã Đông Phước A, huyện Châu Thành triển khai thực hiện từ ngày 20-6-2014 đến nay được đánh giá cao về kết quả hoạt động.

Mỗi tháng/lần, lãnh đạo Đảng ủy, UBND, MTTQ và các đoàn thể xã đến nghe dân nói ở một ấp, cứ thế trong năm thực hiện giáp hết 11 ấp trên địa bàn. Qua đó đã lắng nghe nhiều tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của dân, đặc biệt là đánh giá của bà con về thái độ, cung cách phục vụ của cán bộ xã.

Ông Nguyễn Thành Thị, Bí thư Đảng ủy xã Đông Phước A, cho biết: “Nhiều ý kiến, kiến nghị của dân được ngành chức năng huyện, xã ghi nhận, đề ra hướng giải quyết thông qua mô hình này. Người dân đã ngày càng tin tưởng, tín nhiệm hơn đối với hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân. Thông qua mô hình này, chúng tôi còn lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, phong trào từ Trung ương đến cơ sở, giúp người dân hiểu rõ và thực hiện tốt”.

Theo ông Nguyễn Văn Bỉnh, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Châu Thành, từ năm 2016 đến nay, MTTQ các cấp trên địa bàn huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nổi bật là tuyên truyền, vận động bà con thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Bên cạnh đó, UBMTTQ các cấp ở huyện Châu Thành còn tích cực vận động kinh phí xã hội hóa để chăm lo cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, vận động Quỹ “Vì người nghèo” và “An sinh phúc lợi xã hội” được hơn 4,4 tỉ đồng; xây dựng 48 căn nhà tình thương, 21 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí thực hiện hơn 2,4 tỉ đồng...  

Ở thành phố Vị Thanh, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Trong đó, phối hợp tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp ở thành phố còn tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, thực hiện giám sát, phản biện xã hội, góp phần đấu tranh phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

“Đặc biệt là tổ chức giám sát độc lập đối với một số dự án đầu tư phát triển kinh tế có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của Nhân dân, qua đó kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh một số nội dung chưa phù hợp”, ông Trần Quang Minh, Trưởng ban Dân vận Thành ủy kiêm Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thành phố, cho biết.

Không chỉ ở thành phố Vị Thanh, theo Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền các cấp đã được Mặt trận các cấp thực hiện tốt. Cụ thể, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tổ chức được 354 cuộc giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp 48 ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết, trong gần 3 năm qua, UBMTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền đưa nội dung, chương trình, kế hoạch tập hợp, vận động Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền vào chương trình công tác hàng năm, đồng thời hướng dẫn cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện và quán triệt tới ban công tác Mặt trận, chi đoàn, chi hội ở khu dân cư. Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Nhờ vậy, việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền đã và đang trở thành ý thức, trách nhiệm của toàn dân.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, hoạt động của MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội có chuyển biến, khắc phục dần tình trạng hành chính hóa trong hoạt động, tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát cơ sở, gom gọn đầu mối các chức danh ở ấp, khu vực của các đoàn thể.

Bên cạnh đó, các cuộc vận động, các phong trào thi đua của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng đi vào chiều sâu, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu, quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>