Xuất khẩu lao động - Khó lại càng khó

07/08/2020 | 05:04 GMT+7

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã gây nhiều khó khăn cho công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ), chưa thể đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời điểm này...

Lao động tham gia học tiếng Nhật Bản tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Chỉ tiêu xuất khẩu 500 lao động, nhưng mới đi được 8 !

Năm 2020, chỉ tiêu XKLĐ của xã Phụng Hiệp (huyện Phụng Hiệp) là 6 lao động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay địa phương vẫn chưa có người nào đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Theo ông Nguyễn Văn Túc, Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp, trước đây, địa phương cũng vận động được hai người đi XKLĐ. Song do dịch Covid-19, công tác XKLĐ chững lại, người dân thay đổi ý định, không đi làm việc ở nước ngoài mà tìm công việc khác. Trước thực tế đó, địa phương phối hợp cùng ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, thế nhưng đến nay vẫn chưa có người đăng ký đi XKLĐ.

Khó khăn của xã Phụng Hiệp cũng là khó khăn nhiều địa phương đang gặp phải. Năm 2019, huyện Vị Thủy đưa được 14 người đi XKLĐ, vượt chỉ tiêu được giao. Phát huy kết quả đã đạt được, ngay từ cuối năm 2019, huyện tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, để người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của công tác XKLĐ. Trong đó, tập trung tuyên truyền vào thị trường có thu nhập cao là Nhật Bản. Đến nay, toàn huyện có 40 người tham gia học tiếng Nhật Bản, trong đó có 12 người đậu phỏng vấn đơn hàng, chưa có người nào xuất cảnh, trong khi chỉ tiêu của năm nay là 75 người. Theo ông Cao Thành Nhượng, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vị Thủy, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác XKLĐ. Huyện vẫn tiếp tục phối hợp cùng ngành chức năng thực hiện công tác tuyên truyền, tuyển lao động, đợi khi tình hình ổn định sẽ có nguồn nhưng qua nắm tình hình từ các xã, thị trấn thì người dân đang rất dè dặt, không dám đăng ký cho con em tham gia XKLĐ.

Chia sẻ về việc vận động người dân đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, ông Cao Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An (huyện Phụng Hiệp), cho biết: “Đến nay, địa phương vẫn chưa có người nào đi XKLĐ, dịch bệnh vẫn chưa hết, không biết thị trường lao động ngoài nước bao giờ mới mở cửa trở lại. Trước tình hình này, công tác tuyên truyền XKLĐ cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức”.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các đơn hàng tuyển dụng, xuất cảnh phải tạm dừng và chậm tiến độ. Hậu Giang có 63 lao động tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật Bản, trong đó có 61 lao động được giới thiệu lên công ty XKLĐ. Hiện 2 người đã hoàn thành các thủ tục, chờ xuất cảnh, còn 11 người đang hoàn thành các thủ tục xuất cảnh. Theo ông Nguyễn Ngọc Phước, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, đối với những lao động đã trúng tuyển, trung tâm cũng thường xuyên liên lạc trao đổi về tình hình dịch bệnh, kế hoạch xuất cảnh của cơ quan quản lý nhà nước, động viên tinh thần của mọi người, để người lao động yên tâm.

Năm 2020, tỉnh phấn đấu đưa 500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay, mới có 8 lao động XKLĐ. Dù vậy, ngành chức năng và các địa phương vẫn tích cực phối hợp với doanh nghiệp, để tư vấn cũng như giúp người lao động học ngoại ngữ, nhằm tạo nguồn lao động có chất lượng, để khi tình hình dịch ổn định là có thể đưa người lao động đi XKLĐ.

Vẫn tiếp tục nỗ lực tạo nguồn

Theo ông Nguyễn Thanh Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến (thành phố Vị Thanh), địa phương vẫn tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền để người dân hiểu về chính sách này để lựa chọn, bởi đây là một trong những giải pháp giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Dù gặp khó khăn do tình hình chung, nhưng tỉnh vẫn xác định cần tập trung cho công tác XKLĐ. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã mở 2 lớp dạy tiếng Nhật Bản cho người lao động. Theo anh Thái Châu Khôi, ở ấp 4, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, anh sẽ cố gắng học thật tốt để khi tình hình dịch bệnh ổn định sẽ có thể đi làm việc ở nước ngoài. Còn chị Nguyễn Thị Kim Hoa, khu vực 2, phường VII, thành phố Vị Thanh đang học tiếng Nhật tại Công ty XKLĐ SOLEX (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng rất nỗ lực trong học tập, để có thể thuần thục trong giao tiếp và hiểu về phong tục, tập quán của nước bạn. “Vừa rồi, tôi đã đậu phỏng vấn đơn hàng thực phẩm. Theo như dự kiến ban đầu, tháng 12 sẽ bay sang Nhật Bản, chỉ mong dịch bệnh mau qua, để chúng tôi có thể đi làm việc ở nước ngoài”.

Việc đào tạo cho lao động đi XKLĐ mất một khoảng thời gian dài, vì vậy việc tạo nguồn luôn được chú trọng thực hiện trong toàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Ngọc Phước, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh: “Việc tuyên truyền về chính sách XKLĐ vẫn được thực hiện, nhất là trong thời điểm này cần phải thông tin rộng rãi hơn về chính sách, cũng như tình hình dịch bệnh, tạm thời chưa thể đưa người đi XKLĐ. Người lao động muốn đi làm việc ở thị trường Nhật Bản đều phải qua quá trình đào tạo từ 6-8 tháng. Ngoài ra, sau đào tạo còn phải chờ đơn hàng từ doanh nghiệp ở nước bạn, rồi mới đưa được lao động xuất cảnh. Vì thế, người lao động không nên quá lo ngại mà tranh thủ chuẩn bị để có thể tham gia ngay khi đủ điều kiện. Bên cạnh sự chủ động của người lao động, trung tâm cũng xây dựng kế hoạch cụ thể để xúc tiến thực hiện công tác này”.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 8 lao động đi XKLĐ. Trong đó, thị xã Long Mỹ có 2 người, huyện Long Mỹ 2 người, huyện Phụng Hiệp 2 người và huyện Châu Thành A 2 người. Theo ngành chức năng, thị trường lao động nước ngoài luôn tiềm năng và cần nhiều lao động Việt Nam, với những trường hợp có dự định XKLĐ, người lao động không nên quá lo ngại mà tranh thủ chuẩn bị để có thể tham gia ngay khi đủ điều kiện…

 

 Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>