Sống khỏe với nghề làm lồng đèn

14/09/2018 | 09:38 GMT+7

Từ tháng 7 âm lịch, cơ sở gia công lồng đèn giấy của ông Phạm Hữu Minh, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, bước vào mùa phục vụ Tết Trung thu, mỗi ngày đều tấp nập người đến nhận nguyên liệu, giao hàng.

Người dân tăng thu nhập nhờ nhận gia công đèn giấy trong lúc nhàn rỗi.

Được biết, cơ sở của ông Minh hoạt động đã gần 8 năm, vừa làm tại nhà, vừa nhận nguyên liệu để giao lại cho các hộ khác gia công tại địa phương theo đặt hàng của đầu mối ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đơn đặt hàng có quanh năm nhưng đến mùa trung thu thì tăng đột biến từ 30-40%. Năm nay, nhu cầu cao hơn mọi năm nên có lúc cơ sở làm không kịp để cung ứng. Thời gian cao điểm có thể giao đến hơn 10.000 cái mỗi đợt, trong khi bình thường chỉ khoảng 7.000-8.000 cái. Do đó, không chỉ gia đình ông Minh mà các hộ nhận gia công tại nhà đều tăng tốc làm cả ban đêm để “chạy” đủ số lượng. Theo ông Minh, mẫu mã các loại đèn giấy không thay đổi nhiều so với mọi năm, gồm đèn giấy hình trụ và đèn hình tròn (có dây kẽm). Hình ảnh trang trí chủ yếu là các nhân vật hoạt hình, truyện cổ tích, truyện tranh được in sẵn trên giấy xếp, thường thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào thị hiếu của người tiêu dùng, nhất là các em thiếu nhi.

Nếu so với các nghề khác thì gia công đèn giấy không tốn chi phí ban đầu và chỉ cần chút khéo léo, kiên trì là có thể làm được. Nguyên liệu là giấy màu, có in hình và gấp nếp sẵn, chỉ cần thao tác làm cong thanh giấy, xòe ra để dán keo hai mép, mặt trên và mặt dưới là hoàn thành. Đối với loại đèn có khung dây kẽm thì có thêm khâu cắt phần mép giấy và đặt dây kẽm vào. Keo dán cũng được cung cấp sẵn, người nhận gia công chỉ cần tự chuẩn bị một khối vuông nhỏ bằng gỗ hoặc bằng đá để tạo lực và tì tay khi làm cong giấy. Nếu là người mới học, vợ chồng ông Minh sẽ dạy cách làm tại chỗ đến khi thành thạo.

Anh Phan Văn Út cùng ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Đông, cũng là một trong những người gắn bó với việc gia công đèn giấy từ khi cơ sở của ông Minh mới thành lập. Trước đây, nguồn thu của cả nhà đều nhờ vào 15 công ruộng, từ khi nhận gia công, gia đình anh có thêm thu nhập khi không sản xuất lúa. Do đã có kinh nghiệm nên một ngày hai vợ chồng anh làm được hơn 200 cái, thu nhập mỗi tháng trên 3 triệu đồng. Không chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng có thể tham gia. Theo lời bà Trần Thị Tuyết Minh (vợ ông Minh), nhiều trẻ em trong xóm lúc nghỉ hè hoặc sau giờ học trên lớp ít khi la cà, chơi đùa bên ngoài mà ở nhà phụ người lớn đếm số lượng, xếp lồng đèn. Có em chỉ mới học lớp 2 cũng học làm và thao tác nhanh gọn không thua gì người lớn. Hiện cơ sở gia công của ông Minh có hơn 160 nhân công là người dân trong và ngoài xã Vĩnh Thuận Đông tham gia, trong đó có một số hộ ngoài tỉnh như huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng)…

Ông Trần Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Đông, cho biết: Cơ sở gia công của ông Phạm Hữu Minh liên kết được đầu mối gia công ngoài tỉnh và duy trì khá tốt để tạo điều kiện cho người dân trong xã có việc làm trong lúc nhàn rỗi, giúp họ tăng thêm thu nhập, góp phần hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo của xã. Chính quyền địa phương luôn quan tâm và sẽ tạo điều kiện thuận lợi về mặt chính sách, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi khi cơ sở có nhu cầu mở rộng và phát triển.

Thời gian gần đây, lồng đèn thủ công, đèn truyền thống dần nhận được sự quan tâm hơn của người tiêu dùng dịp Tết Trung thu. Theo một số cửa hàng kinh doanh mặt hàng này thì 2 năm trở lại đây, xu hướng khách hàng tìm mua các loại đèn giấy, đèn tre tăng lên đáng kể, không chỉ để trẻ em vui chơi mà còn dùng trang trí nhà cửa, công sở, văn phòng dịp trung thu. Đây có thể coi là một tín hiệu vui và triển vọng cho nghề gia công lồng đèn giấy phát triển ổn định, lâu dài, để người lao động yên tâm gắn bó với nghề.

Bài, ảnh: THIÊN TRANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>