Sinh kế trên đất dự án

13/08/2019 | 08:23 GMT+7

Tận dụng đất tại các dự án của nhà đầu tư, đất công chưa sử dụng để làm nông nghiệp đã giúp nhiều hộ dân cải thiện đời sống.

Gia đình bà Tho đang thu hoạch dưa hấu tại Khu dân cư, tái định cư phường V, thành phố Vị Thanh.

Tăng thêm thu nhập

Khi người dân chưa đến khai thác, phần lớn diện tích đất chưa sử dụng ở các dự án đều bị cỏ, sậy mọc um tùm. Nhờ tính năng động, không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập mà còn tạo sự thông thoáng cho các dự án. 

Gắn bó với mảnh đất ở dự án Khu dân cư, tái định cư phường V, thành phố Vị Thanh, gần 7 năm qua, ông Lê Thành Thuận, ở ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cho biết: “Gia đình tôi có 5 công đất ở dưới quê trồng khóm, thu nhập không đủ trang trải. Nghe nói trên Vị Thanh, khu dân cư người dân chưa cất nhà còn nhiều đất trống nên gia đình tôi lên đây phá cỏ trồng dưa hấu, rẫy dây các loại. Trồng cũng có vụ trúng, vụ thất nhưng có thêm thu nhập nuôi 3 con ăn học và trang trải chi phí trong gia đình. Nay, đứa con lớn học được lớp 12, đứa kế học lớp 11, bé nhỏ nhất cũng học lớp 4”.

Là hộ nghèo, ở dưới quê chỉ có 3 công đất trồng khóm, thu nhập được vài triệu đồng. Nhưng từ khi lên trên thành phố Vị Thanh tìm đất trồng bầu, bí, đậu bắp, mướp, trừ các khoản chi phí cũng kiếm được từ 20 triệu đồng/năm trở lên và chuẩn bị năm nay được thoát hộ nghèo nên gia đình bà Nguyễn Việt Danh, ở ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, vô cùng phấn khởi. Bà Danh bộc bạch: “Không đủ đất sản xuất để có nhiều thu nhập nuôi các con, gia đình tôi phải tìm cách mưu sinh. Nghe người quen làm việc trên tỉnh nói, lên trên này xin những chỗ đất người dân chưa sử dụng mà làm rẫy thêm. Thấy vậy, gia đình tôi lên Khu dân cư, tái định cư phường V, thành phố Vị Thanh xin UBND phường cho làm”. Đến nay, gia đình bà đã làm được 3 năm, nhờ lên trên này trồng rẫy dây mà gia đình có thêm tiền nuôi các con học hành đến nơi, đến chốn. Con gái lớn của bà Danh học nghề nấu ăn và đã có việc làm ở nhà hàng, người con kế học đại học chính trị mới tốt nghiệp đang tìm việc. Trong 2 người con còn lại, một đang học đại học và một học cấp 2. Năm nay, gia đình bà đăng ký thoát nghèo.

Vụ dưa hấu tại Khu dân cư, tái định cư phường V, đợt này gia đình bà Ngô Thị Tho, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, đã thu hoạch được 2 tấn trái và vẫn đang tiếp tục thu hoạch. Hiện tại, giá bán 6.500 đồng/kg dù không lãi nhiều nhưng cũng giúp cho gia đình bà có cuộc sống ổn định hơn trước.

Tạo việc làm trong lúc nhàn rỗi

Thấy khu đất dự án của nhà đầu tư trên địa bàn phường V, thành phố Vị Thanh, cỏ mọc um tùm nên ông Nguyễn Văn Thiện, ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, xuống Hậu Giang xin trồng khoai lùn để tìm thêm nguồn thu nhập cho gia đình và giải quyết thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ông Thiện cho biết: “Năm trước, gia đình tôi cũng đến xin làm trên đất công chưa sử dụng ở địa bàn huyện Châu Thành A, với diện tích  1.500m2 trồng cây khoai lùn. Sau mấy tháng trồng cũng kiếm được trên 40 triệu đồng. Qua nghe thông tin ở Vị Thanh còn một số khu đất của nhà đầu tư chưa sử dụng nên tôi cùng với các anh, em trong gia đình đến đây xin khai thác. Được nhà đầu tư cho phép đã giúp chúng tôi tăng thêm thu nhập và giúp đất dự án của nhà đầu tư được thông thoáng, giúp thành phố Vị Thanh sáng, đẹp nên bản thân cũng thấy rất vui”. Tổng diện tích đất của mấy anh em ông Thiện phát quang được gần 8ha, tiền công khai phá, làm đất lại đã tốn mấy trăm triệu đồng, trong đó gia đình ông Thiện được 14.000m2. Dự kiến tổng chi phí cho 1.000m2 trồng khoai lùn khoảng 10 triệu đồng. Nếu trúng mùa, trừ các khoản chi phí cũng kiếm được từ 30 triệu đồng/1.000m2 trở lên.

Không chỉ tạo môi trường thông thoáng còn giúp nhiều lao động nông thôn có thêm thu nhập, khi hiện nay tại khu trồng khoai lùn của anh, em ông Thiện đã giải quyết từ 6-10 lao động nhàn rỗi mỗi ngày. Tiền công đối với nữ là 180.000 đồng/ngày, đối với nam 240.000 đồng/ngày, ăn uống người lao động tự lo. Làm công gần nửa tháng nay, ông Lê Văn Trà, ở ấp Vĩnh Hiếu, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Sau vụ lúa, tranh thủ những lúc nhàn rỗi tôi đi làm cỏ mướn cho anh Thiện để kiếm thêm thu nhập. So với đi làm hồ thì công việc này khỏe hơn”.

Còn bà Nguyễn Thị Đầy, ở ấp Vĩnh Hiếu, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, cho hay: “Với một ngày làm 8 tiếng, tiền công trả cho nữ như vậy là thỏa đáng. Đặc biệt là có việc làm thêm liên tục những lúc rảnh rỗi sau mỗi vụ lúa, việc làm phù hợp với sức lao động nữ như vậy tôi thấy rất hài lòng”.

Vẫn còn chông chênh

Do đây là đất chưa sử dụng của các dự án nên những người làm trên đất này cũng phải tính toán nguồn nước tưới tiêu, trồng loại cây gì thật ngắn ngày. Nhất là phải chuẩn bị tìm cho mình những vùng đất ở nơi khác hoặc công việc khác khi bị lấy đất lại.

Ông Lê Thành Thuận cho biết đất trồng ở các khu dự án phần lớn là đất đã bơm cát và không có nguồn nước để tưới tiêu. Việc trồng rẫy ở đây có nhiều cái khó. Khó nhất là nguồn nước không có nên làm thế nào có sản phẩm tốt cho người sử dụng thì vào những lúc không có mưa gia đình đã nhờ nước máy của nhà dân lân cận để tưới. Trồng thì áp dụng màng phủ, sử dụng phân thuốc theo hướng dẫn kỹ thuật an toàn. Khó thứ hai là khi nhà dân cất thì phải trả đất lại nên rẫy chưa thu hoạch phải mất khoản chi phí đầu tư và diện tích trồng ngày càng bị thu hẹp.

Còn theo bà Ngô Thị Tho, mặc dù làm trên đất của dự án mà nhà đầu tư chưa sử dụng cũng có thu nhập khá, nhưng đây không phải là tài sản của gia đình nên sẽ không được vay vốn ngân hàng để đầu tư  làm đất, cây giống, mọi chi phí phải tự xoay xở. Đồng thời, khi trồng phải chọn cây ngắn ngày để khi người dân đòi đất lại thì trả ngay và khi hết đất trồng phải đi tìm công việc khác mưu sinh tiếp.

Mặc dù cây khoai lùn phù hợp với đất cát, chịu hạn cao nhưng chỉ hiệu quả ở vụ đầu. Do đó, để có hiệu quả kinh tế cao, ông Nguyễn Văn Thiện đã thăm dò những vùng đất chưa sử dụng khác để chuẩn bị trồng cho vụ năm sau, còn đất đang trồng sau thu hoạch khoai xong sẽ chuyển sang cây trồng khác.

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>