Qua rồi thời chằm lá

29/07/2020 | 08:58 GMT+7

Nghề chằm lá dừa nước lợp nhà có từ lâu đời của người dân miền sông nước vùng Nam bộ. Tuy nhiên, hiện nay do cuộc sống phát triển nên nghề này dần mai một.

Dì Tám Tiến (giữa) và hàng xóm đang chằm lá mướn.

Đi dọc con sông Cái Lớn là ranh giới tiếp giáp các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng, hai bên bờ là những rạng dừa nước chạy dài hàng chục cây số, thỉnh thoảng mới thấy một vài căn nhà hiện ra, còn lại là một màu xanh ngút ngàn của cây dừa nước. Chúng tôi tìm về ngã ba kênh Thanh Thủy, thuộc ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, nơi được xem là “thủ phủ” của nghề chằm lá dừa nước từ rất lâu, nay chỉ còn lại một số ít người bám trụ lấy nghề. Theo các bậc cao niên sinh sống ở đây, từ trước thập niên 90 ở khu vực này có rất nhiều hộ làm nghề chằm lá thuê và cũng nhờ có nghề này mà cuộc sống người dân nơi đây không lo túng thiếu. Nay người làm nghề này ở đây không còn nhiều, phần đông là người già rảnh rỗi chằm lá kiếm ít tiền chợ cho vui.

Sau tiếng thở dài, dì Tám Tiến (Đoàn Thị Tiến), ở ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, năm nay dù đã bước sang cái tuổi 83 và cũng là người lớn tuổi nhất trong ấp còn theo nghề chằm lá, chia sẻ: “Ngày xưa, bà con ở đây làm ruộng một năm một vụ lúa mùa, nhưng do đất thuộc vùng trũng phèn nên năng suất lúa không cao. Bà con phải làm thêm nghề chằm lá, không riêng gì gia đình tôi mà nhiều bà con trong ấp ai cũng đều chăm bẵm vào nghề chằm lá mướn. Nếu nói thoát nghèo từ công việc này thì không thể, nhưng tính ra cũng có chút đỉnh tiền để xoay xở khi cần”. Theo dì Tám Tiến thì người chằm giỏi một ngày được 100 tấm lá dài 2 thước cũng được 50.000-60.000 đồng, nhưng cũng không phải dễ vì phải thức khuya dậy sớm và chằm cả ngày mới có. Cuộc sống giờ đã đổi thay, con cái lớn lên được cha mẹ lo học hành tươm tất, tìm được việc làm ở nhiều công ty, xí nghiệp, hay làm ngành nghề khác có thu nhập cao hơn.

Chị Sáu Thanh, nhà cạnh bên cũng góp thêm phần câu chuyện, chị cho biết hồi chị mới về làm dâu xứ này sợ nhất là theo chồng đi đổ lá, có khi phải lội dưới sình hàng giờ để đốn dừa nước dài 5-7 thước. Muỗi cắn, vắt đeo, ong đánh, vậy mà không hề bỏ cuộc. Lúc hút hàng, lá dừa nước của gia đình chưa đủ già thì phải đi mua lá ở xa, nhà ai không có đàn ông thì phải thuê người đi đốn. Cực thì có mà tiền công thu được cũng nhiều, tiêu xài tích cóp một năm có thể mua được lúa ăn khỏi phải mần ruộng. Người trồng lá 5-10 công, quanh năm tiền dư đủng đỉnh, người không có lá đi làm công cũng có tiền chi xài đám tiệc, lo cho con cái học hành. Giờ thì những tấm lá chằm, lá xé bằng cây dừa nước dùng để dừng vách, lợp nhà ít người dùng đến, bởi độ bền của lá không bằng những tấm tôn chì, tôn kẽm có tuổi thọ kéo dài được mấy mươi năm. Nếu còn người sử dụng lá chằm cũng chỉ là số ít, chủ yếu họ mua về để sử dụng vào mục đích lợp chòi, che tum lập quán, hay hộ gia đình mua lợp chuồng heo, chuồng gà… Một thời nhà tranh vách lá đã qua, xóm chằm lá giờ cũng đìu hiu, cây dừa nước cũng không còn ai tha thiết để trồng và nghề chằm lá cũng chìm trong quên lãng.

Như chờ đợi khá lâu, giờ mới đến lượt chú Út Chót (Huỳnh Văn Chót) cất lời. Chú cho rằng cây dừa nước có sức sống rất mãnh liệt, các loài cây khác còn bị khô héo có mùa, còn cây dừa nước thì sung mãn quanh năm và sống dường như không có tuổi. Những năm chiến tranh ác liệt, kẻ địch dùng máy bay quần đảo tìm kiếm bộ đội, nhờ có những tàu dừa nước mọc ven sông, che chở cho những chiến sĩ cách mạng ẩn nấp nên kẻ thù không phát hiện. Thoáng chút suy tư, giọng chú như trầm xuống và chú kể lại thời nghèo khó của mình. Chú nói trước đây nghèo đến nỗi không tiền mua bàn, mua tủ, phải dùng sống lá dừa nước bện lại làm bàn ăn cơm, giường ngủ, tủ đựng áo quần. Vợ chồng chú phải cần cù khai khẩn đám lá hoang chằm bán và cũng nhờ lá mà có tiền nuôi sống được sáu người con đến ngày khôn lớn. Giờ thì hết rồi thời nhà lá, nhà kê cây gỗ, đi đâu cũng thấy nhà tường xây gạch, mái lợp tôn thi nhau mọc lên, lá dừa nước mất dần giá trị. Nhớ lại xứ này ngày xưa nhà ai cũng trồng lá, giờ thì người ta chặt phá hết rồi, thay vào đó là vườn cam, chanh, bưởi hay cây khóm, cây tràm, cây lúa, rau màu… Đó cũng là quy luật của sự phát triển, sự lựa chọn của người nông dân gắn liền với cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao nên diện tích cây dừa nước cũng thu hẹp dần theo năm tháng.

Mắt chú như đượm nét buồn buồn, nhìn ra phía dòng sông Cái Lớn, ẩn khuất trong đám lục bình lững lờ trôi là dáng người phụ nữ thấp gầy, cố lái tay dầm vượt con sóng tàu vừa mới chạy ngang, đưa chiếc ghe tam bản chất đầy lá vào bờ. Chú Út Chót nói với tôi: “Cô Hai Hoa ở bên kia sông thuộc xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh đó. Tội nghiệp nhà nghèo con đông không ruộng đất, chồng bị bệnh suy thận mãn tính mất cũng khá lâu, nhờ có nghề chằm lá mà nuôi sống được gia đình cả con lẫn cháu”.

Đưa cánh tay dính đầy mủ lá, chị Hoa lau vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió thời gian, chị cho biết đã hơn 10 năm nay kể từ khi chồng chị qua đời, cuộc sống gia đình gặp không ít khó khăn, chị phải cật lực làm thuê để nuôi con nhỏ và nghề chằm lá chỉ phụ sau những lúc rảnh rỗi. Những năm gần đây, nghề chằm lá cũng không còn ai mướn, chị phải đi xin chủ vườn mót những đám lá mà họ phá bỏ để lấy lá về chằm bán lại cho vựa. Lá xin, lá mót không còn nhiều, người đặt mua cũng không được bấy nhiêu, một ngày đi đổ năm bảy ngày chằm, một trăm lá đặt hom dài 2 thước bán ra cũng chưa quá 300.000 đồng. Nghề chằm lá thu nhập không cao, lá chằm ít người mua nên nghề này cũng không còn hưng thịnh như trước...

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>