Người phụ nữ đứng sau thành công shop hoa An Phương

03/07/2019 | 08:28 GMT+7

Ở Hậu Giang, shop hoa An Phương được nhiều khách hàng biết đến. Nhưng người chủ đứng sau thành công và gầy dựng được thương hiệu địa phương này, chắc không nhiều người rành.

Chị Hằng luôn chăm chút từng cánh hoa khi gửi đến khách hàng.

Mỗi lần đến mua hoa, văn phòng phẩm, tranh ảnh, quà tặng hoặc đặt điện thoại gói hoa, chúng tôi thường gặp chị Dung. Nhiều người nghĩ chị là bà chủ, nhưng không, người phụ nữ đứng sau thành công và tạo nên thương hiệu hoa An Phương (địa chỉ ở đường 30 Tháng 4, phường I) là chị Nguyễn Thị Lệ Hằng. Còn chị Dung là chị thứ ba của chị Hằng.

Chị Hằng là con gái út trong gia đình có 7 anh chị em. “Ba mẹ tôi gốc gác ở miền Trung, sau đó vào sinh sống ở vùng đất Vị Thanh - Cần Thơ từ những năm 1966. Cả nhà tôi xem đây là quê hương của mình. Tôi sinh ra, lớn lên ở đây, đất Vị Thanh đã nuôi dưỡng tôi, nuôi dưỡng bao ước mơ cho tôi và gia đình. Nhìn tiệm kinh doanh như hiện tại, nhiều anh chị nghĩ tôi ngày xưa thuộc gia đình khá giả lắm, nhưng không phải vậy, gia đình tôi nghèo lắm, anh chị tôi khi xưa lớn lên kinh doanh cũng đi lên từ bàn tay trắng, tôi cũng vậy. Khi nhỏ, một buổi học, một buổi tôi đi cắt rau tự trồng, đi bán dưới chân cầu Đoàn Kết, để kiếm thêm tiền phụ giúp cha mẹ”, chị Hằng chia sẻ.

Cả nhà chị theo nghiệp kinh doanh cũng nổi tiếng ở Vị Thanh, sau khi chia tách tỉnh, cái tên An Phương có lẽ không xa lạ với nhiều người. Ba chị ngày xưa có nghề sửa đồng hồ, còn mẹ chị hồi đó may đồ rồi mang ra chợ bán. Chị kể, hồi đó nhà nghèo, ở quê đâu có hoa hồng, hoa hướng dương… sang trọng, chỉ có những chùm hoa dại mọc ven đường, nhưng chị thích ngắm, lâu lâu hái về cắm như… chơi nhà chòi. Học hết cấp III tại Vị Thanh, chị lên Thành phố Hồ Chí Minh học quản trị kinh doanh tại Đại học mở bán công (nay là Đại học mở Thành phố Hồ Chí Minh), ngành học lạ lẫm với học sinh nông thôn như chị bấy giờ, nhưng chắc có sẵn máu kinh doanh trong người, nên chị nghĩ học ngành này sẽ giúp ích được cho mình về sau.

Học xong đại học, chị ở lại Sài Gòn 6 năm làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài. Thời điểm khoảng năm 1998-1999, tiền lương 3,5 triệu đồng/tháng sống rất khỏe ở đất Sài Gòn hoa lệ. Thời gian này, vì đam mê, chị đăng ký học mấy khóa cắm hoa. Rồi tự mua hoa về trang trí trong nhà, chỉ làm cho vui…

Sau 6 năm làm việc, khi biết Hậu Giang thành lập tỉnh, chị nói với ba sẽ về quê làm một công việc kinh doanh phù hợp - mở shop hoa tươi, hoa giả… Biết ý định của con gái, ba chị phản đối, chị vẫn nhớ ông đã nói: “Ở Sài Gòn điều kiện ăn ở, sinh sống, công việc quá tốt, lương bổng đang ổn, về đó bắt đầu lại từ đầu. Mà ba ở Vị Thanh lâu nay cũng hiểu, xa Cần Thơ, chỉ có một đường đi lên Cần Thơ, dân cũng ít mà ai đâu nghĩ tới chuyện hoa lá mà kinh doanh”.

Biết gian nan trước mắt, nhưng chị không nản lòng, vì thấy được tiềm năng khi trung tâm tỉnh chuyển về đây. Vậy là tháng 2-2004, chị chuẩn bị đủ thứ từ hoa cỏ, giấy gói, kệ hoa… để kịp khai trương vào đúng dịp 8-3 năm đó. “Tôi về đây vì một phần là muốn thử sức kinh doanh. Ở đất Sài Gòn công việc không khó tìm vào những năm đó, nhưng làm công thì dễ, làm chủ thì khó, tôi muốn làm chủ kinh doanh, làm chủ cuộc đời mình. Ở Vị Thanh khi đó ai cũng biết là rất khó khăn, nhưng tôi đã chọn thì tin tưởng vào sự quyết định đó”, chị Hằng nhớ lại.

Trước ngày về Vị Thanh, gia đình chị Hằng gặp biến cố, chồng chị mất, con lại còn nhỏ, về lại quê hương cũng là cách giúp chị cân bằng cuộc sống. Cầm 15 triệu đồng trên tay, chị trở về nơi mình sinh ra để lập nghiệp. Khi đó, gian hàng hoa tươi của chị bán vỉa hè, nhờ vào tiệm photocopy (nay là tiệm cà phê) của người chị gái ngang shop hoa An Phương hiện tại. “Lúc đó, giá thuê căn nhà chỗ bán hoa tươi hiện giờ 900.000 đồng/tháng, nhưng chủ nhà bắt đóng trước 6 tháng, với 15 triệu đồng trong tay, phải chuẩn bị đủ thứ, đâu có tiền để thuê mặt bằng, nên chỉ bán vỉa hè thôi”, chị Hằng nhớ lại.

Ngày 8-3 năm đó khai trương shop hoa, bán không ngơi tay. Từ tờ mờ sáng đến tối muộn không kịp ăn cơm. Chị Hằng mừng thầm trong bụng, nghĩ đầu xuôi đuôi cũng xuôi, chắc làm ăn khá khẩm. Ai ngờ đâu, chỉ được mỗi ngày đó, những ngày sau khách vắng dần, chỉ có hội nghị hoặc tổng kết cần hoa người ta mới đặt, nhưng số lượng không nhiều. Tình trạng ế khách hoa tươi kéo dài đến hơn 3 năm, có tháng shop hoa của chị lỗ đến 7 triệu đồng, tháng ít lỗ cũng 3-4 triệu đồng. Đó là số tiền không nhỏ, nhưng chị chấp nhận, khởi đầu gian nan là kinh nghiệm. Chị bù lỗ bằng cách bán thêm những quà tặng nhỏ, gấu bông, hàng lưu niệm… “Làm kinh doanh, ai cũng có ước mơ lớn để phấn đấu, để định hướng, chứ không riêng gì tôi. Tôi muốn xây dựng một thương hiệu hoa tại tỉnh của mình, nhưng đôi lúc cũng làm tôi chạnh lòng, vì khách hàng khi đó quá ít”, chị Hằng trầm ngâm nhớ lại.

Đời sống người dân ngày một khá lên, sinh nhật, hội nghị hoặc các hoạt động khác, người dân, cán bộ, công chức, viên chức tại thành phố Vị Thanh và các địa phương lân cận bắt đầu chuộng tặng hoa hơn. Thế là tiệm hoa được nhiều người biết đến, doanh thu kinh doanh hoa tươi từ đủ bù đến lời, trở thành lĩnh vực kinh doanh chủ đạo của tiệm. Tiệm hoa của chị đã liên kết với vài chục cơ sở khác trong cả nước, dân trong nghề gọi là “Điện hoa”. Ở Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh cần là điện cho tiệm chị, sẽ thực hiện như mẫu yêu cầu để tặng tại các điểm trên địa bàn tỉnh. Có những khách hàng đặc biệt, đặt chị bó hoa gần 2 triệu đồng, với những nơi khác có lẽ không lớn, nhưng ở Vị Thanh đó là bó hoa đắt giá. Hiện tại, ngoài căn chị thuê từ trước, chị mở rộng thêm 2 căn liền kề, trong đó căn giữa bán hoa giả chị đã mua.

Tại shop hoa, chị Hằng thuê thường xuyên 8 nhân công, người có kinh nghiệm làm lâu được trả tiền công hơn 6 triệu đồng/tháng, người ít cũng 3-4 triệu đồng/tháng, ngày làm 8 tiếng. Khi vào dịp lễ tết, 8-3, 20-10, chị còn thuê thêm nhân công nếu có tay nghề, để gói hoa. Chị Nguyễn Thị Kim Cương, gắn bó với shop hơn 9 năm nay, chia sẻ: “Gắn bó lâu vì thú thiệt là tôi cần việc, nhưng điều quan trọng hơn nữa là cách đối xử của chị Hằng, chị Dung với nhân viên của mình, chân tình, nhẹ nhàng, hết lòng chỉ dẫn, chưa bao giờ la mắng này kia. Làm với chị lâu, ai cũng được xem như người thân trong gia đình vậy”.

Tiệm hoa làm ăn phát đạt, chị tổ chức đi du lịch mỗi năm 1 lần cho nhân viên làm đủ 1 năm tại shop hoa. Dù cơ sở kinh doanh nhỏ, nhưng cách quan tâm của chị khiến cho nhân viên thấy ấm lòng, gắn bó. Trong công việc chị nguyên tắc, còn trong cuộc sống chị thân tình.

“Kinh nghiệm của tôi chỉ gói gọn 3 điều: Thái độ phục vụ, chất lượng, giá bình dân. Nghề này học 1, thực hành 10, phải thật sự yêu lắm mới gắn bó. Mỗi ngày phải mỗi làm mới mình, phải thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của thị trường, chứ không hẳn có năng khiếu thôi đã trụ lại được. Người ta gọi là nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa mà. Hoa đã đẹp, mình phải làm cho đẹp hơn, tôn quý hơn… khi gửi đến khách hàng”, chị Hằng đúc kết.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>