Nghề không xây mà “chỉ phá”

06/01/2021 | 06:50 GMT+7

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu mở rộng, cơi nới thay đổi kiến trúc nhà ở ngày một phổ biến nên nghề phá dỡ bê tông nhà cũ cũng thịnh hành. Nghề này cũng giống như công việc “mua đi, bán lại” những thứ bỏ đi mà người khác cần.

Những người thợ tháo dỡ xác nhà cũ của nhóm Giang “Gòm” đang làm nghề.

Từ lâu, nghề mua bán nhà cũ được nhiều người biết đến là nghề thu mua sắt vụn phế liệu nên người mua cần phải quan sát kỹ trước khi hỏi mua. Bằng đôi mắt tinh tường của dân chuyên nghiệp trong nghề, chỉ nhìn thoáng qua, họ có thể biết được độ cứng của ngôi nhà còn bao nhiêu sắt thép có giá trị, rồi mới ra giá với chủ nhà. Khi đã thỏa thuận xong, bên mua phải nhanh chóng tháo dỡ sớm để giao mặt bằng cho chủ nhà thực hiện công trình. Hiện nay khi xã hội phát triển, người dân có nhu cầu xây dựng nhà mới ngày một nhiều nên người làm nghề này có cơ hội làm ăn. Những ngày cuối năm, cũng là thời điểm nhiều người muốn sửa sang, hay cất mới nhà cửa để đón tết, đây cũng là lúc những người thợ chuyên khoan cắt, đập phá bê tông và những tay “thầu” mua bán xác nhà cũ bận rộn với nghề.

Lần về thành phố Ngã Bảy gần đây, tôi gặp được Giang “Gòm”, ở phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy, chuyên nghề khoan cắt bê tông và tháo dỡ nhà cũ. Nhâm nhi với tôi ly cà phê trong quán nhỏ ven đường, Giang “Gòm” tâm sự: “Làm nghề này như tôi không cần phải có trình độ học thức cao, chỉ cần có đủ trang thiết bị máy khoan, búa tạ và đội quân “thiện chiến” thì các chủ thầu có thể làm ăn được với những công trình lớn”. Bây giờ, có nhiều ngôi nhà xây cất lâu chẳng những xuống cấp mà còn lỗi thời nên người ta cần đập cũ xây mới, nhờ vậy mà người làm nghề khoan cắt, “đập phá” bê tông như anh trở thành nghề hái ra tiền. Thường những chuyến đi “săn” công trình, nhà cũ mất khá nhiều thời gian, các ngôi nhà sẽ được đo đếm kỹ lưỡng lượng sắt, gạch, ngói, thậm chí sắt trong tường, hoặc trong các trụ bê tông, cũng được tính toán chính xác đến mức khó tin.

Hiện tại, anh Giang đang tháo dỡ nhà xưởng cho một chủ cây xăng nằm ven trên tuyến Quốc lộ 1A, thuộc xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, vài ngày nữa công việc hoàn tất, anh lại đưa quân đi nơi khác. Anh nói với tôi: “Ở đâu có nhu cầu là mình có mặt ở đó, có khi gặp mối làm xa mấy tháng mới được về thăm vợ con một lần. Mỗi chuyến đi, nếu tiêu xài tiết kiệm sẽ mang về được cho vợ con vài ba chục triệu đồng”.

Dưới cái nắng chói chang của đầu năm mới, gần chục lao động đang đào bới, đục gõ những tấm bê tông vừa bị khoan sập. Tiếng búa tạ, máy đục va vào những tấm đan vang lên nghe chan chát, lửa bắn tung tóe, ai nấy cũng đều mồ hôi nhễ nhại chảy ra khắp người. Dừng tay nghỉ mệt, anh Sáu Thường nói khẽ với tôi, nghề này chỉ phù hợp với lứa tuổi thanh niên. Bởi đòi hỏi người làm phải có sức khỏe dẻo dai, bền bỉ không cần phải qua trường lớp đào tạo, mà chỉ có nghề dạy nghề, người đi trước truyền kinh nghiệm cách khoan cắt, đập phá cho người đi sau là được.

Là người gắn bó nhiều năm với nghề đập phá xác nhà cũ cùng nhóm thợ của Giang “Gòm”, anh Tư Dương, quê ở tận Kiên Giang, kể cho tôi nghe chuyện làm công: “Nghề này không chỉ vất vả mà nguy hiểm chực chờ. Nếu đã chấp nhận làm nghề này là phải bán sức lao động, bán cả mồ hôi nước mắt, số tiền công kiếm được cũng chỉ 300.000-400.000 đồng/ngày. Mỗi công trình tháo dỡ khoảng 5-7 ngày, nếu chủ thầu “trúng mánh” lời nhiều thì thưởng trả thêm công cho anh em chút đỉnh. 

Buộc chặt cái áo ngang bụng, lấy vội chiếc khăn tay đã thấm nước, anh Năm Hòa, quê ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, vung cây búa tạ cả chục ký lên cao bổ xuống tấm đan khiến bụi bay mù mịt, bê tông vỡ vụn văng tung tóe. Năm Hòa nện thêm mấy phát búa vào khối bê tông rồi nhìn tôi cười nói: “Nghề phá dỡ bê tông, nhà cũ là nhọc nhằn vậy đó, ngoài phải vận dụng sức lực đập phá thì còn phải hít thêm khí bụi từ các vật liệu mà mình đang phá dỡ”.

Do nghề đặc thù nên ít ai trang bị những món đồ bảo hộ như mắt kính, mũ nhựa để phòng mảnh vật liệu, hay đinh vít rơi trúng mắt, đầu… trong lúc thi công đập phá. Vì thế, mỗi người bảo nhau cẩn thận lúc tháo dỡ, chủ thầu hay chủ nhóm luôn suy nghĩ tìm cách hoàn thành sớm công việc và an toàn cho anh em. Rồi bỗng dưng giọng Năm Hòa như chùn xuống khi nhớ về vụ tai nạn sập, đổ tường cách đây vài năm trong lúc nhiều người đang đập phá một căn nhà ở tỉnh Bình Dương. Sau vụ tai nạn đó, vợ con Năm Hòa tức tốc lên tận công trình nằng nặc bắt Năm Hòa bỏ cuộc quay về. Giờ thì lắm lúc nhớ lại chuyện xưa, cứ mỗi lần cầm búa làm nghề, Năm Hòa thấy trong lòng cũng sợ, nhưng rồi cũng được đôi ba tháng lại tiếp tục vác búa lên đường. Anh nói một phần vì nhớ nghề, một phần vì sự mưu sinh nuôi sống gia đình. Hơn 10 năm trong nghề, hơn ai hết, Năm Hòa cho biết việc phá dỡ công trình cũ sẽ tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm hơn xây dựng một ngôi nhà mới. Bởi hầu hết các công trình mà anh em đang làm, đều được xây dựng từ rất lâu, tuổi thọ cao và không có bản vẽ thiết kế để lại nên kết cấu và vật liệu công trình luôn là ẩn số đối với mỗi người thợ. Do đó, để tồn tại lâu dài với nghề, ngoài sức khỏe, họ buộc phải biết cách tự bảo vệ mình.

Câu chuyện của tôi và Năm Hòa như còn chưa đi đến hồi kết thúc, nhưng vì công việc anh phải trèo lên ngôi nhà đang phá dỡ giữa cái nắng ban trưa. Trên đó, nhóm đội quân đập phá nhà của Giang “Gòm” đang mỏng manh lưng áo, ai nấy mặt đỏ bừng, dùng hết sức mình vung tay búa...

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>