Khó xử lý súc vật thả rông

22/05/2018 | 08:33 GMT+7

Hiện nay, tình trạng người dân chăn dắt, thả rông súc vật tại những nơi công cộng và trên các tuyến đường giao thông diễn ra khá phổ biến. Việc này vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, vừa ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Việc thả rông chó tại khu vực công cộng, không tiêm phòng cho chó có thể bị phạt tiền đến 1,6 triệu đồng. 

Không khó để bắt gặp hình ảnh những con chó đi lại thong dong trên các tuyến đường nội ô của phường I, thành phố Vị Thanh, hay dọc theo bờ kè kênh xáng Xà No vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Theo quan sát, những con chó này đều không có rọ mõm và người quản lý.

Anh Trần Ngọc Tuấn, ở khu vực 3, phường I, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Tôi hay dắt con ra chơi ở bờ kè và thường bắt gặp nhiều con chó thả rông nhưng không biết chủ của chúng nó là ai”.

Tình trạng chó thả rông không rọ mõm, không có người trông coi còn xuất hiện khá phổ biến tại nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh. Theo ghi nhận của phóng viên, vào mỗi buổi sáng, trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua địa phận thị xã Ngã Bảy hay Quốc lộ 61C đoạn qua huyện Châu Thành A có hàng chục con chó thản nhiên đi lại ven đường, trong khi bên ngoài xe máy, ôtô di chuyển với tốc độ cao nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Cụ thể là mới đây, trên đường đi làm về qua địa phận thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, anh L.P.T., ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, bất ngờ bị một con chó thả rông lao vào xe máy khiến anh T. bị ngã gãy xương bả vai phải nhập viện. 

Việc thả rông vật nuôi, gia súc không những làm cản trở, mất an toàn giao thông mà còn gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Để chế tài hành vi này, pháp luật đã có những quy định xử phạt đối với vi phạm về việc chủ nuôi thả gia súc, vật nuôi không quản lý, lấn chiếm lòng đường.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.

Bên cạnh đó, để nâng cao ý thức của người dân về quản lý vật nuôi nói chung, chó, mèo nói riêng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực từ cuối năm 2017. Theo đó, người nuôi chó thả rông, không tiêm phòng cho chó sẽ bị phạt tới 1,6 triệu đồng; trường hợp chủ vật nuôi để chó thả rông cắn người hoặc cản trở phương tiện giao thông gây tai nạn, thì phải chịu mọi chi phí điều trị và các chi phí liên quan.

Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, tình trạng người vi phạm chăn, thả rông gia súc, vật nuôi hiện đang diễn ra phổ biến. Còn người bị gia súc, vật nuôi cản trở, gây tai nạn giao thông thì vẫn phải tự chịu chi phí, do khó xác định được ai là chủ của vật nuôi để yêu cầu bồi thường.

Ông Trương Ngọc Trưng, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Từ khi Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y được thực thi, đơn vị và các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các hộ dân không thả rông vật nuôi ra đường. Tuy nhiên, để áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm hiện gặp không ít khó khăn do thiếu lực lượng kiểm tra, giám sát, chủ yếu tiến hành tuyên truyền, nhắc nhở là chính.

“Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật, nhằm đảm bảo an toàn giao thông và phòng, tránh các loại dịch bệnh”, ông Trưng khẳng định.

Việc thả rông vật nuôi trên đường hay tại khu vực công cộng không chỉ gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người đi bộ trên đường nếu chẳng may bị chúng tấn công. Để tránh tình trạng này, người dân cần quản lý tốt vật nuôi, hạn chế thả rông ra đường, tiêm phòng đầy đủ; còn người tham gia giao thông cũng cần giảm tốc độ khi có súc vật trên đường, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 10, Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với người có hành vi điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường dành cho xe cơ giới,…       

 

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>