Hỗ trợ lao động cho doanh nghiệp

20/03/2019 | 07:59 GMT+7

Hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động cho doanh nghiệp, một trong những giải pháp hiệu quả giúp người lao động có việc làm ổn định ngay tại địa phương và doanh nghiệp có đủ nguồn lao động để đảm bảo sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay công tác này trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Hoạt động hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động cho các doanh nghiệp, luôn là mục tiêu quan trọng được các cấp, các ngành tập trung quan tâm.

Khi doanh nghiệp “khát” nguồn lao động

Theo thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh, năm 2018 đã tiếp nhận đề nghị cung ứng 15.119 lao động cho 131 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong đó, lao động phổ thông là 14.358 người, lao động chuyên môn là 761 người. Với số lượng lao động cần khá lớn này, sở cũng đã đề ra nhiều giải pháp để thông tin, tuyên truyền thu hút người lao động. Tuy nhiên, số lượng lao động tuyển dụng, đào tạo cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Là một trong những đơn vị có nhu cầu hỗ trợ tuyển dụng lao động để đảm bảo hoạt động sản xuất, ông Tôn Ngọc Mẫn, Giám đốc nhân sự Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang, tâm sự: “Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp đều thiếu lao động, nhưng với tâm lý người lao động ngại đi làm xa, nên số lượng lao động chúng tôi tuyển được không nhiều. Trước giờ, lao động tại địa bàn tỉnh đang làm việc cho công ty chỉ có khoảng 2.000 người, chiếm 30-35%, chủ yếu họ là người dân ở huyện Châu Thành. Cũng vì vậy, tôi mong muốn Sở LĐ-TB&XH và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, mở rộng tuyên truyền về nhu cầu tuyển dụng của công ty đến các địa bàn như Long Mỹ, Phụng Hiệp… để chúng tôi tuyển được nhiều lao động hơn”. Năm qua, Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang đã tuyển dụng được 1.500 lao động, theo đó trong năm 2019 đơn vị sẽ tiếp tục tuyển thêm 2.000 lao động.

Ngoài tuyển dụng lao động phổ thông để trực tiếp đào tạo, hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng quan tâm đến việc tuyển chọn người lao động có tay nghề, có trình độ. Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng tổ chức hành chính - nhân sự, Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Sông Hậu 1, nói: “Do nhà máy hoạt động sử dụng công nghệ tiên tiến nhất thế giới, vì vậy chúng tôi đòi hỏi người công nhân, kỹ sư phải có trình độ tương đối đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, thiết bị, tài liệu được dùng tại nhà máy cũng sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh, nên bắt buộc nhân sự phải có trình độ ngoại ngữ. Cũng vì vậy, tôi mong muốn trong công tác đào tạo, chúng ta nên quan tâm, đào tạo trình độ ngoại ngữ để người lao động từng bước đáp ứng nhu cầu hiện đại”. Được biết, đa phần lao động được tuyển dụng làm việc tại nhà máy phải có trình độ từ trung cấp trở lên, đặc biệt phải có trình độ ngoại ngữ cần thiết. Vừa qua, Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Sông Hậu 1 cũng đã tiến hành tuyển dụng 50 kỹ sư vận hành và 110 công nhân, nhưng chỉ tuyển được 10 kỹ sư vận hành là lao động tại Hậu Giang.

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong tuyển dụng

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền các thông tin tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong đào tạo nghề. Ông Lý Minh Tâm, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Với vai trò là đơn vị đào tạo lao động, năm qua chúng tôi luôn cố gắng tuyên truyền vận động để đảm bảo đủ nguồn lao động cung ứng cho các đơn vị đặt hàng. Bên cạnh chủ động đi tìm người lao động để mở lớp, chúng tôi mong muốn doanh nghiệp cùng đồng hành trong việc tuyển dụng và đào tạo, để họ hiểu thêm về tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Được như vậy thì lao động sẽ dễ dàng gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hơn”. Năm 2018, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vị Thủy đã mở được 11 lớp may công nghiệp.  Theo đó, ngoài cung ứng lao động cho đơn vị đặt hàng đào tạo, trung tâm còn chủ động mời gọi các doanh nghiệp ở xa đặt cơ sở tại địa bàn, để giúp người lao động ngoài độ tuổi lao động học nghề có việc làm ổn định.

Cũng là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn chủ động tìm hiểu nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu lao động trên địa bàn để có hướng đào tạo nghề phù hợp, ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A, cho biết: “Năm 2018, trung tâm đào tạo được 12 lớp, trong đó có 11 lớp may công nghiệp cung ứng cho các công ty trong và ngoài địa bàn. Thời gian qua, trung tâm luôn phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng và đào tạo. Ngoài đào tạo cho doanh nghiệp, nắm bắt được tâm lý của người lao động khi không muốn đi làm xa, chúng tôi cũng tăng cường đào tạo các lớp cung ứng cho đơn vị tại địa bàn”.

Có thể thấy, giải quyết việc làm cho người lao động luôn là vấn đề được các cấp, các ngành tập trung quan tâm hàng đầu. Vì khi người lao động có việc làm ổn định sẽ góp phần rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đây còn là cách để giúp các địa phương từng bước kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Cũng vì lẽ đó, hàng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội luôn chủ động tổ chức nhiều hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng, đào tạo lao động.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>