Đẩy mạnh xuất khẩu lao động - Vì cuộc sống người dân

27/08/2019 | 09:02 GMT+7

Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân. Hậu Giang đã và đang đẩy mạnh hoạt động này, với những giải pháp, cách làm căn cơ hơn.

Người lao động được tư vấn về mức lương, ngành nghề khi đi làm việc ở nước ngoài.

An tâm khi ra nước ngoài làm việc

Bên cái bàn giữa nhà, bà Cao Thiên Hương, ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, đang trò chuyện cùng mọi người. Bà Hương cho biết: “Cuộc sống gia đình tôi đã bước sang trang mới, tất cả đều nhờ người con trai đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản”.

Con trai của bà, anh Nguyễn Hữu Trí đi xuất khẩu lao động đã 3 năm nay. Anh Trí đang làm việc trong ngành xây dựng, lương mỗi tháng cũng trên 30 triệu đồng. Những lúc làm thêm lương khoảng 40-50 triệu đồng, trừ chi phí sinh hoạt bình quân mỗi tháng cũng gửi về gia đình trên 20 triệu đồng. “Nhờ có Trí, nếu không gia đình tôi làm sao được như thế này”, bà Hương chia sẻ. Theo bà Hương, ước tính trong 3 năm qua anh Trí đã gửi về gia đình hàng trăm triệu đồng. Đây là số tiền mà trước đây có nằm mơ bà cũng không dám nghĩ đến.

Trước khi đi xuất khẩu lao động, anh Trí đã học đại học ngành xây dựng Trường Đại học Cần Thơ. Vào làm việc ở công ty, không chỉ mức lương đảm bảo, mà anh còn được công ty tổ chức đi tham quan du lịch, cùng các hoạt động phúc lợi khác. Bà Hương cho biết: “Trí đi làm 3 năm, về thăm nhà được hai lần. Một lần đi cùng đoàn của công ty về Việt Nam chơi, một lần về làm giấy tờ để sang làm thêm 2 năm nữa. Trong lần về sau này, Giám đốc bên công ty của Trí đã đến tận nhà thăm gia đình. Thấy phía công ty quan tâm như vậy, làm cha làm mẹ chúng tôi cũng yên tâm”.

Xuất khẩu lao động là giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, giúp người dân cải thiện cuộc sống, vươn lên khá giàu, đem ngoại tệ về địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, hoạt động này cũng nhằm đào tạo nguồn lao động có kỹ năng, tay nghề cao, có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khỏe, đáp ứng nhu cầu của công việc phục vụ nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ông Cao Thành Nhượng, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vị Thủy, cho biết: “Người dân đi xuất khẩu lao động, nếu chịu khó lao động, tích góp, sau 3 năm lao động xa xứ, khi trở về quê đều tích góp được từ vài trăm triệu đồng, có khi lên đến hơn tỉ đồng. Từ đó, không chỉ thoát nghèo bền vững, mà còn trở thành hộ khá giàu ở địa phương”. Từ đầu năm đến nay, huyện Vị Thủy có 14 người đi xuất khẩu lao động, đạt 100% chỉ tiêu năm.

Lựa chọn thị trường tiềm năng

Để người dân hiểu rõ ý nghĩa của xuất khẩu lao động, ngành lao động - thương binh và xã hội đã phối hợp với các ngành liên quan và các xã, phường, thị trấn, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn cho người lao động về hiệu quả của xuất khẩu lao động, cũng như các chính sách hỗ trợ. Đồng thời, thông tin về cơ hội làm việc ở những thị trường tiềm năng có thu nhập cao đến người dân. Qua tìm hiểu thông tin, anh Ngô Trường An, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm đăng ký đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Anh An bộc bạch: “Trước đây, tôi đi nghĩa vụ quân sự có học về kiến trúc đồ họa, vì vậy, tôi đăng ký ngành xây dựng, vì nó phù hợp với năng lực của mình. Qua tìm hiểu tôi biết mức lương ngành này từ 30  triệu đồng trở lên”.

Lúc anh An quyết định đi xuất khẩu lao động, gia đình đã ngăn cản, vì nhà chỉ có 3 người con. Với lại gia đình cũng không đến nỗi túng thiếu. Song vì quyết tâm, mong muốn được đi làm ở nước bạn, An đã thuyết phục được gia đình. “Tôi đã thi đậu kỳ thi tiếng Hàn Quốc, đến tháng 9 sẽ tham gia kỳ thi tay nghề, nếu đạt kỳ thi này tôi sẽ được sang Hàn Quốc làm”, An chia sẻ.

Cũng mong muốn được làm việc ở thị trường Hàn Quốc, chị Võ Thị Ngọc Quyên, ở xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tìm hiểu thông tin và đăng ký đi xuất khẩu lao động. Theo chị Quyên, do có người thân đã sang Hàn Quốc làm, nên chị cũng mạnh dạn đăng ký đi. Với lại, chị thấy nhiều người đi xuất khẩu lao động giúp đỡ được gia đình rất nhiều, nên chị cũng quyết tâm. Sau khi xem xét cơ hội làm việc ở các nước như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, chị chọn Hàn Quốc vì thu nhập cao, công việc ổn định. “Dẫu gia đình có ít con, song khi con muốn đi làm ở nước ngoài vợ chồng tôi cũng đồng ý, bởi đây là điều kiện giúp con nâng cao trình độ, tay nghề và tác phong làm việc”, bà Phạm Thị Bé Xuyên, mẹ chị Quyên cho hay.

Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ góp phần giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững của tỉnh. Do đó, công tác xuất khẩu lao động luôn được các ngành, các cấp quan tâm và có sự phối hợp chặt chẽ với các công ty hoạt động xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội còn hỗ trợ cho người lao động thuộc đối tượng là hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc Khmer vay vốn đi xuất khẩu lao động…

Từ sự chung tay của nhiều sở, ban, ngành và địa phương, xuất khẩu lao động tin chắc rằng sẽ có những điểm sáng đáng phấn khởi, là cách quan trọng để cho người dân làm giàu.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 76 người đi xuất khẩu lao động. Trong đó, Hàn Quốc có 8 người, Đài Loan 51 người và Nhật Bản 17 người.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>