Đẩy mạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm

05/05/2020 | 20:16 GMT+7

Huyện Phụng Hiệp đã và đang tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm bằng những cách làm hiệu quả, sau một thời gian có gián đoạn do dịch bệnh.

Lớp dạy nghề đan dây nhựa cho lao động nông thôn ở huyện Phụng Hiệp (lớp được mở trước khi có dịch).

Tạo nhiều cơ hội việc làm

Huyện Phụng Hiệp còn 4.160 hộ nghèo, chiếm hơn 8%. Có thể tỷ lệ còn cao so với các địa phương khác, nhưng đây là một sự nỗ lực lớn. Một trong những giải pháp giảm nghèo là tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động, cùng với việc tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với khoa học kỹ thuật, nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt… Theo kế hoạch, năm nay huyện tạo việc làm mới cho gần 2.600 lao động, trong đó cung ứng ngoài tỉnh 500 lao động, giải quyết việc làm tại chỗ cho trên 1.900 lao động, xuất khẩu gần 130 lao động; số lao động được đào tạo nghề là 400 người… Tất cả nhằm đạt tỷ lệ giảm nghèo ở mức 2,5% trong năm nay.

Bà Đỗ Thị Ngọc Trúc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Để đạt được mục tiêu trên, chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân quyết tâm phấn đấu vượt nghèo, rà soát, khảo sát nhu cầu thực tế, nắm nhu cầu của người lao động đang cần, đang thiếu để có hướng đề xuất kịp thời; phối hợp tổ chức Ngày hội tư vấn việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động; có kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với giải quyết việc làm, đảm bảo đúng đối tượng…”.

Từ đầu năm, huyện đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 400 người dân và bộ đội xuất ngũ, hướng đến thị trường lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc… Thời gian gần đây, việc này bị gián đoạn vì dịch bệnh. Giờ, đang lên kế hoạch tiếp tục khẩn trương thực hiện trở lại.

Xây dựng mô hình hiệu quả

Anh Nguyễn Tấn Công, cán bộ phụ trách giảm nghèo thị trấn Búng Tàu, chia sẻ, việc rà soát được thực hiện thường xuyên, đặc biệt là dịp đầu năm, qua tổ chức đối thoại, đi đến từng hộ… để nắm thật sát, nhằm đề xuất mở những lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm thích hợp.

Tìm đến cơ sở may gia công của anh Nguyễn Văn Đợi, ở ấp Hòa Hưng, thị trấn Búng Tàu, một trong những nơi đang thu hút lao động tại chỗ với công việc ổn định, thu nhập khá. Cơ sở này có gần 20 lao động tại địa phương. Vợ chồng anh Đợi từng đi Thành phố Hồ Chí Minh may gia công cho công ty, hơn 2 năm trước, muốn trở về quê để mở một cơ sở may gia công nhỏ, có liên kết với các cơ sở sản xuất lớn để hàng được bao tiêu đầu ra. Anh được địa phương tạo điều kiện vay lãi suất thấp, hỗ trợ chi phí mua sắm trang thiết bị. Anh chia sẻ: “Người đến đây may, mỗi tháng được từ 4-6 triệu đồng. Lúc hàng nhiều, có đến 20 người. Đa phần là chị em phụ nữ trong ấp. Tôi dự kiến nếu thuận lợi đầu ra, sẽ tiếp tục mở rộng xưởng may này”.

Cùng với mô hình này, một số mô hình ở các xã, thị trấn khác trong huyện cũng được triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực, như đan ghế, giỏ bằng dây nhựa, đan lục bình ở các xã: Hiệp Hưng, Phương Phú, Tân Long, Hòa Mỹ, Thạnh Hòa và được bao tiêu đầu ra; xây dựng mô hình thoát nghèo, mỗi mô hình có hơn 10 hộ tham gia, tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn từ 10-15 triệu đồng/hộ, để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, như mô hình trồng lúa, nuôi cá ở xã Hòa An, xã Long Thạnh.

Ông Đặng Việt Hiểu, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, cho biết, những mô hình này đã, đang và sẽ được tập trung thực hiện, bởi nó mang lại hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thiết thực và được người dân ủng hộ. Những cách này sẽ được tiếp tục phát huy, từng bước góp phần nâng cao đời sống của người dân, giảm nghèo hiệu quả, bền vững.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>