Đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường

18/03/2021 | 06:07 GMT+7

Nhờ tham gia các lớp học nghề, nhiều lao động nông thôn đã tìm được việc làm và có cuộc sống tốt hơn. Câu chuyện dạy nghề, học nghề đã không còn mới, hiệu quả không hẳn toàn diện, nhưng hiện nay dạy nghề theo nhu cầu thị trường đã được chú trọng.

Công tác đào tạo nghề bài bản, đúng nhu cầu, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Theo ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A, thời gian qua, trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH Phương Thảo, Công ty TNHH Lạc Tỷ II để đào tạo nghề may công nghiệp. Theo đó, chương trình đào tạo được các bên phối hợp, nhờ vậy bám sát thực tiễn, cộng thêm giáo viên tâm huyết, tận tình hướng dẫn, nhờ vậy sau khi hoàn thành khóa học, các học viên đều nắm được kiến thức, kỹ năng để áp dụng vào dây chuyền sản xuất của công ty, doanh nghiệp. Nhờ vậy, tỷ lệ có việc làm cao. “Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo bà con Nhân dân. Nhiều người nhờ được học nghề, có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho gia đình. Đây cũng được xem là một trong những giải pháp giúp người dân địa phương thoát nghèo hiệu quả”, ông Trí cho biết.

Trước đây, kinh tế gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Linh, ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A khá khó khăn bởi chị chỉ ở nhà lo nội trợ, trông con nhỏ, còn chồng chị đi làm thuê, cuộc sống cứ túng thiếu. Vì vậy, khi được học nghề theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn rồi vào làm ở Công ty TNHH Phương Thảo, cả nhà rất phấn khởi. “Ban đầu tay nghề chưa cao, nhưng dần dần tôi đã thành thạo hơn, biết áp dụng những kiến thức được đào tạo để nâng cao chất lượng và làm nhanh hơn. Đến nay thu nhập của tôi cũng được vài triệu đồng/tháng, với gia đình vùng nông thôn chúng tôi có thêm khoản thu nhập hàng tháng như vậy mừng lắm”, chị Linh hồ hởi cho biết.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh luôn quan tâm công tác này. Theo ông Nguyễn Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung, những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn. Trong thời gian thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cái được lớn nhất là người nông dân đã thay đổi được nhận thức, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào mảnh vườn, thửa ruộng để tăng năng suất. Đồng thời, tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm một số nghề phù hợp như đan dây nhựa, đan lục bình, góp phần gia tăng thu nhập cho gia đình.

Để tạo việc làm cho người lao động sau học nghề, với các nghề phi nông nghiệp, tỉnh cùng các cơ sở đào tạo liên kết với doanh nghiệp để tạo việc làm, cũng như bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Với nghề nông nghiệp, với sự hướng dẫn tận tình của các giáo viên, mọi người đã tiếp thu được kỹ thuật, để ứng dụng vào mảnh vườn, thửa ruộng của gia đình, góp phần tăng năng suất.

Theo ông Nguyễn Văn Kiệt, ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, gia đình ông có 5 công ruộng, trước đây chủ yếu trồng lúa, thế nhưng những năm trở lại đây bị chuột cắn phá, năng suất giảm. Điều đó đồng nghĩa thu nhập gia đình giảm đáng kể. Năm 2017, ông được địa phương vận động học nghề trồng cây có múi, ông quyết định tham gia. Sau thời gian học, ông đã nắm vững được kỹ thuật trồng và biện pháp phòng trị bệnh trên cây có múi, nên mạnh dạn chuyển 5 công đất trồng lúa sang trồng chanh không hạt. “Sau 24 tháng chăm sóc, năm đầu tiên gia đình thu lời được 42 triệu đồng, sang năm thứ hai nhờ năng suất tăng lên và giá bán cũng cao hơn, gia đình thu được 92 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí đầu tư”, ông Kiệt chia sẻ.

Những người như chị Linh, ông Kiệt được học nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Sau thời gian thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm tổ chức thực hiện và đạt được một số kết quả quan trọng.

Các cơ sở dạy nghề không chỉ thuần túy dạy nghề mà còn tư vấn, hướng dẫn người dân cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh, bảo đảm đầu ra sản phẩm hoặc tiếp nhận lao động sau khi học nghề. Từ đó, giúp lao động nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống và từng bước thoát nghèo bền vững, nhằm nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. Được biết, năm 2020, tỉnh đào tạo nghề cho 11.195 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61,19%, vượt 3,51% so với kế hoạch.

Năm 2021, tỉnh sẽ đào tạo nghề cho 6.500 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,19%. Để thực hiện đạt chỉ tiêu này, tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng và đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là đào tạo nghề gắn với việc làm góp phần nâng cao chỉ số đào tạo nghề thuộc bộ chỉ số PCI của tỉnh. Tăng cường tư vấn hướng nghiệp, tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Chú trọng các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; kết nối đồng bộ giữa đào tạo nghề với tạo việc làm, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động trong doanh nghiệp...

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>