Vị Thanh 15 năm trưởng thành và phát triển

07/02/2019 | 07:28 GMT+7

Sau 15 năm thành lập tỉnh, quê hương Hậu Giang đã thật sự “thay da đổi thịt” từ thành thị đến nông thôn, trong đó, thành phố Vị Thanh, trung tâm tỉnh là địa phương có sự chuyển biến rõ nét nhất.

Ông Võ Minh Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vị Thanh, trong một lần đi trao quà cho người nghèo.

Nói thành phố Vị Thanh có sự chuyển biến rõ nét nhất cũng không sai. Bởi lẽ, ngoài là tỉnh lỵ, nhiều công trình lớn được Trung ương và tỉnh ưu tiên đầu tư, như: công viên - kè Xà No; Nhà thi đấu đa năng, Khu di tích lịch sử văn hóa chiến thắng Chương Thiện, hàng loạt siêu thị lớn, Khu hành chính thành phố; cầu Cái Tư, cầu Xà No; đường nối Vị Thanh - Cần Thơ,… với tổng vốn đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng, góp phần tạo nên bộ mặt đô thị Vị Thanh sáng - xanh - sạch - đẹp… Bên cạnh đó, hầu hết trụ sở hành chính của tỉnh đều xây dựng trên địa bàn thành phố nên đã làm cho bộ mặt Vị Thanh đổi mới từng ngày.

Là người con sinh ra, lớn lên và gắn bó trong suốt quá trình học tập, làm việc ở vùng đất này, đặc biệt là tôi cũng có được may mắn là đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo nên hơn ai hết tôi đã chứng kiến sự thay đổi từng ngày của quê hương mình. Đáng chú ý là sau 15 năm thành lập tỉnh Hậu Giang, thành phố Vị Thanh đã “thay da, đổi thịt”, tạo nên một diện mạo mới, một thành phố trẻ năng động xứng đáng là thành phố trung tâm của tiểu vùng Tây sông Hậu - cửa ngõ Bắc bán đảo Cà Mau, đô thị vệ tinh của thành phố Cần Thơ.

Một góc thành phố Vị Thanh.

Để có được Vị Thanh hôm nay, ngoài những lợi thế về mặt vị trí địa lý như đã nói ở trên, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phối hợp của các sở, ngành tỉnh, một nhân tố phải kể đến đó là vai trò của Đảng bộ thành phố ngày càng được phát huy. Từ đó, phát huy nội lực gắn với kêu gọi, thu hút đầu tư ngày càng tăng, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ trong tiến trình đô thị hóa, xây dựng hoàn thiện dần kết cấu hạ tầng đô thị; kinh tế thành phố có bước tăng tốc rõ nét.

Tuy nhiên, điểm nhấn và cũng là điều tôi thấy tâm đắc nhất sau 15 năm thành lập tỉnh và Vị Thanh trở thành tỉnh lỵ chính là Đảng bộ thành phố Vị Thanh đoàn kết một lòng tạo thành sức mạnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra theo hướng phát triển “năm sau cao hơn năm trước”. Có thể nêu vài con số cụ thể sau:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 18,76% (năm 2006) lên 21,44% (năm 2010). Đến năm 2015 đạt 10,88% theo cách tính mới, so với mặt bằng chung của tỉnh Hậu Giang 6,6%. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân tăng 4,79% so với năm 2015.

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Năm 2010, khu vực I (nông nghiệp) chiếm 7,79%; khu vực II (công nghiệp - xây dựng) chiếm 27,70%; khu vực III (thương mại - dịch vụ) chiếm 64,51%. Năm 2015, khu vực I chiếm 5,07%, khu vực II chiếm 20,70%, khu vực III chiếm 74,23. Năm 2018, khu vực I chiếm 10,10%, khu vực II chiếm 41,39%, khu vực III chiếm 48,51%. Dự kiến đến năm 2020, khu vực I chiếm 8,17%, khu vực II chiếm 51,82%, khu vực III chiếm 40,01%.

- Thu nhập bình quân đầu người/năm tăng lên không ngừng từ 8,69 triệu đồng năm 2005 lên 32 triệu đồng năm 2010. Đến năm 2015 tăng lên 42,64 triệu đồng/người/năm (tương đương 1.952 USD) so với thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2015 là 36,5 triệu đồng. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người 50 triệu đồng/người, tăng 1,2 lần so với năm 2015.

Nhìn một cách tổng thể, 15 năm qua nhất là 5 năm gần đây, tình hình kinh tế phát triển khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, nhất là hạ tầng các xã nông thôn mới; nhiều công trình xây dựng cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; công tác quản lý đô thị, quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng ngày càng tốt hơn và đi vào nền nếp; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi. Các lĩnh vực về văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững và ổn định. Công tác xây dựng chính quyền các cấp được chú trọng tăng cường, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Quan tâm củng cố, xây dựng nội bộ Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; luôn được đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Tuy nhiên, để trở thành đô thị loại II, xứng tầm với vị trí trung tâm của tỉnh, Đảng bộ, dân và quân cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa từ đây đến cuối nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ. Với mục tiêu “Tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phát triển kinh tế bền vững, gia tăng giá trị ngành, lĩnh vực sản xuất theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Giữ vững quốc phòng, an ninh, kỷ luật, kỷ cương; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh”, Thành ủy tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Chúng tôi sẽ nỗ lực huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch; ưu đãi, khuyến khích kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn; điều chỉnh quy hoạch phát triển thương mại - dịch vụ chưa hợp lý, định hướng phát triển thương mại - dịch vụ theo tuyến, khu dân cư. Rà soát, khẳng định vùng sản xuất không hiệu quả, cơ cấu, phân vùng lại để đầu tư sản xuất tập trung theo hướng nâng cao giá trị sản xuất; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo hình thức hợp tác gắn với xây dựng nông thôn mới.

Huy động tối đa mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị theo hướng đạt chuẩn đô thị loại II; quản lý đô thị, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng chặt chẽ; xây dựng  đô thị văn minh.

Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; quan tâm nâng chất lượng các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhất là chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đảm bảo quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền trong sạch, năng động, hoạt động có hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính một cách đồng bộ, thống nhất từ thành phố đến phường, xã.

Đặc biệt, Đảng bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động chất lượng, hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Tiếp tục nâng chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội

Giai đoạn 2005-2010: 18.000 tỉ đồng, tăng bình quân 180,29%/năm.

Giai đoạn 2010-2015: 22.896 tỉ đồng, tăng 3,9 lần so năm 2010.

Nửa đầu giai đoạn 2015-2020: 8.854 tỉ đồng.

 

Tốc độ đô thị hóa

Giai đoạn 2005-2010: tỷ lệ đô thị hóa đã tăng từ 35% năm 2005 lên 68% năm 2010.

Giai đoạn 2010-2015: tỷ lệ đô thị hóa khá cao ở mức 76,6%, tăng bình quân 1,72%/năm.

Nửa đầu giai đoạn 2015-2020: tỷ lệ đô thị hóa đạt ở mức 67,99%, tăng bình quân 1,44%/năm.

Hiện thành phố thực hiện đạt 2/5 tiêu chí, 53/59 tiêu chuẩn, với tổng số điểm là 75/100.

 

VÕ MINH TÂM

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vị Thanh

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>