Vì sự phát triển của doanh nghiệp

23/05/2019 | 08:08 GMT+7

Thời gian qua, Hậu Giang rất nỗ lực kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, bằng những chính sách ưu đãi như đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ... nhằm thu hút nhà đầu tư.

Thời gian qua, Hậu Giang rất nỗ lực giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Nỗ lực cải cách hành chính

Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Đặc biệt là các sở, ngành liên quan đã giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính so với quy định. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho hay: Hiện tại, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ trong thời hạn 1,5 ngày làm việc (so với quy định là 3 ngày làm việc), cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được Quyết định chủ trương đầu tư (so với quy định là 5 ngày làm việc). Đơn vị còn tham mưu UBND tỉnh báo cáo thẩm định đề xuất quyết định chủ trương đầu tư tối đa 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư của doanh nghiệp (so với quy định là 35 ngày làm việc). Chỉ riêng 4 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã cấp mới giấy đăng ký doanh nghiệp được 195 doanh nghiệp, với tổng vốn 945,84 tỉ đồng.

Đối với các ngành liên quan như Cục Thuế tỉnh cũng rút ngắn thời gian nộp thuế không quá 119 giờ/năm, có 100% doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế qua mạng và đăng ký nộp thuế điện tử đạt 99,94% và 100% hồ sơ hoàn thuế và 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định. Còn Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục bảo hiểm xã hội không quá 49 giờ/năm, giải quyết đúng hẹn các hồ sơ. Sở Tài nguyên và Môi trường thì rút ngắn thời gian các thủ tục, giảm thời gian và chi phí thực hiện đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản không quá 20 ngày làm việc...

Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện các hoạt động như hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng và người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hoạt động tư vấn pháp luật. Duy trì tổ chức đối thoại chính quyền với doanh nghiệp hàng quý từ năm 2017 đến nay. Ngoài ra, còn tổ chức các hội nghị, tọa đàm, các đoàn kiểm tra trực tiếp tại các doanh nghiệp, các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Duy trì kênh tiếp nhận thông tin riêng như email, đường dây nóng dành cho doanh nghiệp, tạo thư mục hỏi đáp trên trang thông tin điện tử của các sở, ngành để giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh... Bà Nguyễn Thị Bé Tư, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Khôi, ở Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, cho biết: Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương và các ngành liên quan rất quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua các lần gặp gỡ, đối thoại. Nhờ sự quan tâm tháo gỡ khó khăn kịp thời nên công ty đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất để tăng doanh thu, tăng sản lượng xuất khẩu các mặt hàng để đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Đã yêu cầu các ngành đơn giản hóa thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước. Kịp thời kiến nghị loại bỏ những thủ tục phức tạp, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Rà soát, cắt giảm thời gian, cải cách thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Hỗ trợ doanh nghiệp cùng phát triển

Theo UBND tỉnh, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ, nhất là ban hành Kế hoạch xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, quy mô sản xuất nhằm tiết giảm chi phí tìm kiếm thị trường mới cho doanh nghiệp. Phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề năm 2019 gồm đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, cũng như tăng cường công tác đào tạo nghề, nhất là lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Thông qua đề xuất của doanh nghiệp về lao động, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu tuyển dụng.

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư theo tiến độ đề ra. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực tài chính, tín dụng thông qua các tổ chức tín dụng. Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh luôn làm tốt vai trò là “cầu nối” giữa các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, đặc biệt là đã thành lập Ban hỗ trợ tiếp cận tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh nhằm thông tin kịp thời cho doanh nghiệp, người dân trong tỉnh những cơ chế, chính sách tín dụng mới, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng. Tổ chức xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Hậu Giang... Ngoài ra, để tránh tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành đảm bảo nguyên tắc, thẩm quyền theo quy định, trong năm 2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo kế hoạch thanh tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo không quá 1 lần/năm.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan nghiên cứu chính sách thu hút đầu tư mới mang tính đột phá, phù hợp với quy định của pháp luật. Nghiên cứu nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, ưu tiên kêu gọi đầu tư các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế. Xây dựng kế hoạch thu hút các nhà đầu tư chiến lược; từng bước hình thành các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu đàn của tỉnh để tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Thường xuyên tổ chức đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp thông qua tổ chức hội nghị, diễn đàn, tọa đàm, chuyên đề… nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tập trung tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp triển khai thực hiện hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất. Đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại và khuyến công; nâng cao chất lượng các hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu, từ đó góp phần giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp…

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>