Vào mùa vịt chạy đồng

19/03/2019 | 07:30 GMT+7

Lúc này, trên các cánh đồng đã thu hoạch, người nuôi vịt bắt đầu đưa đàn đi di trú. Nhưng năm nay là một mùa kém vui đối với người chăn nuôi.

Hiện vào mùa vịt chạy đồng nên ngành thú y các địa phương đang tăng cường công tác quản lý.

Khi các cánh đồng lúa đã thu hoạch xong, cũng là lúc xe, tàu chở đàn vịt đi đến những thửa ruộng mới cắt để lưu trú. Trên các cánh đồng ở huyện Vị Thủy, những đàn vịt chạy đồng hàng ngàn con đua nhau ăn cua, ốc, lúa đổ. Mùa này, thay vì nuôi nhốt đổ thức ăn, người nuôi đàn số lượng lớn đem vịt đi các nơi để tận dụng thức ăn thừa trên ruộng. Lượng mồi ngoài ruộng dồi dào nên vịt mập tròn, cho trứng nhiều hơn, từ đó giúp tiết kiệm chi phí chăm sóc nuôi dưỡng.

Tuy nhiên, mùa vịt chạy đồng năm nay đi kèm nỗi buồn của người nuôi do giá trứng vịt trên thị trường giảm mạnh. Người nuôi cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay giá trứng vịt liên tục giảm, từ 2.500 đồng/trứng lúc tết giảm xuống còn khoảng 1.300 đồng/trứng. Với mức giá này thì người nuôi lỗ nặng. Một số hộ có ý định bán đàn, vừa để trang trải chi phí chăn nuôi, vừa lo không có tiền mua thức ăn cho vịt sau khi bắt đầu mùa gieo sạ.

Bà Nguyễn Thị Kim Pha, ở ấp 6, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, than thở: “Giờ gia đình tôi thiếu nợ trên 20 triệu đồng tiền thức ăn rồi. Đàn vịt 600 con thì đang kêu bán vì giá trứng rẻ quá. Không có ruộng nương nên nhà tôi ráng đeo theo nghề nuôi vịt, chứ cũng ngán lắm. Với 600 con vịt, mỗi ngày tôi chi trên 700.000 đồng tiền thức ăn, nhưng lượng trứng thu gom được không nhiều, giá trứng lại rẻ bèo. Ông xã tôi đang định cầm giấy tờ đất đi vay ngân hàng để trả nợ, bởi giờ này không cầm cự được nữa. Trứng vịt lên được trên 2.000 đồng/trứng mới mong gỡ nỗi tiền nợ”.

Hiện đã vào vụ thu hoạch lúa chính trong năm, nhiều đàn vịt chạy đồng từ các tỉnh khác cũng hồi hương trở về địa bàn. Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vị Thủy, hiện tổng đàn gia cầm có trên 630.000 con, trong đó tổng đàn vịt trên 500.000 con. Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vị Thủy, cho biết: Để kiểm soát tình hình dịch bệnh trên gia cầm trong mùa di trú này, Trạm Chăn nuôi và Thú y kết hợp với lực lượng thú y cơ sở, chính quyền địa phương rà soát những đàn từ địa phương khác trở về. Trường hợp có đàn hết hạn miễn dịch cúm gia cầm sẽ yêu cầu tiêm phòng theo quy định. Đối với những đàn gia cầm ở tỉnh khác khi vào địa bàn nếu không có giấy kiểm dịch, giấy chứng nhận tiêm phòng không còn thời hạn sẽ kiên quyết đẩy đuổi về địa phương gốc theo quy định để tránh nguy dịch bệnh.

Đối với những người nuôi vịt chạy đồng, chuyện phòng ngừa dịch bệnh trên gia cầm là điều quan trọng phải tuân thủ. Một số đàn ngoài tỉnh di trú về địa bàn Hậu Giang được quản lý chặt chẽ. Ông Trịnh Văn Thái, di chuyển đàn từ huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đến địa bàn Hậu Giang để thả vịt. Với số lượng trên 2.000 con, ông Thái luôn quan tâm khâu tiêm ngừa bệnh cúm gia cầm. Trước khi di chuyển đàn, ông đã tiêm miễn dịch và luôn theo dõi để tiêm phòng bổ sung kịp thời. Ông Thái cho biết: “Đến ngày 18-3 này, đàn vịt của tôi sẽ hết hạn tiêm phòng. Tôi đã liên hệ với lực lượng thú y ở Hậu Giang nhờ hướng dẫn, dự định sẽ mua vắc-xin rồi nhờ cán bộ thú y giám sát để tôi tiêm phòng cho đàn vịt của mình. Với tôi, đàn vịt là cả gia tài nên không thể lơ là khâu phòng bệnh được”.

Thông thường, thời gian lưu trú của đàn vịt chạy đồng ở mỗi địa điểm khá ngắn. Mặt khác, một số địa bàn giáp ranh có địa hình sông ngòi chằng chịt nên khâu quản lý khá nhọc nhằn. Để hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh, ngành thú y tỉnh Hậu Giang khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện nghiêm công tác phòng bệnh, nhất là ở khu vực giáp ranh các tỉnh bạn.

Theo ngành chức năng, khi có đàn vịt chạy đồng từ tỉnh khác đến, mạng lưới thú y cơ sở sẽ kết hợp với chính quyền địa phương nắm thông tin đàn, kiểm tra các loại giấy tờ liên quan đến lĩnh vực thú y, trong đó phải có giấy xác nhận đã tiêm phòng cúm gia cầm và còn thời hạn miễn dịch. Nếu chủ đàn không trình được giấy tờ hợp lệ theo quy định sẽ bắt buộc rời khỏi địa phương. Bên cạnh đó, mạng lưới thú y cơ sở cũng thường xuyên kiểm tra, tăng cường giám sát, nắm rõ biến động đàn tại địa phương mình quản lý, kịp thời bổ sung tiêm phòng đối với đàn hồi hương hết hạn miễn dịch.

Bài, ảnh: NGUYÊN ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>