Tôn trọng hệ sinh thái nương theo kiến thức của cộng đồng để tạo sinh kế

16/01/2019 | 08:19 GMT+7

Cuối năm 2018 và đầu năm 2019, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục đối diện áp thấp và bão đe dọa. Đây là hiện tượng hiếm khi xảy ra ở ĐBSCL. Các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong vùng. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu đã từng cảnh báo vùng ĐBSCL là một trong ba vùng đồng bằng ven biển sẽ bị tác động nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu và nước biển dâng lên. Vậy người dân ĐBSCL sẽ chọn sinh kế nào để thích ứng với biến đổi hậu ?

Biến đổi khí hậu đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho nông dân trồng lúa.

Người nghèo dễ tổn thương !

Vùng ĐBSCL rộng 4 triệu ha đất tự nhiên, là nơi cư trú và sản xuất của gần 20 triệu người Việt Nam, mỗi năm đóng góp khoảng 27-28 triệu tấn lương thực và thực phẩm, gồm lúa gạo, tôm cá, trái cây và rau củ cho cả nước, bảo đảm an ninh lương thực và đóng góp một phần đáng kể cho xuất khẩu ra thế giới. Do đặc điểm nằm ở hạ lưu cuối cùng của hệ thống sông Mekong, vùng ĐBSCL có địa hình rất thấp và phẳng, cao độ trung bình phổ biến ở mức 1,2-1,5m so với mực trung bình của nước biển. Vùng đồng bằng có một hệ thống sông rạch chằng chịt liên kết nhau và cùng đổ ra Biển Đông và Biển Tây. Trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 vùng đồng bằng bị ngập lũ, còn từ tháng 1 đến tháng 4 là giai đoạn bị tác động mạnh mẽ của hiện tượng xâm nhập mặn và khô hạn.

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (BĐKH) đã cảnh báo: ĐBSCL là một trong ba vùng đồng bằng ven biển sẽ bị tác động nghiêm trọng nhất do BĐKH và nước biển dâng lên cộng đồng dân cư so với các nơi khác trên thế giới. Theo phỏng đoán từ nay đến cuối thế kỷ này, trường hợp mực nước biển trung bình dâng lên từ 50-70cm, sẽ có ít nhất 25% diện tích đất nông nghiệp vùng ven biển ĐBSCL sẽ bị chìm ngập và khoảng 75% diện tích canh tác hiện nay sẽ bị nhiễm mặn mùa khô và khoảng 40-50% diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng của nước mặn ngay cả trong mùa mưa, khó có thể trồng lúa được.

Với mức độ gia tăng về tần suất và cường độ các hiện tượng thời tiết cực đoan đến khu vực sẽ làm gia tăng mối đe dọa an ninh lương thực và tạo nên những biến động tiêu cực lên nông thôn như hiện tượng suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên, thu hẹp diện tích canh tác và cư trú. Nông dân, ngư dân, diêm dân và thị dân nghèo sẽ là đối tượng chịu nhiều tổn thương nặng nề. Dự đoán sẽ có dịch chuyển dòng di cư của nông dân ở các vùng ven biển bị tác động nặng nề do BĐKH và nước biển dâng lên các đô thị. Điều này khiến các kế hoạch quy hoạch đô thị bị phá vỡ, trật tự xã hội sẽ là một thử thách, môi trường đô thị sẽ bị xấu đi do sự gia tăng cơ học về dân số.

Đa dạng hóa mô hình nông nghiệp 

Các nhà khoa học cho rằng: Việc tạo dựng các chính sách thích hợp để có thể thích ứng với sự thay đổi của khí hậu trong tương lai và lồng ghép vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có ý nghĩa lớn. Theo đó, đối với sản xuất nông nghiệp, cần phải có những điều chỉnh lịch thời vụ kịp thời, đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra các giống cây con mới có thể chịu đựng khô hạn, nhiễm mặn tốt hơn. Trong canh tác nông nghiệp, biện pháp tưới tiết kiệm nước sẽ là một giải pháp giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và phù hợp với sự suy kiệt nguồn nước. Các công trình trữ nước, thu gom nước mưa, phục hồi nước ngầm, bảo tồn các vùng đất ngập nước, nạo vét củng cố hệ thống kênh mương nhằm gia tăng hiệu quả sử dụng nước, xây dựng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Theo Viện Nghiên cứu BĐKH - Đại học Cần Thơ, nhiều giải pháp thích ứng với BĐKH đã được nông dân các nơi triển khai, các đánh giá bước đầu các giải pháp này hoàn toàn phù hợp với những thay đổi tự nhiên và các biến động thời tiết, giúp cải thiện sinh kế, thu nhập và giảm thiểu rủi ro. Các mô hình canh tác chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang các hình thức canh tác bền vững hơn trên nền lúa như mô hình lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen, lúa - màu, lúa - cây ăn trái,… đồng thời kết hợp với chế biến nông sản, làm du lịch. Đây là các mô hình chuyển đổi canh tác rất thuận thiên, theo hướng bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái và ứng phó hiệu quả với các biến động khí hậu, rất hợp lý với tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Trong những năm gần đây, thông qua tập huấn kỹ thuật, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phát triển bền vững thì các dự án phi công trình cũng đã cải thiện lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH. Các dự án phân bố rộng phù hợp với yếu tố sinh thái vùng gồm, sinh kế liên quan đến nông lâm ngư nghiệp ven biển gắn với sinh thái rừng ngập mặn; Nuôi trồng thủy sản nước ngọt, canh tác lúa, các nghề tiểu thủ công nghiệp khác gắn với hệ sinh thái nước ngọt. Theo tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu BĐKH - Đại học Cần Thơ): Chiến lược phát triển bền vững này trong bối cảnh BĐKH hoàn toàn phù hợp với các tiếp cận để thích nghi với hiểm họa thiên nhiên của thế giới hiện nay là: “Thích nghi và chuyển đổi dần theo thời gian trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định”, đặc biệt là thích ứng dựa vào hệ sinh thái và thích ứng dựa vào các giá trị, cơ chế và kiến thức của cộng đồng trong tiến trình ra quyết định. Việc tiếp cận thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái giúp cộng đồng dân cư chọn lựa các giải pháp thích ứng phù hợp một cách mềm dẻo ứng phó với các tác động tiêu cực của BĐKH, giảm khả năng dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng phục hồi trước thiên tai và bất thường thời tiết…

Bài, ảnh: CAO PHONG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>