Tìm hướng đi mới cho cá tra

23/03/2018 | 08:19 GMT+7

Trong thời gian gần đây, tình hình xuất khẩu cá tra ở các tỉnh ĐBSCL tăng trưởng ấn tượng, trong khi giá cá nguyên liệu trong nước cũng dao động mức cao đảm bảo người nuôi lời nhiều. Cá tra đang phát triển tốt thì gặp trở ngại từ thị trường Hoa Kỳ tăng mức áp thuế chống bán phá giá cao kỷ lục, gây trở ngại cho cá tra Việt Nam.

Xuất khẩu cá tra tiếp tục tăng.

Áp thuế cao kỷ lục

Bộ Công thương nước ta vừa ra thông báo cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng trong việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR13) về chống bán phá giá cá tra, cá ba sa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Căn cứ kết luận này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá ba sa của Việt Nam bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39-7,74 USD/kg. Đây là các mức thuế rất cao, tác động lớn tới xuất khẩu cá tra, cá ba sa của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Hiện Bộ Công thương đã và đang phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cùng các doanh nghiệp, các ngành liên quan… trao đổi thông tin, đồng thời nêu ý kiến không đồng tình cách áp thuế mới của Hoa Kỳ. Điều đáng tiếc là trong suốt quá trình rà soát, các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực phối hợp, cung cấp thông tin cho DOC, thế nhưng DOC vẫn quyết định sử dụng dữ liệu bất lợi sẵn có (AFA) để xác định mức thuế cuối cùng. Ngoài ra, DOC cũng thay đổi thông lệ điều tra của mình khi áp mức thuế rất cao đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Bộ Công thương cho rằng, mức thuế mà Hoa Kỳ đưa ra là không khách quan, mang tính bảo hộ quá mức. Vì vậy, đề nghị phía Hoa Kỳ xem xét, điều chỉnh lại trên nguyên tắc khách quan, tuân thủ quy định của WTO, công bằng cho tất cả các bên liên quan… Như vậy, một lần nữa con cá tra của Việt Nam gặp khó khi xuất vào thị trường Hoa Kỳ. Đây là điều không mới, nhưng thực tế khiến không ít doanh nghiệp bất ngờ bởi áp thuế lần này là cao kỷ lục tới 7,74 USD/kg.

Trong khi đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ra thông cáo báo chí về kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá cá tra xuất khẩu vào Hoa Kỳ của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13). VASEP nhận thấy kết quả cuối cùng của POR13 thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường, đồng thời mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự áp đặt chủ quan thiếu cơ sở của DOC trong quá trình xem xét. Vì vậy, VASEP và các doanh nghiệp phản đối quyết định thiếu công bằng này của DOC và đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án thương mại quốc tế Mỹ (CIT) trong thời gian sớm nhất.

Đại diện các Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản ở các tỉnh ĐBSCL đều bức xúc vì mức thuế quá cao này. Hiện tại, các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu sản phẩm cá tra vào thị trường Hoa Kỳ bình quân khoảng 3,7-4 USD/kg, trong khi mức thuế mới cao tới 7,74 USD/kg xem như hàng loạt doanh nghiệp đành bỏ cuộc - không thể đưa cá tra vào thị trường Hoa Kỳ. Cần thấy rằng, cùng với Hoa Kỳ thì mấy năm qua xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh của những người bảo vệ ngành hàng cá thịt trắng ở EU, thường xuyên gây khó khăn cho cá tra Việt Nam. Đài truyền hình Cuatro (Tây Ban Nha) đã đưa những thông tin không đúng sự thật về cá tra Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu cho việc xuất khẩu cá tra…

Bình tĩnh ứng phó và tìm hướng đi mới

Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, nhìn nhận: “Thời gian qua, cá tra của ta chưa bao giờ “thuận buồm xuôi gió” ở thị trường Hoa Kỳ và EU… được lâu, bởi nhiều lý do khác nhau, trong đó có cuộc chiến cá thịt trắng ở EU khá căng thẳng. Nguyên nhân là do cá tra của ta thuộc cùng nhóm nhưng giá bán thấp hơn khoảng 30%; do đó các nước liên tục dựng lên những rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế cá tra vào nước họ. Đây là vấn đề tất yếu, đòi hỏi chúng ta phải bình tĩnh và tìm cách ứng phó thích hợp…”.

Khó khăn là vậy, song tình hình nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đang đi vào giai đoạn ổn định, tăng trưởng tốt. Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,78 tỉ USD, tăng 4,3% so với năm 2016, đóng góp gần 22% vào giá trị xuất khẩu chung của ngành thủy sản. Trong khi đó, từ đầu năm 2018 đến nay giá cá tra nguyên liệu ở vùng ĐBSCL tăng rất cao từ 28.000-30.000 đồng/kg, thậm chí tới 32.000 đồng/kg, đảm bảo cho người nuôi lời đậm. Từ cơ sở đó nên năm 2018 phấn đấu xuất khẩu cá tra đạt từ 2-2,2 tỉ USD, khẳng định là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản. Để đạt mục tiêu này đòi hỏi các ngành chức năng, chính quyền các tỉnh ĐBSCL, doanh nghiệp… nỗ lực hơn nữa, nhất là phải vượt qua những thách thức từ thị trường EU và Hoa Kỳ.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), các doanh nghiệp cá tra nước ta thích ứng rất linh hoạt trước sự biến động của thị trường và những rào cản kỹ thuật. Thực tế cho thấy, xuất khẩu cá tra gần đây đã giảm nhiều về số lượng ở EU; trong khi thị trường Trung Quốc - Hồng Kông tiếp tục tăng mạnh 132% trong tháng 1-2018, so với cùng kỳ năm 2017. Đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam đạt 41 triệu USD, chiếm tới 23,9% tổng xuất khẩu cá tra. Cũng trong tháng 1-2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang 3 thị trường lớn trong khu vực ASEAN là Thái Lan, Singapore và Philippines tăng trưởng lần lượt 163%; 71% và 114% so cùng kỳ năm 2017. Và khu vực ASEAN đang được kỳ vọng vượt EU để trở thành thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 3 của Việt Nam. Đối với những thị trường tiềm năng khác như Mexico, Colombia và Ả-rập Xê-út, giá trị xuất khẩu cá tra đang tăng lần lượt là 55,7%; 81% và 79%... Điều này cho thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ngày càng đa dạng hóa thị trường và không ngừng mở rộng thị trường mới, nhằm tránh bị phụ thuộc. Ông Võ Đông Đức, Giám đốc Công ty Thủy sản Caseamex (Cần Thơ), lưu ý: Thị trường Hoa Kỳ đã tăng mức áp thuế cao, còn Trung Quốc vươn lên thị trường “số 1” nhưng cần đề phòng những rủi ro. Do đó, song hành cùng việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới thì tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm cá tra chế biến để gia tăng giá trị.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp có biện pháp kiểm soát chặt tình trạng ào ạt mở rộng diện tích nuôi cá tra, bởi gần đây cá được giá. Tuyệt đối không nên nuôi cá tra ngoài quy hoạch, nuôi tự phát không có hợp tác đầu ra với nhà máy chế biến, xuất khẩu... Cần thấy rằng, cá tra là thế mạnh của vùng ĐBSCL nói riêng và nước ta nói chung trên thương trường quốc tế; và cá tra cũng đã trải qua nhiều giai đoạn “lận đận” về thị trường, giá cả… khiến không ít người nuôi, nhà máy chế biến… lâm nợ, thậm chí phá sản. Mỗi lần như vậy là bài học xương máu để chúng ta nhìn nhận ra những hạn chế, bất cập, yếu kém… nhằm rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Thực tế, qua giai đoạn “sàng lọc” loại bỏ những nhà máy yếu kém, những doanh nghiệp không uy tín, làm ăn chụp giật, những hộ nuôi theo phong trào mà thiếu đầu tư, không đủ tay nghề… trong mấy năm qua thì gần đây ngành cá tra ở ĐBSCL đã và đang dần vào thế ổn định, từ việc nuôi đến thu hoạch, chế biến, xuất khẩu. Thêm cái mới là hiện nay giữa các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp… phối hợp tốt hơn, nhờ đó mà giá cá trong nước và giá xuất khẩu ra thế giới rất tốt, lợi nhuận của người nuôi cá thu về tăng cao.

Bài, ảnh: HƯNG TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>