Sức trẻ khởi nghiệp

07/02/2019 | 10:06 GMT+7

Biến nông sản vùng đất phèn thành thức uống tên tuổi; kỹ sư làm chủ trang trại heo rừng; thu tiền tỉ/năm/mô hình... đó chính là những điển hình của thế hệ trẻ Hậu Giang khởi nghiệp thành công mà chúng tôi có dịp gặp vào đầu năm mới.

Với nhãn hiệu Trà mãng cầu Yên Bình An, anh Tèo mong muốn đưa hương vị đặc sản Hậu Giang đến với mọi người.

Tiên phong làm trà mãng cầu

Sau nhiều lần hẹn thì mới gặp được giám đốc 36 tuổi Phan Văn Tèo, ở xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, dám tiên phong thực hiện sản phẩm trà làm từ trái mãng cầu ở vùng đất phèn Phụng Hiệp. Hiện tại, anh Phan Văn Tèo là Giám đốc HTX Hậu Giang Yên Bình An, quản lý quy mô hoạt động của HTX gần 10ha đất sản xuất và cơ sở chế biến trà mãng cầu gồm 10 nhân công. Kể về quãng thời gian chật vật của mình, anh Tèo ngậm ngùi: “Hồi đó, lúc mới lập gia đình, để nuôi vợ con, tôi phải đi làm nhân viên sale cho nhiều công ty mỹ phẩm. Thấy tôi chịu khó nên một người bạn đã truyền nghề làm mỹ phẩm dưỡng da, bỏ mối lại cho các chợ trong và ngoài tỉnh”.

 Với bản tính thích thử thách, vào năm 2017, anh lại tiếp tục thử sức với mô hình nuôi cá lóc bông. Chỉ với 500m2 đất, anh Tèo đã nuôi 20.000 con cá lóc bông vào dịp Tết Mậu Tuất 2018. Trên bờ liếp vườn của gia đình, anh trồng sầu riêng xen giữa là mít Thái, chuối táo quạ, các cây họ đậu, rau màu nên có nguồn thu hơn 1 tỉ đồng.

Mới đây, anh Tèo còn mạnh dạn đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ để bảo hộ cho nhãn hiệu Trà mãng cầu Yên Bình An. Anh bộc bạch: “Vùng đất Phụng Hiệp trước giờ phèn chua khó trồng được những loại cây có giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, cây mãng cầu đã bám rễ và làm nên danh tiếng, đem về nguồn kinh tế khá cho bà con. Đặc biệt, trà làm từ trái mãng cầu thơm ngon, bổ dưỡng lại được người dân ưa chuộng. Nghĩ vậy nên tôi cũng muốn quảng bá đặc sản quê hương mình cho nhiều người biết đến”. Hiện tại, anh Tèo đã xây dựng được cửa hàng phân phối tại thành phố Cà Mau. Sản phẩm trà mãng cầu của HTX đã phát triển được ở thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trong khu vực.

Dù mới phát triển dòng sản phẩm trà chưa đầy nửa năm, nhưng sản lượng trà mà anh Tèo đã cung cấp cho thị trường trung bình khoảng 50 kg/tháng. Quy cách đóng gói được phân thành 2 loại là hộp 500g giá bán 200.000 đồng/hộp và loại 200g với giá niêm yết là 110.000 đồng/hộp. Đây cũng là món quà tinh tế để người dân Hậu Giang có thể biếu tặng người thân mỗi dịp tết đến xuân về.

Nữ kỹ sư với trang trại heo rừng

Tốt nghiệp đại học ngành phát triển nông thôn Trường Đại học Cần Thơ nhưng Nguyễn Thị Thúy Oanh, sinh năm 1989, ở ấp Đông Bình, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, lại thích chăn nuôi hơn làm việc hành chính. Thúy Oanh nhớ lại: “Học xong, vì muốn gần gia đình nên xin làm việc tại huyện Châu Thành. Với mối quan hệ quen biết của mình, em được biết người bạn có nuôi heo rừng ở tỉnh Đồng Tháp, chuyên sản xuất heo giống và xuất bán heo thịt khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Gắn bó với đơn vị nhà nước hơn 7 năm nhưng em thấy mình lại có duyên với nghề nông nên năm 2015 đã xin nghỉ việc và đầu tư nuôi heo rừng”.

Dù mới 30 tuổi, nhưng “bà chủ” trại heo rừng Nguyễn Thị Thúy Oanh có doanh thu cả tỉ đồng/năm.

Ban đầu, Oanh phải chật vật vay mượn tiền từ anh chị em, người thân mỗi người một ít. Được một số vốn, Oanh mua 7 con heo giống gồm 5 heo nái và 2 heo đực. Một năm trôi qua, heo nái đẻ 2 lứa con, trung bình 8-10 con/lần đã giúp cho trại heo của Oanh ngày càng đông đúc với khoảng 60 con heo thịt đủ các kích cỡ. Với sức ăn và sản lượng heo con ngày càng nhiều, Oanh lại cần phải mở rộng chuồng nuôi. Chính vì vậy, khi được biết đến khát khao khởi nghiệp của Oanh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Châu Thành đã đề nghị Tỉnh đoàn hỗ trợ Oanh tham gia chương trình khởi nghiệp với số vốn 170 triệu đồng. Với số tiền này, Oanh sửa lại trại nuôi heo, mở thêm 4 chuồng mới.

Nhìn về phía trại chăn nuôi của Oanh mới thấy hết tâm tình của người cử kỹ sư trẻ tuổi ấy. Từng đàn heo con lớn nhỏ, con nào cũng căng tròn, chắc nịch bởi được Oanh dành cả tình thương yêu chăm sóc. Đặc biệt, cả đàn heo đều được nuôi rất bài bản từ khâu chọn giống, cho ăn, đến sưởi nắng hàng ngày, từ đó phẩm chất thịt ngon và luôn được thương lái thu mua với giá từ 70.000-80.000 đồng/kg. Mỗi năm, Oanh xuất chuồng khoảng 1 tấn heo thịt cho Công ty TNHH heo rừng miền Tây và bán heo giống ra thị trường, có nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Nhìn dáng người mảnh mai, nhưng trông Thúy Oanh toát lên một nghị lực phi thường. Trong suy nghĩ của Oanh dường như còn rất nhiều dự định mới. Bởi Oanh còn tiết lộ về ý tưởng sắp tới của mình là xây dựng trại nuôi trùn quế bằng phân heo. Khi đó, trùn sẽ dùng để nuôi đàn gà đá, còn phân trùn sẽ bón cho vườn cây ăn trái. Ngoài ra, sẽ liên kết với Công ty Sản xuất trái cây hữu cơ ở Thành phố Hồ Chí Minh để canh tác 2ha măng cụt nhằm cho ra những trái măng cụt tự nhiên, chất lượng cho người tiêu dùng. Và đặc biệt, vào dịp tết này, Oanh cũng xuất một lượng đáng kể heo thịt và heo rừng giống để đón một mùa xuân sung túc.

Vua cá chạch lấu

Nặng lòng với con cá chạch lấu nên sau khi tốt nghiệp đại học, anh Trần Thanh Hùng trở về quê tại ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, để thực hiện niềm đam mê. Tại đây, anh đã ương thành công giống cá chạch lấu mà rất ít người làm được. Vào thăm “thủ phủ” cá chạch lấu rộng 8.000m2, trong đó có 2 ao nuôi cá chạch lấu thương phẩm và 6 bể bạt để ương khoảng 20 triệu con cá chạch lấu giống/năm mới thấy hết quy mô mà anh thực hiện được. Với cơ ngơi này, anh Hùng được người dân địa phương đặt cho biệt danh là “Vua cá chạch lấu”.

Anh Hùng là người tiên phong nuôi thành công cá chạch lấu trong tỉnh Hậu Giang.

Để có nơi sản xuất cá giống quy mô như hiện nay, anh Hùng đã phải thất trắng 2 vụ cá với số tiền hơn 40 triệu đồng. Cho đến vụ cá thứ 3, anh mới nuôi dưỡng cá chạch lấu bố mẹ thành công, ép được cá con. Anh Hùng chia sẻ: “Sau bao lần thất bại thì tôi mới biết vào thời điểm đầu tháng 3 đến tháng 9 hàng năm mới là lúc ép cá giống tốt nhất. Trong quá trình ép phải áp dụng nhiều kỹ thuật. Trung bình mỗi con cá mẹ sẽ ép được khoảng 100.000 con cá bột, mỗi năm ép cá được 8 lần, tỷ lệ ương đạt khoảng 80%.

 Hơn 7 năm theo nghề, giờ đây anh Hùng mới dám tự hào khoe với bạn bè rằng anh đã thành công từ 100 con cá chạch lấu bố mẹ ban đầu. Đến nay đã tăng đàn lên trên 1.000 con, đó là một con số kỷ lục mà anh chưa từng nghĩ đến. Thị trường cá giống bây giờ ngày càng khởi sắc bởi người dân ở An Giang, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... đều lựa chọn  giống cá chạch lấu của anh làm ra. Sản lượng cá giống mà anh sản xuất không đủ cung ứng, mặc dù giá bán dao động từ 250-400 đồng/con. Từ đó, nguồn thu nhập của anh cũng tăng bội phần với doanh thu năm 2018 hàng tỉ đồng, tăng hơn 500 triệu đồng so với năm trước.

Để có được cơ ngơi như hôm nay, anh Hùng phải trải qua 2 lần thất bại mới ép giống cá con thành công.

Cá chạch lấu là loài thủy sản nước ngọt hiếm và mang về giá trị kinh tế cao nhưng ép giống rất khó. Anh Hùng không chỉ là một trong những người đầu tiên trên địa bàn tỉnh ép giống thành công mang về thu nhập cao cho gia đình mà còn mở ra hướng đi mới cho ngành thủy sản tỉnh nhà...

MỘC TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>