Sức sống nghề đan cần xé

09/04/2020 | 07:51 GMT+7

Trải qua bao thế hệ, làng nghề đan cần xé truyền thống ở khu vực 6, phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy, vẫn tồn tại và “đứng vững” nhờ đầu ra ổn định. Nhiều hộ dân gắn bó với nghề, giờ cũng được cải thiện đời sống.

Thợ đan kiểm tra chất lượng cần xé trước khi xuất bán.

Đan hết cọng nan cuối cùng, ông Ba Phương (Nguyễn Thanh Phương) xoay tròn cái cần xé kiểm tra sửa lỗi rồi truyền qua tay vợ để bà làm khâu bẻ miệng, tra quai. Mời tôi ly nước mát, ông nói: “Khách hàng giờ khó tính lắm, bị lỗi một cọng nan thôi là coi như cả lô cần xé hàng trăm cái không chỉ bị mất giá, mà còn bị mối lái chê không nhận”.

Đó cũng là quy luật, bởi ngày nay trên thị trường hàng mỹ nghệ bằng nhựa không thiếu, thế nhưng không có gì có thể thay được cần xé của người Việt Nam làm ra. Do sản phẩm được làm bằng tre, trúc nên có sự bền bỉ theo thời gian. Để giữ gìn truyền thống của ông cha ta để lại, làng nghề đan cần xé ở Ngã Bảy vẫn còn tồn tại là do lòng yêu nghề của các thế hệ. Có gia đình đã trải qua ba thế hệ từ đời ông sang đời cha, rồi tới đời con nhưng họ vẫn miệt mài làm. Những đứa trẻ ngày nay ở làng nghề này chỉ mới 10 tuổi cũng tập tành vót nan, chẻ tre, phụ cha mẹ đan cần xé, cho dù trên thực tại hiện nay số hộ dân làm nghề đan cần xé ở đây không còn nhiều như những năm về trước. 

Xã hội đang trên đà phát triển, nhiều thiết bị máy móc có thể thay thế sức lao động của người. Vậy mà tại vùng đất Ngã Bảy, nằm dọc bờ kênh xáng Cái Côn, trải dài khoảng 2km vẫn còn tồn tại làng nghề truyền thống, đan cần xé thủ công của hàng trăm hộ dân. Hầu như lúc nào nơi đây sinh khí diễn ra cũng nhộn nhịp, người chẻ tre, người vót nan, người đan cần xé… để kịp cung ứng ra thị trường theo đơn hàng đã đặt.

Đếm đốt ngón tay, ông Ba Phương nay đã hơn 60 tuổi cũng không biết nghề đan cần xé ở đây có từ bao giờ. Có điều chỉ nhớ thời thơ ấu ông thường nghe nội và cha mình kể vào thời xa xưa nào đó có người tên gọi là Hai Bạch, ông này quê ở Bạc Liêu về đây lập thân, lập nghiệp mưu sinh bằng nghề đan cần xé. Hàng xóm thấy ông tay nghề thành thạo nên nhiều người sống cùng thời đến học hỏi và được ông truyền nghề. Rồi cũng từ đó, nghề đan cần xé ở đây bắt đầu hình thành, ban đầu chỉ số ít người đan, dần dần nghề phát triển mạnh, cao trào hơn là sau những năm 1975 đất nước hoàn toàn thống nhất, có khoảng 400 hộ làm nghề. Nhờ có được nghề đan cần xé mà nhiều hộ dân có công ăn việc làm, bởi kinh tế nông nghiệp phát triển, đòi hỏi nhiều công cụ lao động, sự xuất hiện của cái cần xé là hết sức cần thiết đối với nông dân. Làm ruộng cũng phải cần có cần xé để đựng lúa, đựng phân, người làm vườn hay mua bán trái cây cũng cần có cần xé để đựng trái cam, trái xoài… Người tát mương, tát đìa cũng phải có cần xé để đựng cá tôm, hay người mua bán vật liệu công trình xây dựng thì cần xé dùng vác cát, đá… không thể không có.

Chính vì thị hiếu người tiêu dùng, người thợ đan cần xé phải nghĩ ra cách thiết kế nhiều kích cỡ cần xé to, nhỏ khác nhau, cái nhỏ nhất cũng đựng từ 1 táo lúa, tương đương 10kg. Cái to hơn thì từ 1-3 giạ, hoặc lớn hơn nữa tùy theo nhu cầu người đặt để đựng vật dụng cố định. Mỗi cái cần xé được làm ra, người thợ phải mất nhiều thời gian và phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên phải có vật liệu là tre, trúc, mây, dây chì… Muốn có được cái cần xé thật bền, xài lâu, người đan phải chọn vật liệu tre, trúc già để làm nan đan, nan trụ, nan léo miệng, nan mê phần đít cần xé. Khi mới lên nan phải đan lông hai, rồi lông tư, bẻ miệng, léo vành, làm quai, nẹp hông, trong đó quai và nẹp hông của cần xé phải làm bằng tre. Trong các công đoạn thì chỉ có công đoạn lên nan, làm nan gốc là khó nhất, vì quyết định độ to, nhỏ của cần xé. Người lành nghề có thể một ngày đan 5-6 cần xé lớn, nhưng đối với người mới vào nghề thì đây không phải là việc dễ làm.

Chị Dương Thị Nga, vợ ông Ba Phương cho biết chị biết đan cần xé hồi năm mới 10 tuổi, lúc mới vào nghề, chị thường bị nan tre, trúc cắt chi chít cả tay, bây giờ cũng vậy. Đôi lúc chị có ý định muốn bỏ nghề theo các con lên thành phố tìm việc khác để làm, nhưng khi đi rồi lại về tiếp tục với công việc đan cần xé. Chị nói: “Nhớ nghề lắm, không theo nghề không được, nghĩ chừng đôi ba ngày là thấy bứt rứt, bồn chồn khó chịu. Mặc dù công việc này vất vả, nhưng mỗi khi làm ra được cái cần xé chỉn chu, đẹp mắt là tôi thấy rất vui”. Cái chị và nhiều người trong xóm vui hơn là ngày nay khi sản phẩm làm ra chỉ cần ngồi tại nhà alo một tiếng thì cũng có thương lái đến thu mua. Giá cả bán ra cho mỗi cái cần xé tùy theo kích cỡ lớn nhỏ từ 35.000-250.000 đồng/cái. Sau khi trừ các khoản chi phí vật liệu, ngày công công thợ thì người làm nghề còn lời khoảng nửa số tiền của mỗi cần xé bán ra.

Anh Phạm Minh Điền, chủ một vựa thu mua cần xé tại Ngã Bảy cho biết do sản phẩm cần xé làng nghề Ngã Bảy có chất lượng, tay nghề của thợ khéo nên không chỉ có người tiêu dùng ở các tỉnh lân cận hay Thành phố Hồ Chí Minh biết đến, mà hiện nay còn được xuất khẩu sang nước ngoài như Đài Loan, Trung Quốc… Từ đó, mức thu nhập từ nghề này của từng hộ dân cũng được ổn định, cuộc sống ngày một khấm khá hơn, nhất là những hộ không có ruộng đất thì đây là nghề chính có thể nuôi sống được cả gia đình.

Được nghe những gì người đan cần xé có tiếng từ làng nghề ở phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy, chúng tôi mới thấu hiểu được những vất vả của người thợ nơi đây. Những con người cần cù, chân chất và rất thành thạo kỹ năng đan cần xé đã cho chúng tôi hiểu được những giá trị văn hóa truyền thống của nghề đan đát nơi này. Mặc dù làng nghề có quy mô nhỏ, tình hình sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, nhưng người thợ nơi đây vẫn cố bám giữ nghề đã gắn bó và nuôi sống họ trong những năm tháng đã qua.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>